[Manga Review]: Oyaji – Một người cha lặng lẽ


“Tôi cần trở nên mạnh mẽ hơn, tôi cần sống kiên cường hơn, như người đàn ông vĩ đại nhất – ông già của tôi.”

“Lúc nào thành cha mẹ con sẽ hiểu”. Một câu nói quen thuộc có thể khiến không ít người khó chịu khi nó là câu trả lời khá nửa vời của những bậc làm cha làm mẹ, nhưng ta khó có thể phủ nhận việc lời nói ấy không hề sai. Những con người chưa phải chăm sóc, hy sinh cho những đứa trẻ ngây thơ, dù có biết về thứ gọi là tấm lòng của cha mẹ vẫn không thể thấu hiểu nó hoàn toàn. Tôi cũng vậy, vẫn là một đứa trẻ tìm hiểu về cảm xúc, góc nhìn của người làm cha mẹ bằng cách đọc và xem trước khi thực sự có thể trải nghiệm. Bây giờ, tôi đọc Oyaji để biết về tâm sự của người cha hết lòng vì gia đình, để rồi một thời gian nữa, tôi đọc lại nó để đồng cảm với tâm sự ấy. 


-Tên: Oyaji
-Hình thức: Manga
-Số chap: 24
-Thể loại: Action, Drama, Seinen
-Tóm tắt: Gia đình Kumada không phải là một mái ấm hạnh phúc cho lắm. Đứa con gái lớn Kumiko thì bỏ nhà ra đi, thằng con thứ Yosuke vô công rồi nghề và người bố mất tích đã được mười sáu năm. Khi Kumiko trở về, cô mang theo cả món nợ xã hội đen về cầu cứu. Giữa cái bất lực của gia đình, tiếng kêu gào của Kumiko và sự nhẫn tâm của tên xã hội đen, người cha to lớn với vết sẹo chạy dài trên mặt đột ngột trở về. 

Như đã giới thiệu ở trên, bộ manga tập trung bộc lộ tâm trạng, suy nghĩ của người cha hết lòng vì gia đình. Vẫn câu chuyện quen thuộc về một người cha vào tù ra tội quay trở lại với mái ấm, bị thù ghét bởi những đứa con mà ông đã phó mặc cho vợ mình. Nhưng có một điểm khác biệt ở Oyaji, người cha trở về không phải để chuộc tội, để tìm kiếm sự tha thứ từ gia đình mình, mà ông về để bảo vệ họ, để dạy dỗ những đứa con vẫn chưa vỡ lẽ sự đời. 

Như mọi bộ manga khác, Oyaji kể câu chuyện trên bằng hình ảnh và nội dung. Về phần hình ảnh, nét vẽ nó khắc hoạ đầy đủ những gì ta thấy trong cuộc sống, không một lớp phấn hồng nào phủ lên trên cả. Nét vẽ hơi thô, trần trụi khá giống phong cách của Baki với một chút không khí ảm đạm đắp lên. Oyaji không được vẽ để hớp hồn người đọc với nét vẽ hoa mĩ mà chỉ thể hiện cái trần truồng của hiện thực. Cả cảm xúc, hành động lẫn cái bạo lực máu me được phô bày trước mắt người đọc. Không có một mĩ nhân hay tài tử nào trong cuộc sống hàng ngày cả, chỉ có khuôn mặc khắc khổ của người phụ nữ gồng lưng gánh vác giá đình, có khuôn mặt trắng muốt bởi sơn phấn hay vẻ mặt dữ tợn của người đàn ông từng vào tù vì giết người. Không ít người coi nét vẽ của bộ truyện là điểm trừ, nhưng ít nhất, tôi không nằm trong số đó. Thật sự, từng khuôn mặt hạnh phúc của người vợ già, giọt nước mắt nhỏ nhoi trên khoé mắt của người đàn ông không nao núng trước cái chết, hay cả từng biểu cảm méo mó vì bất hạnh, đặc biệt là cái dữ tợn của người cha được thể hiện quá tốt bằng nét vẽ này. 

Bên cạnh đó là câu chuyện. Nó xúc động, nó truyền cảm, ngắn gọn mà mạnh mẽ. Nó kể về những bài học mà người cha Takeshi dành cho những đứa con mình. Cục mịch, ít nói và trông vô cùng dữ tợn, nhưng ông luôn dành toàn bộ trái tim cho gia đình. Người cha dù mạnh mẽ đến mấy, vẫn là người. Một con người luôn có điểm yếu, có những bất an, hối hận riêng trong lòng. Nhưng đã là cha mẹ, đặc biệt là người cha trụ cột của gia đình phải trở nên cứng rắn hơn, làm chỗ dựa cho cả vợ và con cái. Không chỉ trong bộ manga này mà ngoài đời cũng vậy, người cha mẹ giấu đi nỗi lo của bản thân để trấn an con cái, để dạy dỗ chúng nên người. 

Cách Takeshi dạy con cũng không khác những người cha bình thường là bao. Ông không phải người sẽ luôn nói những điều yêu thương với gia đình mà sẽ lầm lũi che chở họ. Tình yêu của người cha là muôn hình vạn trạng. Đôi khi là thả tay đứa con để nó tự đi trên bước chân mình, đôi khi phải nắm chặt để chúng không sa ngã. Có lúc, người cha phải đứng nhìn con mình bị vùi dập bởi cuộc đời, để dạy cho chúng những trải nghiệm sống không thể chỉ truyền tải bằng lời. Takeshi không bảo vệ Yosuke khỏi đám bắt nạt mà dạy cậu ta cách đứng lên tự bảo vệ bản thân. Ngược lại, ông sẵn sàng lao vào đối mặt với xã hội đen để cứu lấy người con gái. Người đàn ông đầu đội trời chân đạp đất ấy không ngần ngại cúi đầu chạm đất vì hạnh phúc của con gái. Dù thể hiện theo cách nào, tình yêu vẫn mãi là tình yêu  Đôi khi, ông vẫn tự vấn bản thân mình, rằng ông có xứng đáng với tư cách một người chồng, người cha chưa ? Nhưng dù thế nào, ông vẫn luôn đứng ra chở che cho mái ấm vô giá của mình. Và một điều ấn tượng khác, Takeshi không chỉ là người chồng, người cha, mà còn là một người đàn ông, hát lên câu hát đầy ý chí và đứng vể phía kẻ yếu thế bị áp bức. Chính nhờ con tim cao đẹp ấy mà ông có được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi bây giờ. 

Takeshi có thể vẫn hối hận vì những điều chưa làm được cho gia đình mình. Nhưng ta, người đọc, luôn nhìn thấy những điều ông đã làm được. Niềm vui của người vợ già, mái ấm hạnh phúc của Kimiko lẫn lòng can đảm của Yosuke không tự nhiên mà có. Những điều mà người cha già kia đã làm được có thể gói gọn trong suy nghĩ của Yosuke: “ người đàn ông vĩ đại nhất – ông già của tôi” 

#Raidriar

Nhận xét

Bài đăng phổ biến