[REVIEW KOKOU NO HITO]


“ Tôi muốn leo lên ngọn núi khó leo nhất thế giới, và đó là tất cả của tôi, còn lại chỉ là rác bên lề! ” – Mori Buntarou
Nếu có thể tóm gọn Kokou No Hito chỉ trong một câu nói, có lẽ không còn gì hợp hơn dòng ở trên, khi xuyên suốt câu chuyện là hành trình của chàng trai trẻ Mori Buntarou từ một cậu học sinh trung học trở thành một Solo-climber chuyên nghiệp, cậu sẵn sàng dẹp bỏ mọi thứ xung quanh từ mối quan hệ tới những tiện nghi cá nhân để thực hiện ước mơ của mình:”Chinh phục ngọn núi K2- ngọn núi khó leo nhất”. Một câu chuyện mới nghe qua tưởng như sẽ tràn ngập sự phấn khởi và nhiệt huyết tuổi trẻ, nhưng thay vào đó Shinichi Sakamoto lại quyết định rẽ câu chuyện sang một hướng khác, tăm tối và ngột ngạt, hệt như những gì Mori Buntarou đang chịu đựng
Biên kịch: Nabeda Yoshiro
Họa sĩ: Shinichi Sakamoto
Thể loại: Seinen, Sport
Tình trạng: Đã hoàn thành
Được dựa trên tiểu thuyết gốc cùng tên của nhà văn Jiro Nita, dựa trên hình mẫu của nhà leo núi người Nhật Katou Buntarou ( trong truyện được đổi tên thành Mori Buntarou), bộ truyện đã thật sự nâng tầm tên tuổi của tác giả và thu hút một bộ phận người đọc trung thành nhờ vào phong cách vẽ tả thực cực kì chi tiết cùng nội dung năng nề mà câu chuyện mang lại.
Bộ truyện mở ra với tình huống thường gặp trong các bộ Shounen, một học sinh kì quặc mới chuyển đến và gây bất ngờ cho mọi người trong lớp, kẻ đó chính là Mori Buntarou, một tên ít nói và khó gần, sau khi bị Miyamoto Hajime-một tên trẻ trâu cũng yêu thích leo núi- thách trèo lên tường của trường học, Mori đã suýt té chết, nhưng từ đó trong lòng cậu bỗng nảy sinh ham muốn leo núi mãnh liệt. Phải nói rằng ở arc 1, Kokou No Hito được xây dựng như một sport-shounen manga rất hấp dẫn và lôi cuốn, mặc dù Mori không sở hữu kiểu tính cách đặc trưng mà một nhân vật Shounen thường có, nhưng nhờ có tên lắm mồm Miyamoto đã kéo lại sự cuốn hút và bầu không khí tràn đầy năng lượng cho truyện, hai nhân vật với hai tính cách trái ngược nhau, sự điềm tĩnh và nóng nảy, thiên tài và nỗ lực, họ vừa là bạn vừa là đối thủ tranh đấu cho ước mơ chung, cộng thêm chút tình cảm lãng mạn tuổi học đường, một ông thầy vừa nhiệt tình vừa dễ mến, Kokou No Hito đáng lẽ đã là một bộ Shounen tuyệt vời, ngay cả phong cách vẽ của Shinichi Sakamoto giai đoạn này dù mang hơi hướng tả thực nhưng vẫn khá đơn giản, rất phù hợp với tông của truyện, mọi chuyện có lẽ sẽ cứ tiếp tục như vậy nếu không vì sự ra đi của một người. Arc 2 của Kukou No Hito đã thay đổi hoàn toàn, không phải không còn hay như trước nữa, nhưng thay vì là một bộ truyện dễ đọc, dễ xem, giờ đây nó đã mang một cái mác “không dành cho tất cả mọi người”.
Nhân vật này, không phải như nhiều bạn sẽ nghĩ là nhân vật trong truyện, sự ra đi của ông đã khiến cho toàn bộ mọi thứ đều thay đổi từ tông nền, phong cách vẽ cho tới thể loại và hướng tập trung chính. Xin thưa đó là biên kịch Nabeda Yoshiro, ông rời vị trí biên kịch của truyện từ volume 4 và Sakamoto phải tự mình tiếp tục công việc, kết quả, Sakamoto được thỏa sức bung lụa để quay về thể loại seinen sở trường và khiến người đọc bối rối với những quyết định của ông hết lần này đến lần khác mà không hiểu chuyện gì. Những yếu tố tạo sự hấp dẫn và tươi sáng cho bộ truyện đều dần bị lượt bỏ, mối quan hệ cạnh tranh của Mori với Miyamoto chấm dứt, nhân vật nữ Yumi cũng đột ngột trở thành con người khác và đóng vai trò hoàn toàn không giống như lí do cô được tạo ra lúc đầu, arc 1 và 2 của Kouko No Hito khác nhau đến mức có thể gọi đây như hai bộ truyện khác biệt nếu xét trên phương diện thể loại, phong cách vẽ và hướng tập trung. Và bởi sự loại bỏ những yếu tố mang tính “ tươi sáng ” và tập trung thể hiện nội tâm của Mori Buntarou, một người hướng nội và kém giao tiếp với đám đông, Kukou No Hito trở nên “dark” hơn hẳn.Đối với nhân vật chính Mori, ta cảm thấy khó chịu mỗi khi cậu bị sỉ vả nhưng không thể tự bảo vệ bản thân, thấy bực mình khi cậu chọn chạy trốn thay vì đối diện với người khác, Mori giống như một ngọn núi cao vậy, cậu có vẻ ngoải khó gần, bí ẩn và kiên định với mục tiêu của mình, mặc cho sóng gió hay miệng lưỡi thế gian, vẫn không gì lay chuyển được cậu, một cuộc sống bình thường và ổn định không phải nơi dành cho Mori, chỗ của cậu là trên đỉnh núi kia, cô độc như cách cậu sống trước giờ, và như cách cậu chinh phục đỉnh cao, không cần phải ngoái đầu lại, không cần đống dây bảo hộ nhằng nhịt, thà chết trên đỉnh núi còn hơn sống an toàn trở về chẳng để làm gì, đó là định nghĩa của một Solo-climber! Và đó cũng chính là điều khiến ta bỏ qua hết mọi khác biệt và dõi theo cậu.
Để thể hiện chủ đề của truyện, Shinichi Sakamoto đã cho gần như mọi mối quan hệ của Mori đều diễn biến theo chiều hướng xấu, việc này vô hình chung khiến bầu không khí của truyện trở nên đen tối và khó chịu hơn, những khoảng tươi sáng của truyện quá thưa và quá ít ỏi nên bản thân mình không thoải mái gì lắm khi thưởng thức tác phẩm. Qua đó có thể nói rằng mình thích Kokou No Hito không phải vì khía cạnh giải trí (ít nhất là sau arc 2), mà bởi tính chân thực nó mang lại. Nếu để ý thì qua arc 2, mức độ tỉ mỉ trong truyện đã tăng lên đáng kể, bộ quần áo, dụng cụ leo núi cũng như cách từng người lê bước chân nặng nề trong nền tuyết trắng xóa đều được tác giả nghiên cứu và vẽ lại giống hết mức có thể, khiến ta cảm tưởng như đang thật sự ở trong một trận bão tuyết, rồi cả khung cảnh hùng vĩ của núi đồi mở ra lúc bình minh, khiến ta thật sự choáng ngợp bởi khối lượng công việc mà tác giả phải làm để tạo nên chúng. Một điều nữa mình thích ở Kokou No Hito đó là cách tác giả đã phác họa những ngọn núi vô cùng khắc nghiệt với những kẻ dám xem thường nó, nhưng lại sẵn sang dang rộng vòng tay chào đón người sẵn sang trao cả tính mạng mình để đạt được cảm giác chính phục, điều ấy khiến ngọn núi trong truyện hiện lên sừng sững như một vị thần, nắm trong tay mọi quyền sinh sát đối với con người nhỏ bé.
Dù vẫn còn những hạn chế trong khâu kể chuyện như vẫn còn vài đoạn chưa phân biệt rõ các mốc thời gian khiến người đọc khó theo dõi, dàn nhân vật phụ chưa đóng góp gì đáng kể trong mạch truyện chính,.. nhưng những giá trị về mặt nghệ thuật lẫn xây dựng nhân vật mà Kokou No Hito mang lại là không cần bàn cãi! Nếu bạn là fan của dòng truyện seinen hoặc yêu thích nét vẽ đẹp mà chưa từng đọc qua thì hãy thử xem, hứa hẹn sẽ là một bộ truyện độc đáo và cuốn hút đấy~

Nhận xét

Bài đăng phổ biến