[MANGA REVIEW] TAIYOU NO IE – BẢN TÌNH CA VIẾT BẰNG NHỮNG GIỌT NẮNG ẤM ÁP.

CẢNH BÁO SPOIL - ĐỪNG CHẾT VÌ THIẾU HIỂU BIẾT.

Hello đồng bào, chào mừng mọi người đã đến với chuyên mục “Tiểu Đường Cùng Homu”. Một chương trình chỉ xuất hiện đúng lúc ai đó hay review sol tạm nghỉ dẫn đến việc page thiếu đường trầm trọng. Để mở đầu chuyên mục thì hôm nay tôi sẽ giới thiệu với đồng bào một con hàng khá nhiều drama nhưng độ ngọt thì không thua gì romcom, đó là Taiyou no Ie hay còn được biết đến ở Việt Nam với cái tên “Ngôi Nhà Mặt Trời”. OK, chuyển ngôi xưng thôi.

Link truyện cho bạn nào muốn đọc: http://truyenqq.com/truyen-tranh/taiyou-no-ie-2462

THÔNG TIN SƠ LƯỢC:

Tên gốc:  たいようのいえ (Taiyou no Ie).

Tên tiếng Anh: House of the Sun.

Tình trạng: Đã hoàn thành.

Số chap: 53.

Thể loại: Romance, Shoujo, Slice of Life.

Tác giả: Taamo.

Điểm đánh giá trên My Anime List [MAL]:

Rating: 8.33/10, Ranked #234 về phần rating.

Popularity: 67,389 members, Ranked #210.

Nhà xuất bản: Kodansha.

Ngoài ra, tác phẩm đã vinh dự đạt giải thưởng manga thường niên lần thứ 38 vào năm 2014 với hạng mục Shoujo do nhà xuất bản Kodansha đứng ra tổ chức.

TÓM TẮT: Câu truyện kể về hành trình tìm lại gia đình của Hiro- một cậu bé mất cả cha lẫn mẹ trong một vụ tai nạn và Mao- một cô bé luôn cảm thấy lẻ loi trong chính ngôi nhà của mình. Cùng nhau, họ dùng sự chân thành của mình cảm hóa từng thành viên một, chữa lành những tổn thương mà quá khứ đã gây ra, qua đó hàn gắn từng mảnh vỡ một, những thứ mà trước khi bên nhau, họ đã nghĩ là sẽ không bao giờ gắn lại được.

Giờ đến chuyên mục nhạc nghe khi đọc truyện. Do Taiyou no Ie là một tác phẩm với nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau nên mình sẽ gửi đến cho các bạn bốn bài hát mang những màu sắc rất riêng. Spark Again của Aimer với giai điệu mạnh mẽ cùng tiết tấu khá nhanh; Harehare ya của Sou với giai điệu nhẹ ngàng pha lẫn chút hoài cổ, Hadaka no Kokoro của Aimyon với tiết tấu tương đối chậm mang lại cho người nghe một cảm giác ám ảnh, day dứt, cuối cùng là World.execute(me), một ca khúc với giai điệu và tiết tấu vô cùng độc đáo hứa hẹn sẽ là một lựa chọn không hề tệ với những ai muốn thử nghiệm những giai điệu mới mẻ. 

Spark Again: https://www.youtube.com/watch?v=dZ0Jt1zYj7g

Harehare ya: https://www.youtube.com/watch?v=eg65SbqmT0s

Hadaka no Kokoro: https://www.youtube.com/watch?v=yOAwvRmVIyo

World.execute(me): https://www.youtube.com/watch?v=ESx_hy1n7HA

Tiếp theo, mình sẽ vận dụng vốn kiến thức tiếng Việt ít ỏi của bản thân để giải nghĩa cái tên “Ngôi Nhà Mặt Trời”. Vậy tại sao lại là “mặt trời” chứ không phải một sự vật hay tính từ khác. Hmm, theo mình đoán thì đây là cách nói ẩn dụ phẩm chất, gọi sự ấm áp của tình người, của sự đồng cảm, gắn bó khăng khít đến không thể tách rời của các nhân vật trong truyện bằng “mặt trời”, thứ không thể thiếu được trong cuộc sống. Việc sử dụng cách nói ẩn dụ như vậy sẽ khiến những người tiếp xúc với truyện lần đầu tò mò, qua đó tạo ấn tượng ban đầu với tác phẩm để dễ dàng gây thiện cảm.

Bằng những trang truyện thấm đẫm hạnh phúc, nuối tiếc và chút gì đó thanh thản khi ngồi một mình suy nghĩ về những thông điệp mà người viết gửi gắm đến tất cả những ai đang đọc, Taiyou no Ie như một ly cà phê sữa thưởng thức vào buổi chiều hoàng hôn trên biển giúp ta tìm về với những giá trị cốt lõi của cuộc sống tưởng chừng đã bị bỏ quên giữa những lo toan, bộn bề của hiện tại, qua đó đặt ra hai câu hỏi: “Liệu tất cả mọi thứ chúng ta đang phấn đấu hàng ngày có thực sự cần thiết đến mức phải đánh đổi quá nhiều điều tưởng chừng giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa đối với mỗi con người không?”. “Đâu mới thực sự là thứ mỗi người cần phải cố gắng gìn giữ nếu không muốn sau này phải ngậm ngùi nuối tiếc vì lỡ đánh mất?”

“Lúc trước, nơi này cứ như là ngôi nhà có phép thuật vậy, nơi có cả nước mắt và nụ cười. Chắc hẳn ở đây có phù thủy, phù thủy tàng hình ấy. Hoặc như tôi đã nghĩ vậy.”

Tính “đời thường” là thứ làm nên chất lượng cho bất cứ một tác phẩm Slife of Life nào. Nó thể hiện ở cách xây dựng cốt truyện, cách đặt các nhân vật vào những mâu thuẫn. Điều này cũng tương tự với tính “hiện thực” trong bi kịch. Một tác phẩm có nội dung đen tối, chết chóc chưa hẳn đã nổi bật, ngược lại, những giá trị hiện thực phê phán hoặc những mâu thuẫn nội tâm nếu được khắc họa một cách xuất xắc thậm chí sẽ khiến một tác phẩm không có bất kì yếu tố đen tối nào trở nên nổi bật. Bạn không tin mình? Vậy hãy dành một hai phút tưởng nhớ bộ anime  Akame ga Kill!, một trong show “dark, drama ngập phổi, sâu sắc, ý nghĩa, siêu phẩm tragedy” mà các group anime lớn gấp 20, thậm chí là 200 lần AR2D hay kháo mấy bạn newbie xem bằng meme 6 ô. Cá nhân mình thấy rằng AgK tuy không phải là một bộ anime về bi kịch hay nhưng cũng không đáng bị đem ra chửi là “rác” như một bộ nào đó có anh main tên là K, tóc đen 3 kiếm, nếu xét theo thang điểm 10 thì AgK sẽ được khoảng 6/10. Vậy vấn đề nằm ở đâu. Art? Nhạc? Không. Điều này chắc chắn những ai đã đọc qua manga cũng sẽ dễ dàng hình dung ra được, vâng, đó là cách studio nhồi nhét quá nhiều bi kịch vào gây ra sự thiếu hài hòa trong cốt truyện, đơn cử là yếu tố hài hước bị gượng ép xuất hiện một cách vô duyên giữa một rừng bi kịch, mục đích xoa dịu tâm hồn người xem bằng hài kịch là hợp lý, nhưng cách triển khai thì, không biết nói gì hơn nữa. Cuối cùng, điều đọng lại sau khi xem phim là… nhân vật chết như ngóe và cái đầu của em Chelsea… Nghe thật thảm hại nhỉ?

Quay trở lại với nhân vật chính của ngày hôm nay. Taiyou no Ie không có một cốt truyện với nhiều điểm đột phá, thay vào đó, tác phẩm mang đến cho chúng ta một cái nhìn chân thực nhất về những mâu thuẫn trong mỗi gia đình, trường học, xã hội. Motif “tình tay ba” trong các tác phẩm shoujo cũng được thể hiện không hệ tệ. Ngược lại, với một người ghét sự lằng nhằng trong truyện tình cảm của các tác phẩm như mình thì lần này nó lại trở thành điểm cộng rất lớn của cốt truyện khi lột tả hoàn toàn diễn biến tâm lý của tất cả nhân vật trong nhiều tình huống khác nhau, qua đó tạo tính đa chiều, khách quan cho tình huống truyện. Những tình tiết hay mâu thuẫn đó hầu như có thể dễ dàng bắt gặp ở cuộc sống hiện đại: “Một gia đình tan vỡ vì những mất mát, một người cha nhẫn tâm bỏ bê con gái của mình, một nhân viên văn phòng gần ba chục tuổi nhưng vẫn ế, một cậu học sinh cảm nắng cô bạn cùng lớp mà không nhận ra tình cảm của một người khác dành cho mình,….”. Tất cả những yếu tố đó hòa quyện lại tạo nên một nửa của Taiyou no Ie. Bình dị, nhẹ ngàng, ấm áp như vị ngọt của sữa hòa quyện với vẻ quyến rũ đến say đắm của ảnh hoàng hôn trên biển.

Nhịp truyện tương đối chậm ở những chap đầu nhưng nhanh dần ở nửa sau. Đây vừa là điểm cộng, vừa là điểm trừ của Taiyou no Ie. Điểm cộng lớn nhất phải kể đến ở đây là nhịp truyện chậm sẽ giúp cho việc miêu tả nội tâm của nhân vật dễ dàng hơn. Điều này những tác phẩm có nhịp nhanh cũng có thể làm được, tuy nhiên, hiếm có tác giả nào có thể vừa duy trì nhịp độ của tình tiết trong cốt truyện, vừa thể hiện được những nét nội tâm dù là nhỏ nhất của nhân vật một cách hoàn hảo. Taiyou no Ie có một lợi thế so với các tác phẩm tình cảm lãng mạn khác, đó chính là tag SoL.

Tại sao đó lại là lợi thế nhỉ? Câu trả lời rất đơn giản, Slice of Life hay còn gọi là “lát cắt của cuộc sống” miêu tả một cách trần tục nhất những gì diễn ra trong chính cuộc sống hàng ngày, thể loại này thường sở hữu nhịp độ khá chậm và chủ yếu tập trung vào xây dựng các mối quan hệ sao cho chân thực nhất, qua đó chạm đến cảm xúc của người thưởng thức và khiến họ suy nghĩ về cuộc sống hiện tại của mình, liệu có đơn giản như trong anime/manga hay light novel. Vì vậy những người thưởng thức các tác phẩm có gắn tag SoL thường không hay để ý đến sự phát triển của cốt truyện (hồi này truyện có gì mới không?), thay vào đó, họ quan tâm đến nội tâm nhân vật và cách họ đối diện với những vấn đề thực tế nhất của cuộc sống vì biết đâu, qua tác phẩm họ có thể học được kinh nghiệm gì đó để vận dụng sau này. Nắm bắt được xu hướng đó, tác giả Taamo đã chủ động giảm nhịp độ truyện ở nửa đầu xuống để tập trung vào phát triển tâm lý nhân vật. Tuy nhiên, việc giảm nhịp độ tác phẩm rất dễ gây buồn ngủ cho người xem, bởi lẽ, muốn truyền tải nội tâm của nhân vật sâu sắc thì, cử chỉ, lời nói là chưa đủ, người sáng tác sẽ phải chèn thêm rất nhiều dòng độc thoại nội tâm, điều này vô tình khiến cho một bộ phận người xem hay đọc thiếu kiên nhẫn sẽ cảm thấy rất buồn ngủ vì họ quan niệm rằng đã là truyện tranh thì số lượng ngôn từ phải được lược bỏ tối đa để tập trung vào hình ảnh, tranh thì ít mà chữ thì nhiều thì đọc làm gì. Mình sẽ không phán xét ý kiến trên tại gu thưởng thức của mỗi người là khác nhau và việc áp đặt vô điều kiện những suy nghĩ của mình lên người khác là hành động thể hiện sự yếu kém trong giao tiếp. Bạn thích một tác phẩm và muốn người khác cũng giống mình, thay vì ép người đó phải thưởng thức tác phẩm rồi chả nên cơm cháo gì, sao không thử mang những cảm xúc chân thành nhất của mình đến với tất cả mọi người và khiến họ thực sự có hứng thú với với tác phẩm.

Ok, quay trở lại với Taiyou no Ie, để khiến cho người đọc không buồn ngủ thì tác giả Taamo đã bỏ rất nhiều đường vào tác phẩm khiến cho mình không thể nào rời mắt khỏi những màn thả thính cực smooth trên mức bạn bè của cặp Hiro và Mao. Bên cạnh yếu tố lãng mạn vốn là thế mạnh ban đều của tác phẩm, những bi kịch dần được hè lộ ở nửa sau của truyện. Mâu thuẫn chồng chất mâu thuẫn, từ nguyên nhân dẫn đến cái chết của bố mẹ Hiro liên quan đến việc em gái Hina của cậu nhất quyết không chịu về sống chung với hai anh cho đến quá khứ đầy ám ảnh của bố Mao khiến ông không dám thể hiện tình cảm với con gái của mình và vô hình chung cắt đứt sợi dây liên kết máu mủ thiêng liêng giữa cha và con gái. Sự ám ảnh khi phải đối diện với sự thật, khát khao được yêu thương nhưng bị vùi dập bởi chính những con người mình tin tưởng nhất đã tạo nên nửa còn lại của Taiyou no Ie. U ám, bi kịch, ám ảnh như vị đắng, chát hòa quyện với vẻ nuối tiếc của ánh hoàng hôn trên biển.

Tuy nhiên, bằng những cảm xúc chân thành, Mao và Hiro đã cùng nhau giải quyết hết tất cả những mâu thuẫn bủa vây cuộc sống của hai người. Cùng nhau, họ gắn kết tất cả những mảnh ghép còn thiếu của bức tranh hạnh phúc, xua tan đi màn đêm bao quanh cả hai trong khoảng thời gian dài tưởng chừng như không thể cứu vãn để cuối cùng tạo nên một mặt trời ấm áp đúng như cái tên “Ngôi Nhà Mặt Trời” của tác phẩm. Cách tác giả Taamo đưa các nhân vật vượt qua mâu thuẫn trong cốt truyện cũng vô cùng tài tình. Tuyệt nhiên không hề có chút gượng ép mà đều bắt nguồn từ những xung đột nội tâm dù là nhỏ nhất của từng người, bởi lẽ những quyết định đều trực tiếp ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ.

Tổng kết lại, cốt truyện của Taiyou no Ie có cả điểm cộng và điểm trừ. Chính việc nhịp truyện chậm ở đầu cùng với rất nhiều mối quan hệ và mâu thuẫn đặt ra cho nhân vật khiến đôi lúc mình cảm thấy các nhân vật chưa thực sự dứt khoát trong các vấn đề mà chính bản thân đang gặp phải, đó là điểm duy nhất mình không hài lòng về truyện. Còn lại thì cốt truyện tương đối có chiều sâu, các yếu tố đối lập được kết hợp nhịp nhàng, chuyển đổi sắc thái từ đau buồn sang ấm áp rất tự nhiên, không hề có cảm giác gò bó hay gượng ép nhét thêm tình tiết cho có, qua đó có thể nhận thấy tác giả Taamo rất chăm chút và tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ của truyện để làm sao mang đến cho người đọc một tác phẩm khó quên nhất.

Tiếp theo sẽ phần nhân vật. Vì đây là một bộ manga đời thường và romcom nên mình sẽ không nói kĩ về từng nhân vật bởi nếu nói ra thì bài sẽ rất dài và mang thiên hướng phân tích hơn chứ không đơn thuần chỉ là review và một chút suy nghĩ sau khi đọc nữa. Mong các bạn có thể thông cảm bỏ qua cho sự thiếu sót có chủ đích này

Taiyou no Ie sở hữu một dàn nhân vật không quá đồ sộ do truyện chí có gần 60 chap. Tuy nhiên, mỗi người lại sở hữu một cá tính riêng nhưng tựu chung lại có ba điểm mà sau khi đọc xong truyện mình ấn tượng nhất.

Đầu tiên, Hiro với Daiki đẹp trai thực sự (nhất là Daiki lúc đeo kính).Người viết sẽ dành tặng một lời khen từ đáy lòng dành cho tác giả, người đâu vẽ nam chính với nam phụ đẹp thế thì tôi biết chọn ai bây giờ!! Ngoài ra thì nếu các bạn chịu khó để ý thì sẽ nhận ra Hiro với Seiya trong anime/light novel Shinchou Yuusha: Kono Yuusha ga Ore Tsueee Kuse ni Shinchou Sugiru khá giống nhau đấy.


Thứ hai, các nhân vật trong truyện hầu như đều “yêu” lẫn nhau. Hmm, ship cặp tí nhỉ, xem nào, chúng ta có Mao-Hiro, Daiki-Mao, Mao-Chihiro, Oda-Mao, Chihiro-Oda, Radical-Hiro (khoan khoan, trước khi vào chửi tên ad bệnh hoạn cổ xúy cho LGBT thì hãy nghĩ đến ý nghĩa của từ “yêu” đã, đừng có hiểu nó theo nghĩa thông thường, đôi khi tình yêu có bản chất giống như tình bạn, lúc khác lại có nét rất giống với mối liên kết gắn bó giữa những người ruột thịt trong gia đình. Tình yêu muôn hình vạn trạng lắm, tùy vào thế giới quan của mỗi cá nhân mà tình yêu lại được lí giải theo một cách khác nhau, đọc xong dòng này thì các bạn có thể chửi mình được rồi đấy).

Cuối cùng, mình không thể ghét bất kì nhân vật nào trong truyện. Bạn ghét Daiki vì cậu ta lúc nào cũng tỏ vẻ khó ưa với mọi người, nghĩ Radical là một kẻ phá đám vì cô biết Mao dành tình cảm cho Hiro nhưng vẫn lừa dối anh để có được sự quan tâm, thậm chí nguyền rủa cả bố của Mao vì ông ta đối xử với con của mình tồi tệ?

Vậy bạn có biết ẩn sau vẻ khó ưa là một cậu bé rất yếu đuối nhưng luôn phải gồng mình tỏ ra mạnh mẽ, lặng lẽ hy sinh cảm xúc của bản thân để rồi phải gượng cười khi nhìn thấy cô gái mình yêu thương nhất hạnh phúc trong vòng tay người khác. 

Ẩn sau sự lừa dối chính bản thân và mọi người xung quanh là một cô gái nhút nhát luôn gặp vấn đề khi giao tiếp với người khác giới. Chính người mà các bạn cho là dối trá đó vào giây phút quyết định đã vượt qua cảm giác suy sụp khi tình yêu không được hồi đáp để nói lên sự thật với người con trai vừa từ chối mình dù biết anh ta có thể sẽ không bao giờ tha thứ cho hành động của bản thân. 

Bạn đã bao giờ suy nghĩ đến cảm giác của một ông bố luôn luôn cố gắng, nỗ lực quên mình để mang lại niềm vui nho nhỏ cho những người thân yêu nhất nhưng cuối cùng nhận lại được gì? Sự phản bội. Nếu bạn đủ bao dung để nhìn nhận mỗi nhân vật theo nhiều hướng khác nhau thì mình tin chắc sẽ không có ai có thể làm bạn ghét được. Đó là cái tài của Taamo-sensei, người luôn biết cách khiến mỗi con người xuất hiện trong tác phẩm của mình tỏa sáng như những tia nắng.

Để kết thúc phần nhân vật thì mình sẽ gửi đến mọi người một đoạn hội thoại mà đọc xong mình hype đến mức nửa đêm phải bật dậy cầm laptop ngồi gõ review đến 5h sáng xong sáng hôm sau mệt quá ngủ gật luôn ở lớp.

Mao: “Anh đã rất cố gắng để hoàn thành ước mơ của mình phải không? Phần còn lại cứ để em!”

Hiro: “Ước mơ của anh ấy hả? Thực ra thì cũng chưa thành đâu, khi mà giấc mơ thực sự của anh là một gia đình.”

Mao: “…? Chẳng phải đó là Daiki và Hina-chan sao?”

Hiro: “Ừ, là thế, mà cũng không phải là thế. Nó sẽ như kiểu có người bố, người mẹ và những đứa con ấy, một gia đình bình thường ấy.” “Em vẫn không hiểu à?”

“Anh muốn chúng ta trở thành một gia đình. Và ý anh là một gia đình thực sự trong thực tế ấy.”

“Anh muốn một ngày nào đó em sẽ trở thành gia đình đối với anh.”

Mao: “Ah… Ừm.”

“Em vẫn chưa hiểu!”

Hiro: “Tại sao?”

Mao: “Anh không giải thích rõ ràng gì cả!”

Hiro: “Anh muốn cùng trải qua cuộc đời còn lại với em.”

Mao: “Vâng”

Hiro: “Em giống như…. mặt trời đối với anh, một thứ anh không thể sống thiếu được.”

Mao: “Em xin lỗi, em vẫn không hiểu!! Ý anh là anh sẽ đóng băng và chết nếu thiếu em sao?!”

Hiro: “Làm sao em vẫn không hiểu chứ?! Mà đúng là anh sẽ đóng băng và chết đấy!”

“Điều anh đang nói là anh muốn cưới em một ngày nào đó.”

Mao: “Vâng!”

“Như em đã nói với ba mẹ anh, như em đã nói với anh. Em. Em sẽ… sẽ không để anh phải đóng băng. Em sẽ trở thành mặt trời bảo vệ anh.”

Taiyou no Ie có art rất dễ thương, nhất là em Mao, mình sẽ để ảnh em í dưới bài viết cho mọi người dễ hình dung nhé. Tuy nhiên, có một lưu ý nho nhỏ thôi. MAO LÀ HOA ĐÃ CÓ CHỦ NÊN MẤY ANH EM NÀO ẢO TƯỞNG MỘT NGÀY ĐƯỢC NTR EM Í XONG BẮT HIRO NHÌN THÌ BỎ NGAY CÁI SUY NGHĨ ĐÓ ĐI MÀ LÀM NGƯỜI, KHÔNG CÓ NGÀY BỊ CHẶT KU THÌ CẤM VỀ NHÀ MÁCH MẸ ĐẤY. CẢNH BÁO TRƯỚC !!!!. Truyện được phủ một tông màu khá tươi sáng và bắt mắt. Giống như Three Days Of Happiness, tất cả các đoạn hồi tưởng hay độc thoại nội tâm của Taiyou no Ie thường sử dụng luân phiên giữa những khung hình đen và trắng góp phần tạo nên những quãng nghỉ cần thiết giữa những rối ren trong mỗi tình tiết của truyện. Background của truyện không đến mức quá đẹp nhưng được chăm chút vừa đủ để mình không cảm giác tác giả vẽ cho có. Nét vẽ từ đầu đến cuối truyện luôn giữ được sự ổn định về chất lượng, thậm chí mình còn cảm nhận được sự trưởng thành của tác giả trong cách miêu tả nội tâm nhân vật qua những chi tiết dù là nhỏ nhất. Tuy nhiên, có một lưu ý nho nhỏ dành cho những ai đang có ý định đọc truyện, hãy kiên nhẫn đọc theo đúng thứ tự, từ trên xuống dưới, phải qua trái vì nhiều đoạn độc thoại hay hồi tưởng được nhóm dịch xắp xếp theo chiều dọc chứ không chia ra thành nhiều khung nên nếu không cẩn thận bạn sẽ rất dễ bị rối hay đọc thiếu một vài chi tiết quan trọng. Về chất lượng dịch thuật thì nhóm dịch làm bộ này rất có tâm, hầu như trong bản dịch không xuất hiện lỗi chính tả, việc chuyển ngữ cũng rất sát nghĩa so với bên eng, chữ to, font chữ dễ nhìn tạo cảm giác cực thoải mái khi thưởng thức. 10/10 cho nhóm dịch. Chân thành cảm ơn những ai đã dịch bộ này. Tổng kết lại, nếu bạn đang muốn tìm một bộ romcom với art dễ thương nhưng không quá câu nệ tiểu tiết trong background thì xin chúc mừng, đây chắc chắn là tác phẩm dành cho bạn.


Cuối cùng là chuyên mục không thể thiếu trong những bài review của mình, đó là ý nghĩa nhân văn và bài học rút ra sau khi đọc truyện. Bài review đến đây coi như đã kết thúc rồi đó, bạn nào ngại dài thì có thể skip qua đoạn này nhưng đã kiên nhẫn đọc đến đây thì tội gì không đọc nốt phần còn lại nhỉ? Ok, tiếp tục thôi.

Bài viết lần này của mình sẽ đề cập đến một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất cấu thành nên xã hội, đó chính là “gia đình”.

Đầu tiên, các bạn cho mình hỏi một câu được không: “Theo các bạn thì thế nào là một gia đình?”.Sách GDCD lớp 10 có đề cập đến vấn đề này trong bài 12: “Gia đình là một cộng đồng chung sống và gắn bó với nhau bởi hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống.” Nghe nó cứ cứng nhắc sao sao í nhỉ. Theo mình, gia đình đơn giản là nơi cho chúng ta cảm giác muốn trở về. Tại sao ư? Bạn có công nhận với mình hồi bé đi chơi, dù muộn đến thế nào đi chăng nữa thì bạn sẽ luôn có một cảm giác gì đó thôi thúc khiến bản thân phải về nhà đúng không. Vậy tại sao bạn lại có cảm giác thôi thúc đó. Thứ nhất, do bị ép buộc, lí do này không hay xảy ra lắm đúng không, thay vào đó, bạn muốn về nhà vì bạn biết người thân của mình đang chờ và nếu về muộn là xác định ăn đập thay cơm. Tuy nhiên, dù bạn muốn về nhà theo lí do gì đi chăng nữa thì có một thứ không bao giờ thay đổi, đó chính là ở nhà có một hay nhiều người đang đợi bạn và việc trở về là một phản xạ tự nhiên, tất yếu của con người. Đến đây thì có một mâu thuẫn so với định nghĩa trong sách giáo khoa:”Vậy “gia đình” có nhất thiết phải bao gồm bố, mẹ hay những người có cùng huyết thống không?” Câu trả lời là không. Như mình đã nói ở trên, nơi cho mỗi người cảm giác muốn trở về là “gia đình”, tức là không nhất thiết phải cứ có những người có quan hệ hôn nhân hay huyết thống thì mới được gọi là “gia đình”, lấy ví dụ đơn giản nhé, những bạn trẻ mồ côi, kém may mắn hơn chúng ta, họ không có bố mẹ, tức là không có “gia đình”. Sai! “Gia đình” của họ là những người thân còn lại, bạn bè trong trường lớp hay ngoài xã hội, thậm chí là những người cùng cảnh ngộ với mình. Chỉ cần có người nào đó mong ngóng bạn về thì nơi đó chính là “gia đình” của bạn.


Quay trở lại với vấn đề được đặt ra ở đầu bài viết, sau khi đọc xong Taiyou no Ie, chúng ta cần suy nghĩ về hai câu hỏi:   “Liệu tất cả mọi thứ chúng ta đang phấn đấu hàng ngày có thực sự cần thiết đến mức phải đánh đổi quá nhiều điều tưởng chừng giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa đối với mỗi con người không?”. “Đâu mới thực sự là thứ mỗi người cần phải cố gắng gìn giữ nếu không muốn sau này phải ngậm ngùi nuối tiếc vì lỡ đánh mất?” Mình tin rằng rất nhiều người đọc đến đây cũng đã đoán được câu trả lời của hai câu hỏi trên là gì rồi đúng không. Đáp án xoay quanh hai tiếng “gia đình”. “Những điều tưởng chừng giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa” mà mình nhắc tới chính là “gia đình” của mỗi người. Hãy tưởng tượng một ngày mai thức dậy bạn không còn những người thân yêu để sẻ chia nữa. Lúc đó mọi cố gắng sẽ trở nên vô nghĩa, bạn đạt được mục tiêu mình mong muốn nhưng đó mãi mãi chỉ là mục tiêu của bạn. Chắc chắn khi mình nói ra điều này nhiều người sẽ phản bác lại bằng luận điểm: “Thế không cố gắng cho mình thì cố cho ai nữa?” Đây là một ý kiến đúng nhưng không hề liên quan đến điều mình định truyền đạt. Nếu không có ai ở bên chứng kiến thành công đạt được sau những sự cố gắng đó liệu bạn có thực sự cảm thấy hạnh phúc hay bạn chỉ đang đánh lừa chính cảm xúc của mình. Theo ý kiến cá nhân của mình, bạn chỉ thực sự hạnh phúc khi làm cho tất cả mọi người xung quanh mình hạnh phúc, do đó, khi đã đánh mất đi những người sẻ chia hạnh phúc với bạn, chắc chắn bạn sẽ không hạnh phúc.

Vậy điều này liên quan gì đến “gia đình” nhỉ? Câu trả lời nằm ở khái niệm mình vừa chia sẻ đó: “Gia đình đơn giản là nơi cho chúng ta cảm giác muốn trở về.” Tại sao chúng ta lại muốn trở về? Bởi lẽ ở nơi đó dù bạn có thành công hay thất bại, có vui hay buồn thì bạn luôn có thể tin tưởng rằng những thành viên trong “gia đình” sẽ  chia sẻ điều đó với bạn, đó mới thực sự là ý nghĩa của gia đình, là cốt lõi để đạt được hạnh phúc. Hãy học cách lan tỏa những cảm xúc tích cực đến với những người thân yêu nhất bởi lẽ ngay cả những người gần gũi nhất với bạn còn không cảm thấy hạnh phúc thì làm lan tỏa được điều đó tới tất cả mọi người xung quanh. Bạn à! Đã bao lâu rồi bạn không nói truyện với bố mẹ của mình. Một cuộc nói truyện chỉ vỏn vẹn 30 phút thôi nhưng chúng có ý nghĩa vô cùng khi tạo ra sự gắn kết- thứ mang lại hiệu quả lớn nhất nếu bạn muốn lan tỏa những cảm xúc tích cực. Có thể nhiều bạn trẻ như mình đang có suy nghĩ rằng bố mẹ thật lắm chuyện, tại sao họ không để cho mình chút riêng tư, tại sao họ luôn đặt áp lực lên vai mình. Trước đây mình cũng đã từng suy nghĩ như thế nhưng khi lắng nghe lời khuyên của một giáo viên chủ nhiệm cũ thì mình hiểu được rằng: Bố mẹ chưa bao giờ lắm chuyện với con cái cả, tâm lý của mỗi bậc làm cha làm mẹ là bảo vệ con cái của mình. Ở tầm tuổi này, họ hiểu rằng đứa con của mình đang bước vào thời kì nổi loạn với rất nhiều cám dỗ, bản thân chính bố mẹ chúng ta cũng đã từng như vậy. Do đó các bậc phụ huynh luôn cố gắng hướng con cái của họ theo hướng tốt nhất. Bởi lẽ, yêu thương con cái là bản chất của tất cả các sinh vật sống có ý thức. Không có bậc cha mẹ nào ghét bỏ con cái chỉ có những áp lực cuộc sống đang đè nặng lên đôi vai mưu sinh của họ khiến cho các bậc phụ huynh đôi khi mất bình tĩnh. Hiểu được điều này thì mình tin rằng các bạn có thể một lần mở lòng chia sẻ với bố mẹ. Không cần phải chia sẻ tất cả, chỉ cần một bữa cơm không có điện thoại thông minh. Bạn còn trẻ, còn nhiều trải nhiệm mới, bạn có thể từ từ chọn cách tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình nhưng bố mẹ bạn thì không. Chỉ khi mình chịu ngồi nói truyện với bố sau bữa cơm thì mới nhận ra những dấu hiệu của tuổi tác trên gương mặt bố. Lúc đó mình cảm thấy có gì đó nuối tiếc. Liệu mình còn được nói trò chuyện với ông bao nhiêu lần nữa. Chỉ cần nghĩ đến cái ngày không được lắng nghe giọng nói của bố trong nhà thôi đã khiến mình suy sụp. Mọi người à, trên đời này dù bạn có đạt được bao nhiêu thành tựu đi chăng nữa thì có một thứ sẽ không bao giờ thay đổi, đó chính là bố mẹ chỉ có một, và với những ai đang có bố mẹ thì đó chính là “gia đình” của các bạn, là thứ tồn tại thiêng liêng nhất mà không có vật chất quý giá nào có thể sánh bằng. Khi mất đi gia đình cũng có nghĩa bạn mất đi hạnh phúc, một người không thể hạnh phúc liệu có còn được gọi là “con người” hay không. Cuối cùng, qua buổi thảo luận ngày hôm nay, có hai vấn đề chính mà mình nghĩ ai cũng cần nắm được. Thứ nhất: “Gia đình là thứ mỗi người cần phải cố gắng gìn giữ nếu không muốn sau này phải ngậm ngùi nuối tiếc vì lỡ đánh mất.” Thứ hai: “Không có bậc cha mẹ nào ghét bỏ con cái cả, chỉ có sự chênh lệch thế hệ đang ngày càng kéo chúng ta ra xa nhau, đừng để điều đó khiến bạn ngày càng xa rời những người thân yêu nhất mà hãy biến nó thành một chướng ngại để vượt qua nếu muốn sau này có chinh phục những thứ thách khó hơn nữa.”

Haiz, hành trình nào cũng phải có hồi kết thôi nhỉ, chắc đây cũng là những dòng cuối rồi nhỉ. Mình xin cảm ơn tất cả những ai đã bớt chút thời gian rảnh rỗi quý báu ra để đọc bài viết dài lê thê này. Nếu có bất kì góp ý về bài viết cũng như cảm nhận sau khi đọc tác phẩm thì đừng ngại mà hãy chia sẻ ngay cho tất cả mọi người biết ở dưới phần bình luận hoặc ib trực tiếp cho page nhé (yên tâm, chỉ cần bạn dám nhắn tin và chủ đề nhắn nằm trong phạm vi hiểu biết của bọn mình thì sẽ luôn có người rep nhiệt tình, bất kể ngày đêm, thậm chí từ 1h đến 5h sáng vẫn còn ad hoạt động nên đừng lo nhắn không ai phản hồi). Nói thế thôi chứ nhớ giữ sức khỏe, đừng thức khuya quá dẫn đến ngủ gật trong lớp rồi bị thầy giáo quay video đăng lên page như một người bạn của mình nhé. Do kinh nghiệm viết lách của mình còn thua kém các đàn anh, đàn chị nên bài viết sẽ không thể tránh khỏi thiếu sót về diễn đạt, mong các bạn thông cảm bỏ qua. Hẹn gặp lại mọi người trong những bài review lần sau.

#homuhomu


Nhận xét

Bài đăng phổ biến