[CÔNG THỨC CỦA ONE VÀ SỰ TÀN PHÁ TRONG CÚ ĐẤM CỦA SAITAMA ]



 “Sự căng thẳng giống như một sợi dây cao su vậy, và tôi cứ kéo mãi, kéo mãi để xem nó co dãn được tới đâu”. Đó là những lời mà Quentine Taratino – vị đạo diễn có tiếng trong việc sử dụng bạo lực như sự giải trí trong phim của mình – đã từng nói về cách ông làm phim. Sợi dây ấy rồi sẽ đứt, cũng là lúc những căng thẳng bị dồn nén được giải thoát, tạo nên dòng cảm xúc mãnh liệt cho khán giả, và mình tin đó cũng là mục tiêu của tác giả ONE khi làm One Punch Man.
Để đạt được sự thỏa mãn trong tác phẩm của mình, hay chi tiết hơn, là trong mỗi lần chạm trán với quái vật có cấp độ thảm họa khủng, tác giả ONE luôn tuân thủ công thức gồm 3 điều sau:
1/ Kéo sợi dây căng thẳng:
Mình sẽ ví sự hồi hộp, kịch tính trong truyện như một biểu đồ đường lên xuống (giống biểu đồ nhịp tim) để dễ hình dung. Chúng ta sẽ đi từ lúc biểu đồ ở trạng thái cân bằng cho tới khi nó đạt đỉnh điểm, tức là trước khi anh trọc tiến vào làm đứt sợi dây.(mình sẽ lấy trận chiến giữa Sui Ryuu với Bakuzan và Gouketsu làm ví dụ)
+ Lúc khởi điểm (nhịp tim ở mức 0): Tác giả làm nhiệm vụ giới thiệu phe thiện, giúp ta hiểu và đồng cảm với hành động của họ (không phải Saitama nhé), thông qua lí tưởng, tính cách và động cơ chiến đấu, giúp ta dễ đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật hơn.Càng đồng cảm với nhân vật, những gì ta cảm nhận tiếp theo càng sâu sắc.
(Sui Ryuu ban đầu được giới thiệu như một tên ngạo nghễ, kiêu căng, tự tin rằng mình có thể thắng giải đấu một cách dễ dàng, cho tới khi Saitama xuất hiện và hạ gục cậu bằng một cái lắc mông, điều này khiến ta phần nào thấy tội nghiệp anh chàng)
+ Nhịp tim bắt đầu tăng: Ta được cảnh báo về sự xuất hiện của bọn quái vật, có thể qua nét mặt hoảng sợ của người dân hoặc có ai nói cho ta biết, rồi nhân vật phản diện đáng sợ, nguy hiểm xuất hiện, sự căng thẳng tăng dần.
(Bình luận viên thông báo về những nhân viên bị thương không rõ nguyên do --> lũ quạ khổng lồ xuất hiện --> Gouketsu hùng dũng bước ra từ khán đài, tay cầm một người trông vô cùng đáng sợ)
+ Nhịp tim đi lên cao hơn: Xung đột bắt đầu, phe ác đe dọa đến sự an nguy của người dân khiến người anh hùng không còn lựa chọn nào ngoài việc chiến đấu với chúng, tương quan lực lượng có thể chênh lệch, nhưng kẻ mạnh hơn luôn là kẻ xấu, ta bắt đầu lo sợ cho số phận người anh hùng. Một trận đấu "long trời lở đất", đầy hấp dẫn diễn ra, là điều mà họa sĩ Yusuke Murata đã làm rất tốt trong vai trò vẽ minh họa của mình, sự căng thẳng cùng phấn khích vì đó mà tăng nhanh.
(Sui Ryuu nổi máu anh hùng, anh chiến thắng quái vật Choze - kẻ trước đó bị anh đánh bại với một cước - một cách đầy chật vật, nhưng khi đụng tới Gouketsu, Ryuu hoàn toàn không có hi vọng, anh bị đánh đến thổ huyết, đứng còn không nổi)
+Nhịp tim hạ xuống: Giống như biểu đồ kinh tế học, biểu đồ của sự căng thẳng không thể nào cứ lên mãi lên mãi được, nó cần phải tụt xuống một chút để người xem có thể chuẩn bị cho bước nhảy vọt tiếp theo. Người hùng bỗng có một chiêu thức hay sức mạnh nào đó tiếp thêm tia hi vọng về việc đánh bại con quái vật, khán giả nhẹ nhõm phần nào, sự lo sợ giảm.
(Anh hùng Sneck và Lightning Max xuất hiện, sát cánh cùng Ryuu đánh bại lũ quạ ba chân, tiếp thêm hi vọng sống sót)
+Nhịp tim tăng đến cực đỉnh: Ôi không! Sau khi lĩnh trọn toàn bộ sức mạnh của người anh hùng, con quái vật vẫn không hề hấn gì, phe thiện bị đánh cho bầm dập te tua, giờ đây phe phản diện mới là kẻ kiểm soát thế trận, người anh hùng bắt đầu cầu cứu hoặc buông xuôi, phó mặc cho số phận. Chúng ta buộc phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ nhất: Toàn bộ người dân sẽ bị thảm sát, anh hùng bị giết sau khi cố hết sức mình, sự căng thẳng không thể tăng lên được nữa.
(Bakuzan biến thành quái vật và tiếp tục chuyên mục bán hành, triệt hết đường sống của nhà vô địch, anh tỏ ra tuyệt vọng, cầu cứu một người anh hùng nào đó tới cứu mình).
Và phần tiếp theo, hẳn mọi người đã rõ .
Trong Avengers: Infinity War, nhiều bạn không khỏi cảm thấy hụt hẫng bởi cái kết, (spoiler alert) Thanos hoàn thành mục tiêu của mình là giết chết một nửa dân số, đồng nghĩa sự căng thẳng không thể tăng nữa, cũng không còn tia hi vọng nào nên nó cũng chẳng thể giảm xuống, kết quả người xem bị mắc kẹt ở trạng thái lơ lửng ở giữa, hay còn gọi là hụt hẫng. May thay, Ở One Punch Man, chúng ta có một người đứng ra giải quyết vấn đề này, không phải như mấy cái buff tình bạn nhảm nhí và nhàm chán của mấy bộ manga khác, ONE tạo ra một cách sáng tạo và độc đáo hơn nhiều để làm đứt sợi dây hồi hộp ấy, một tên trọc tuy vô lí nhưng lại rất thuyết phục tên Saitama!
2/ Đứt dây:
Bạn tự hỏi tại sao Saitama được xây dựng như một tên vô hại, chán ngắt trong bộ đồng phục đơn diệu đó? Đơn giản vì nó khiến người ta nghĩ anh ta không thể làm gì lớn lao cả, một tên suốt ngày chỉ nghĩ đến rau củ giảm giá với trả tiền thuê nhà thì làm được cái gì chứ? Để rồi khi hắn đi ngang, cất nắm đấm của mình lên với khuôn mặt không biến sắc và... bùm! Con quái vật nổ tan tành như pháo hoa trước mắt, sự căng thẳng được giải quyết không thể gọn ghẽ và hoành tráng hơn, rồi đột nhiên bạn cảm thấy “đã”! Sự tồn tại của Saitama từ đầu đã là trái tự nhiên và phi logic rồi, người ta sẵn sàng bỏ ra hàng tháng trời để chờ cho anh main xuất hiện, cốt cũng là vì khoảnh khắc này. Nó bỗng khiến mình liên tưởng đến Naruto, trong cuộc thi Chunin lần đầu tiên, Nar luôn bị mọi người xem thường, mọi sự tập trung đều dồn vào Gaara và Sasuke.Thử hỏi nhìn những gì cậu trải qua, có ai mà không muốn thấy cậu tỏa sáng? Trong khi Naruto cũng có tiềm năng, cũng cố gắng tập luyện chăm chỉ không thua gì ai, vậy mà không người nào trong làng công nhận cậu, ta cảm thấy bị ức chế phần nào, để rồi khi sức mạnh Cửu Vĩ trong cậu bộc phát khi đối đầu với Neji, mọi người đều kinh ngạc, sửng sốt, lại còn cảnh Naruto cùng linh thú cóc Gamabunta quyết chiến với Gaara nữa, nó khiến cảm xúc mình như dâng trào khỏi lòng ngực. Sự vô danh, bị coi thường khiến ta đồng cảm với nhân vật, vậy nên khi họ thể hiện mình, làm được điều vĩ đại ta cũng vui như mình làm được điều ấy. Điểm khác biệt giữa Naruto và Saitama là Saitama mạnh một cách vô lí, một đấm là thổi bay đối thủ, khiến anh trọc trở thành một nhân vật thú vị và độc đáo. Vậy nên bất ngờ và đồng cảm sẽ là hai yếu tố không thể thiếu để đẩy sự thỏa mãn lên đỉnh điểm. Cho nên đừng ai mong những anh hùng trong truyện sẽ biết đến sức mạnh của Saitama nhé, cũng như đừng đòi bác Yusuke Murata ra truyện nhanh nữa, vì càng ức chế thì sự thỏa mãn sẽ càng tăng đấy. ( nói thế chứ sợ ổng tèo trước khi hoàn thành bộ này lắm @@)
3/ Thể hiện sự tàn phá của cú đấm một cách hoành tráng và khó tin hết mức có thể :
Phá hủy một thứ gì đó có tính toán sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn cho con người. Trong Zombieland, có một cảnh rất giải trí là lúc Columbus và Tallahassee vào một cửa tiệm đập phá mọi thứ cho vui, trong khi họ biết rằng chủ cửa hàng đã hóa thành Zombie hoặc chạy sang nơi khác. Khi phá hủy một thứ gì đó to lớn trong tầm kiểm soát của mình, nó khiến ta thấy bản thân thật mạnh mẽ, hoặc đơn giản vì ta thích thế, có rất nhiều tác giả đã lợi dụng tâm lí này và sự bạo lực để đem vào truyện của mình như đại diện cho một thứ gì đó sâu xa, ý nghĩa hơn ảnh hưởng đến nội dung và nhân vật, nhưng cũng có những bộ sử dụng nó như một cách để giải trí, mà tác giả ONE đã tận dụng tốt điều này trong hầu hết các truyện của mình.
Hãy thử tưởng tượng nhé, Saitama không còn đấm nổ tung nội tạng tụi quái vật như trước nữa mà chỉ đấm thủng tụi nó thôi, sao? Bạn có thấy độ hay giảm đi không? Và mình nói mức độ hoành tráng càng lớn, càng khó tin thì càng “đã” hơn nữa ấy. Lấy thêm một ví dụ nữa là Dragon Ball, cũng sử dụng tính bạo lực để giải trí rất hiệu quả. Trong Ngọc Rồng, mức độ vô lí của trận đánh tăng theo cấp siêu xayda, từ những cuộc chiến bể đồi , lở núi cho tới mức hủy diệt cả hành tinh khiến tim ta đập dồn dập, phấn khích vô cùng. Thế nhưng, khi sang tới Dragon Ball Super, sự phấn khích của mình bị giảm. Một vấn đề của sự căng thẳng là bạn phải liên tục gia tăng nó, chỉ cần giảm đi một chút thôi có thể khiến cả bản nhạc lạc nhịp. Những trận đánh trong ngọc rồng siêu cấp giờ đây chỉ làm bể nhà, bể cửa, bể vài miếng gạch trên sàn thi đấu dù đã lên tới cấp God. Sự kì vọng không được đền đáp khiến mình hụt hẫng phần nào ( ok gọi mình trash cũng được nhưng mình thấy thế thật @@). Chính những cuộc chiến với mức độ tàn phá đến vô lí ấy đã thỏa mãn phần nào tính bạo lực trong mỗi người ( trong điều kiện sự tàn phá ấy là để chống lại cái ác ). Vậy nên, để có thể giứ được lửa cho truyện, ONE buộc phải tăng dần mức độ hủy diệt lên, hết đồi tới núi, hết tỉnh tới thành, hết trái đất tới vũ trụ, hết vũ trụ thì,.. chẹp, hết truyện!
Kết: One Punch Man không phải là bộ truyện cổ xúy bạo lực (tại mấy pha của thánh phồng ảo quá rồi) mà đơn thuần dùng nó để giải trí, tuy vậy nó khiến ta tự hỏi một câu hỏi sâu xa hơn:” Liệu có phải trong sâu thẳm mỗi người... luôn tìm kiếm sự hủy diệt?”
Đây là bài viết đầu tiên của mình với tư cách là ad mới 🙂 có gì khen chê mong mọi người góp ý nhiệt tình để mình sửa đổi trong tương lai nhé!


Nhận xét

Bài đăng phổ biến