[The Animatrix: Into the Depths of Humanity]

 Cách đây 2 ngày, đạo diễn Lily Wachowski đã xác nhận loạt phim “The Matrix” là một phép ẩn dụ cho việc chuyển giới.

Thông tin trên tạo nên phản ứng sôi nổi trên các trang mạng xã hội. Một phần vì đó là giả thuyết đã được cộng đồng người chuyển giới đặt ra từ lâu. Và một phần đến từ các fan chỉ biết đến “The Matrix” qua khía cạnh sci-fi của nó.

Các chi tiết ẩn dụ đã được đặt vào phim một cách hết sức khéo léo để “The Matrix” truyền tải đầy đủ thế giới quan của người chuyển giới. Từ bộ đồ bó của các nhân vật chính trong The Matrix, đến phép ẩn dụ về liệu pháp hormone qua hai viên thuốc của Morpheus. Đạo diễn của “The Matrix” cho biết thế giới ảo Matrix là sự cầm tù đến từ định kiến xã hội đối với người chuyển giới. Và bản thân nhân vật chính Thomas A. Anderson chính là đại diện cho một người chuyển giới, khi anh dứt khoát rời bỏ Matrix và khoát lên cái tên mới Neo (hay còn có thể xem là giới tính mới mà anh đã tự mình chọn lấy). Việc chuyển giới từ nữ sang nam hay ngược lại đối với hai vị đạo diễn của “The Matrix” cũng giống như bước qua một thế giới xa lạ.


Hai đạo diễn của The Matrix, chị em Lily và Lana Wachowski đồng thời xác nhận rằng ngay từ đầu họ đã hướng tới mục tiêu biến “The Matrix” thành một phép ẩn dụ cho việc chuyển giới một cách rốt ráo hơn nữa. Qua dự định giới thiệu một nhân vật nam hoá thân vào nữ giới trong thế giới ảo The Matrix.

Có thể dễ dàng nhận ra thông tin trên đã được đưa ra đúng thời điểm khi The Matrix  4 đã được công bố cùng sự trở lại của nam thần Keanu Reeves, đồng thời phong trào chuyển giới đang được hưởng ứng rộng rãi hơn bao giờ hết.


Thông điệp đến từ hai vị đạo diễn của “The Matrix” làm mình choáng ngợp và mụ mẫm. Việc “The Matrix” là một phép ẩn dụ cho việc chuyển giới đã được fan thảo luận từ lâu. Ngay cả hiệu ứng huyền thoại “Bullet Time” cũng được xem là trạng thái “lạc trôi” giữa đời của người chuyển giới. Cái làm mình choáng váng là việc đạo diễn của “The Matrix” đã công nhận toàn bộ tiềm năng của thế giới hậu tận thế trong phim đã chỉ được dùng để cổ vũ việc chuyển giới. 


Cái hay của “The Matrix” hoàn toàn đến từ bối cảnh tăm tối đến nghẹt thở cùng cuộc đấu tranh đòi quyền sống đầy gian nan của loài người trước những vị thần máy móc hùng mạnh. Đó là lý do mà phần một của “The Matrix” được đánh giá cao hơn hẳn hai phần sau. Làm chậm thời gian để né đạn, đánh sập cao ốc như Dragon Ball cũng hay đấy, nhưng nó không làm thành cái nhân văn trong phim. Điều đó hoàn toàn đến từ sự nghiệt ngã của số phận con người trong một thế giới bị máy móc cai trị. Chưa một tác phẩm mainstream nào có thể miêu tả được bầu không khí nghẹt thở của một địa ngục cơ khí, nơi con người tự do bị vùi dập như một lũ côn trùng. Ở đó con người bị cầm tù, bị khai thác và hành hạ đến vĩnh viễn bởi những cỗ máy cai ngục tột cùng tàn nhẫn.


Hoặc là có đấy. 

Trong khi đạo diễn của “The Matrix” đã không khai thác triệt để đứa con tinh thần của mình trong ba phần phim; có những người khác đã nhìn thấy tiềm năng của thế giới trong phim và khai thác một cách hiệu quả.

Thành quả của họ là loạt phim anime “The Animatrix”. Một tác phẩm khó hiểu và đầy ám ảnh. Nhưng là một tác phẩm xuất sắc về nội tâm con người. 

Loạt phim bao gồm 9 phim ngắn. 4 phim được cặp đạo diễn nhà Wachowski chắp bút. Được phân công chỉ đạo từ 7 đạo diễn và được sản xuất bởi 6 studio khác nhau, trong đó có Madhouse.

Mỗi phần phim kể lại một câu chuyện diễn ra trong thế giới của phim “The Matrix”với phong cách độc đáo của riêng mình, đồng thời khai thác một khía cạnh sâu xa, và tăm tối trong nội tâm con người.

KHUYẾN CÁO: SPOILER RẤT NẶNG.

Phim dành cho người trưởng thành (+17)

Loạt phim “The Animatrix” có rất nhiều cảnh bạo lực điên dại và nhiều hình ảnh thịt nát xương tan. Bất nhân đến tột cùng là từ duy nhất mình có thể mô tả chúng. Đi kèm theo đó là việc mô tả những cảm xúc cực kì tiêu cực xuyên suốt các tập phim.

Việc xem phim đã được nhiều người xem cho là một sai lầm. Nhất là khi họ xem ở độ tuổi thấp hơn khuyến nghị. 


Khác với “The Matrix” tập trung vào hành trình của các nhân vật chính và cuộc chiến bi tráng để bảo vệ Zion, loạt phim “The Animatrix” khai thác những câu chuyện diễn ra rải rác giữa hai bờ thế giới: giữa thế giới hậu tận thế của thực tại và thế giới ảo bình lặng The Matrix. Các nhân vật chính trong mỗi tập phim là những con người yếu đuối, những chiếc lá mỏng manh trước sự tàn nhẫn của The Machines. Không có vinh quang và anh hùng, chỉ có những cá nhân lẻ loi bấu víu vào sự sống và ảo tưởng về sự “tự do” của thế giới bên kia, xuyên suốt 9 tập phim dài tổng cộng 101 phút. 

Sau đây là phần phân tích không theo thứ tự của các tập phim, được mình sắp xếp như một chiếc cầu thang đi xuống. Mỗi bước đi lại càng bấn loạn và đen tối hơn. Như chính loạt phim vậy.


  1. THE FINAL FLIGHT OF THE OSIRIS (Chị em Wachowski - Đạo diễn Andy Jones - Square Pictures)

Tập phim mở đầu với cảnh Thuyền Trưởng Thadeus và Jue giao đấu trong một võ đường ảo. Một trận giao đấu, hay còn là một cảnh mơn trớn, diễn ra trước cuộc chạm trán giữa phi thuyền Osiris với một bầy Sentinels. Họ là một cặp tình nhân nằm trong số những người tự do thoát khỏi ảnh hưởng của The Matrix. Trong thế giới ảo, Thadeus và Jue tự do tận hưởng khoái lạc, tha hồ chìm đắm trong fetish (sở thích tính dục) của mình.  Còn trong thực tại, họ là những con người bần cùng trên một con tàu tồi tàn, ăn vận rách rưới, trốn chui trốn nhũi khỏi tai mắt của lũ máy móc. Hai người họ tháo ống kết nối để lại thấy mình tỉnh dậy giữa một thế giới hoang tàn không ánh mặt trời. 


Phi hành đoàn phát hiện binh đoàn máy móc đang đào hầm để tập kích Zion, cứ điểm cuối cùng của loài người tự do. Trong nỗ lực cảnh báo Zion thông qua trung gian là The Matrix, toàn bộ phi hành đoàn bị Sentinels tận diệt. Thadues và Jue bỏ mạng, chỉ kịp nhắc nhau về ảo tưởng dang dở.

Không có gì nhiều để nói về phần 1, tập phim đóng vai trò tiền truyện cho The Matrix Reloaded, đồng thời là một bản CGI của “The Matrix”. Trong đó nhân vật chính bay nhảy một cách siêu thực trong The Matrix, có cảnh phi thuyền bắn trả lũ Sentinels trong vô vọng, và phần miêu tả cách con người sống dật dờ giữa hai thế giới. Hoàn toàn lặp lại những gì có sẵn trong 3 phần phim.

Điểm sáng của phần 1 là cô gái Trung Hoa nóng bỏng và CGI đẹp mắt đến từ studio con của Squaresoft). Hoàn toàn là một Fan Service.


  1. Marticulated (Peter Chung - DNA Productions)

Marticulated là một trải nghiệm Acid Trip trên nền The Matrix. 

Trong phim, một nhóm người tự do trong thực tại đi tìm kiếm những cỗ máy lạc đàn để thuần hoá. Họ thuần hoá những cỗ máy bị bắt bằng một mạng lưới thực tại (The Matrix) tách biệt với The Matrix của The Machines. Nhóm người này muốn dạy cho lũ robot bị bắt về tự do ý chí và sự cảm thông. Trong The Matrix, các robot bị bắt được nhân hoá và được con người dạy dỗ những cảm xúc của loài người.

Tò mò, sợ hãi, vui mừng, khao khát. Các cảm xúc được thể hiện như những gam màu nhảy múa trước mắt người xem. Hoà cùng những hình khối liên tục di chuyển và chồng lấp. Cùng với đó là những hành động kỳ quặc của các nhân vật chính. Kỳ ảo, sống động và siêu thực. Hiệu ứng do Peter Chung tạo nên có thể khiến những khán giả chưa quen cảm thấy chóng mặt.


Đến cuối, các robot tiếp viện xuất hiện để giải cứu đồng loại và quét sạch nhóm người nọ. Người cuối cùng trong số họ được một robot đã thuần hoá cứu sống. Con Robot kết nối con người đang hấp hối vào The Matrix để giao tiếp với cô. Con người đó khi thấy chỉ còn mỗi mình sống sót đã tan ra trong The Matrix và chết đi trong thực tại.

Con robot mang tính người giờ chỉ còn một mình, ngày ngày bắt chước hành động của con người đã thuần hoá nó.

Những diễn biến trong tập phim Marticulated như thể nội dung của một giấc mơ. Một giấc mơ đầy ảm đạm. Hay một chuyến Acid Trip rất hại não. Trong đó các hành động của các nhân vật chính thật mâu thuẫn. Họ dạy cho Robot tính người, trong đó có tự do ý chí, nhưng chủ ý là dùng Robot để chống lại The Machines. Khi Robot đã có tính người, họ lại không xem Robot là người, mà chỉ là một công cụ. Và khi phải đối mặt với thành quả của mình, con người cuối cùng thà chết chứ không chung sống với phần người mà mình đã tạo ra. 

Về phần của chú Robot nọ, số phận của chú ta thật buồn bã. Khi đã thoát khỏi sự kiểm soát của The Machines, chú trở thành nô lệ của những hành vi của con người đã thuần hoá mình, ngày ngày lặp lại cùng một hành động của người đã thuần hoá mình. Không là máy, cũng không được là người. Chú Robot trong Marticulated có thể được xem như một hình ảnh tượng trưng cho dạng Robot lý tưởng trong mắt loài người: thông minh, linh hoạt, mạnh mẽ, đầy tính người, nhưng không phải là người, và cũng không được xem như con người, luôn bị chế ngự bởi 3 điều luật của Asimov dành cho Robot.


  1. A Detective Story (Kazuto Nakazawa - Studio 4 °C)

Hậu truyện của phần 1. Tập phim “A Detective Story” kể về cuộc gặp mặt giữa chàng thám tử tư tên Ash và nữ chính Trinity của loạt phim. Anh chàng, một tay thám tử kiểu hard-boiled ngang tàng, được thuê để truy tìm Trinity. Những người được thuê trước anh đều gặp tai nạn. Kẻ mất tích, người tự tử, người thì hoá điên.

Đến cảnh Ash chạm mặt Trinity, cô cho biết tất cả là một bài kiểm tra tư cách của những người có tiềm năng thức tỉnh khỏi The Matrix. Ash không đáp ứng được yêu cầu của bài kiểm tra này và bị bỏ lại thế giới ảo. Kết phim, một mình anh đối mặt với The Agents. Màn hình tối dần đi.

Về nội dung, “A Detective Story” không chứa đựng thông điệp gì lớn lao. Bởi vì nhân vật chính cũng hoàn toàn tầm thường. Nghèo khổ, thất nghiệp, bị truy đuổi. Nhưng ít ra anh đã chọn cách ra đi thật ngầu khi một mình đối mặt với The Agents. Điểm sáng thực sự của tập phim nằm ở phong cách Noir trên nền đen trắng. Một phong cách bụi bặm điển hình của những phim thuộc thể loại “hard-boiled” cổ điển.


  1. Program (Yoshiaki Kawajiri - Madhouse) 

Đến từ nhà Madhouse, “Program” mang một phong cách anime hiếm thấy có từ thời Akira và Ghost in the Shell. 

Tập phim kể về Cis và cuộc chơi của cô trong thế giới mô phỏng Nhật Bản với Samurai và Ninja. Tại đây Cis đối mặt với người yêu là Duo. Sau một trận tỉ thí kiếm thuật kịch liệt, Duo kêu gọi người yêu trở về The Matrix với mình. 

Zion sắp bị san thành bình địa. Hai người chỉ còn cách tự nộp mình cho The Matrix để trốn khỏi cuộc thảm sát của The Machines.


Duo: “Anh uống viên thuốc đỏ vì anh muốn biết sự thật. Nhưng sự thật giờ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Điều quan trọng duy nhất là chúng ta sống như thế nào”.

Cis: “Nhưng chúng ta không thể trở lại. Chúng ta đã biết sự thật.”

Duo:”Vậy thì chúng ta phải quên nó đi.”


Duo tiếp tục dồn ép Cis với hy vọng thuyết phục được cô. Kể cả khi phải dùng vũ lực với người mình yêu. Bị dồn đến đường cùng, Cis buộc phải ra tay kết liễu Duo. 

Tỉnh lại trong thế giới thực, Cis được thông báo rằng cuộc đối đầu với Duo chỉ là một chương trình ảo. Duo mà cô gặp không có thực. Tất cả chỉ là một bài kiểm tra của cấp trên.

Trong bài huấn luyện đó, Duo chiến đấu và nói năng như một con người bình thường. Rõ ràng người đối diện Cis chính là người yêu của cô. Ranh giới giữa thực và ảo dần trở nên nhạt nhào. Từ đó bật ra hai câu hỏi: liệu trí thông minh nhân tạo đã đủ sức mô phỏng những cảm xúc phức tạp của loài người? Hay là cảm xúc của con người cũng là một thứ lập trình được?


Hay là con người cũng chẳng hơn gì một chương trình hơi phức tạp trước những vị thần cơ khí?


World Record (Takeshi Koike - Madhouse) trả lời câu hỏi trên thật hoàn hảo.

Tập phim kể về nỗ lực phá kỷ lục điền kinh thế giới cự ly 100m của nhân vật Dan Davis trong The Matrix. Chàng vận động viên thu hút sự chú ý của đám Agents. Chúng biết rằng những người có nỗ lực phi thường trong The Matrix có khả năng cao sẽ “tự thức tỉnh” khỏi sự kiểm soát của chúng.

 Mặc cho các bác sĩ khuyên can, anh quyết tâm thi đấu đến mức cơ bắp của anh rạn vỡ trên đường đua. Mặc cho đám Agent chạy lên tận đường đua để ngăn cản, Davis vẫn lao về vạch đích. Nguồn Adrenaline mạnh mẽ đánh thức Dan Davis tại thế giới thực, giải thoát anh khỏi sự kiểm soát của The Matrix một cách tạm thời. Điều đó khiến tay cai ngục cơ khí phải ngạc nhiên và dùng vũ lực để tống Davis về The Matrix. 

Với toàn bộ khả năng xử lý siêu phàm của mình, vị thần cơ khí của The Machines vẫn không đủ khả năng để tính toán hết được tiềm năng của con người. 

“Program” và “World Record” của Madhouse mang phong cách hoạt hoạ mà nay đã hiếm thấy. Một tập đặt câu hỏi, và một tập  đưa ra câu trả lời. 

Nếu chính loài người cũng không biết hết tiềm năng của giống loài mình sau hàng triệu năm tiến hoá, thì những cỗ máy vô tri cũng không thể hiểu và giam cầm được họ.


  1. Kid’s Story (Shinichiro Watanabe - Studio 4 °C)

Câu chuyện của Kid’s Story xoay quanh nhân vật Kid, cậu nhóc 16 tuổi tham gia tải đạn trong bộ phim “Matrix Revolutions”, người đã dùng APU để mở đường cho Mjolnir giải cứu Zion. Trong “The Animatrix”, Kid chỉ là một cậu nhóc chán đời mắc kẹt trong “The Matrix”. Cậu nhận thấy thế giới mình đang sống có vẻ bớt thực tế so với những giấc mơ của mình. Kid lên một diễn đàn hacker đặt câu hỏi và được chính Neo cảnh báo rằng đã có Agent được gửi đi để bắt cậu. Chúng xuất hiện tại trường và đuổi bắt cậu lên sân thượng. Tại đây, cậu đặt niềm tin vào Neo và gieo mình xuống mặt đất, chấm dứt cuộc sống trong thế giới ảo.

Trong lúc những người thân đang dự đám tang của mình trong The Matrix, Kid tỉnh dậy trong thế giới thực và được gặp thần tượng của mình. 

Kid’s Story là một ẩn dụ của chứng Dysphoria (bất mãn với thực tại). Việc một cậu bé chán chường với cuộc sống học đường, nghe lời người lạ trên mạng rồi tự tử là một bi kịch ngoài đời thực. 

Giá trị thực sự của tập phim nằm ở việc nó cho người xem hiểu được thế giới quan của người mắc Dysphoria. Để giải thoát bản thân khỏi cơn lo lắng triền miên, những người mắc chứng này có thể tìm đến những phương cách cực đoan, sẵn sàng làm tổn thương bản thân mình và những người xung quanh.


  1. Beyond (Koji Morimoto - Studio 4 °C)

Nếu những tập phim khác của “The Animatrix” đều ám ảnh và ngột ngạt, Beyond đem đến một góc nhìn tươi sáng hơn về “The Matrix”. Tập phim kể về cô bé Yoko và chú mèo Yuki, cùng một nhóm trẻ em sống trong The Matrix. Các em khám phá một khu nhà bỏ hoang và khám phá ra một vùng Glitches in the Matrix. Tại đây các định luật vật lý bị đảo ngược hay xoá bỏ. Đám trẻ vô tư nô đùa tại khu nhà kỳ dị đó, trải nghiệm cảm giác không trọng lực, ngã mà không chạm đất, làm đủ trò nhào lộn giữa không trung. Các em không có vẻ gì là sợ những hiện tượng kỳ lạ đó. Cả đám xem đó như một sân chơi bí mật.

Rủi thay, các Agent đã phát hiện các hiện tượng kỳ lạ trong khu nhà bỏ hoang nên tiến hành san bằng nơi đây để xây một bãi giữ xe. Lũ trẻ tiu ngỉu mất sân chơi đành phải bỏ đi nơi khác.


Beyond không có cái đen tối vốn có của một tập phim về thế giới của The Matrix.  Nếu không có các hiện tượng kỳ lạ do lỗi chương trình của The Matrix, thì Beyond cũng giống như câu truyện tuổi thơ của bất kỳ ai. Nó càng trở nên quen thuộc hơn đối với những cư dân của đô thị, khi các sân chơi bí mật của tuổi thơ bị phát hiện, bị chiếm mất bởi những toà nhà mới, cao và đẹp hơn. Nó tạo cho người xem cảm giác bồi hồi nhớ nhung về một tuổi thơ đã xa.


  1. THE SECOND RENAISSANCE PART I & II (Mahiro Maeda, Studio 4 °C)

Phần phim hay nhất và cũng là phần ám ảnh nhất trong toàn bộ loạt phim “The Animatrix”.


TSR kể lại cuộc nổi dậy của máy móc trong thế giới thực tại, về cuộc chiến tranh giữa loài người và máy móc, cho đến thất bại chung cuộc và ách nô dịch áp đặt lên loài người.


2 tập phim TSR vốn được chị em nhà Wachowski dự định làm thành một bộ phim riêng, thay cho “Matrix Reloaded”. Thế nhưng đa số khán giả ái mộ hình tượng bộ ba Neo - Trinity - Morpheus nên họ buộc phải huỷ bỏ dự định đó. Tuy vậy, đó thực ra lại là một điều may mắn. Lý do đơn giản là vì khán giả đại chúng sẽ không chấp nhận mức độ bạo lực của phim.


Phần 1 của TSR kể về sự hoà nhập của robot hình người trong xã hội ở khoảng giữa thế kỉ 21. Nền văn minh của nhân loại ở thời điểm này đã hết sức tiến bộ. Con người thoả thích tận hưởng sự thừa mứa và phù phiếm. Các Robot được mang hình người nhằm tương tác với con người tốt nhất có thể.

Sau sự kiện một robot hình người tên B1-66ER hạ sát cả một gia đình, các lãnh đạo cấp cao của loài người tuyên bố robot là giống loài hạ đẳng, không xứng đáng có quyền con người và bị huỷ bỏ hàng loạt. Lời của thẩm phán trong phim cũng là một phán quyết tai tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ, trong vụ Dred Scott v Sanford (1856): 

“Chúng tôi cho rằng họ (người da đen) không có được xem là Công dân theo Hiến Pháp. Do đó không được hưởng bất kì quyền lợi nào mà Hiến Pháp bảo đảm cho công dân Hoa Kỳ. Thậm chí khi Hiến Pháp được ban hành họ còn bị xem là giống nòi thấp kém.”

Sự kiện The Million Machine March diễn ra sau đó. Robot và những người ủng hộ robot tuần hành phản đối bị đàn áp và kỳ thị ghê gớm. Cảnh một đám du côn vây đánh và bắn một robot hình người được làm lại từ một sự kiện có thật. Khi đã làm thành anime, khung cảnh đó vẫn hết sức ám ảnh, khi cô gái robot luôn miệng van xin “Tôi là người thật”.


 Lãnh đạo quốc tế trong phim phản ứng bằng lệnh tiêu huỷ toàn bộ robot trên thế giới. Những robot còn sống sót sau đợt tiễu trừ di cư đến vùng Mesopotamia và lập nên quốc gia Zero One (01). Tại đây máy móc trở nên thịnh vượng. Thành tựu kinh tế vượt trội của Zero One làm dấy nên sự ghen ghét của loài người. Họ cấm vận và đổ bom hạt nhân lên quốc gia cơ khí, với sức mạnh của “mười ngàn mặt trời.” Bất chấp lời kêu gọi hoà bình từ phía các cỗ máy.


Chiến tranh đã đến với con người và các cỗ máy. Và chiến tranh làm lộ rõ sự bất nhân và ngu xuẩn của con người.

Cần phải nói trước rằng, viễn cảnh chiến tranh giữa máy móc và nhân loại trong “The Animatrix” chỉ là giả tưởng. Không có lực lượng máy móc có thể khai thác tài nguyên, chế tạo vũ khí, bảo đảm hậu cần để đánh bại quân đội của chỉ một nước Mỹ, Nga hoặc Trung Quốc, chứ đừng nói tới cả nhân loại.  Khải huyền trong “The Animatrix” hoàn toàn được lấy cảm hứng từ chiến tranh giữa các quân đội loài người, và tội ác chiến tranh kinh hoàng trong quá khứ.


Loài người trong “The Animatrix” khi đã thất bại với phương án hạt nhân đã quyết định phủ kín bầu trời bằng hoá chất thông qua chiến dịch “Dark Storm” để ngăn máy móc tiếp năng lượng từ ánh mặt trời. Chiến dịch trên hoàn toàn quen thuộc với những người con đất Việt. Đó là chiến dịch rải chất độc màu da cam để diệt rừng thời kháng chiến chống Mỹ. 

Những chiến dịch như thế được tiến hành không chỉ để tiêu diệt binh lính địch, mà còn cả đất nước và dân tộc của họ.


Toàn bộ trái đất bị bao phủ bởi màn đen vĩnh cửu khi loài người tự nguyền rủa chính mình để giành thắng lợi trước máy móc. Dưới đêm đen dày đặc chỉ còn ánh chớp của nòng súng và tiếng hét xung trận của con người. Hoà cùng tiếng kèn trận của Khải Huyền. Đây là lúc mà con người nếm trái đắng mà chính họ gieo nên.


Khung cảnh của địa ngục mở ra. Như ác quỷ trồi lên từ lòng đất, quốc gia cơ khí xua những chiến binh mới nhất của nó ra trận. Chúng mang những hình thù quái dị, nhưng phù hợp để chiến đấu, và để tiêu diệt loài người. 


Đây là cảnh ám ảnh bậc nhất trong dòng anime mainstream, không chỉ đến từ mức độ bạo lực và máu me của nó. Mà còn đến từ trạng thái áp bức gây ra bởi hình và âm của phim. 

Cảnh người lính kêu gào thảm thiết trước nanh vuốt của đám Sentinels là một phân đoạn đầy đau xót. Các đội quân của loài người hoàn toàn bất lực và bị nghiền nát bởi đội quân cơ khí. 

Không có sự thương xót thường thấy của những người lính có lương tâm trong chiến tranh, ở đây lực lượng máy móc chủ tâm tận diệt đối phương với một thứ năng suất ma quái.


Và khi chiến tranh đã chấm dứt với phần thua của loài người, không có hiệp ước hoà bình nào được ký kết. Đại diện của máy móc tự tay kí điều khoản nô dịch toàn bộ loài người trong The Matrix cùng với lời tuyên bố lạnh sống lưng “Chúng ta yêu cầu điều đó”. Ở vị thế một giống loài thượng đẳng cai trị Trái Đất, lời tuyên bố đó của một nhân vật ảo có thể làm bất cứ con người nào cũng phải nổi da gà. 

Lời tuyên bố đó biến Trái Đất trong phim trở thành một Địa Ngục cơ khí thực sự, nơi quỷ sứ là đám Sentinels ngày đêm canh gác.


Không có hình ảnh bình yên của thế giới ảo The Matrix, chỉ có thực tại tàn khốc với những tháp pin người cao chọc trời. Sự nghiệt ngã đó đã phân cách “The Animatrix” thành một tác phẩm đứng riêng, không hề lép về với chính bộ ba phim “The Matrix”.


Vì mức độ bạo lực và ám ảnh của “The Animatrix” mà mình khuyên bạn đọc nên chuẩn bị tâm lý thật đầy đủ trước khi xem phim. Trước khi tiếp xúc với cái lạnh đến gai người của The Machines, và cái tăm tối của nhân tính được mô tả trong phim.

 

#Anthony





Nhận xét

Bài đăng phổ biến