DEATH PARADE: CON NGƯỜI VÀ SỰ PHÁN XÉT

 

 












"MEMENTO MORI"

(“HÃY NHỚ RẰNG NGƯƠI SẼ PHẢI CHẾT”) 

 

Cái chết luôn là điều ám ảnh đối với con người. Nó không phải là thứ đè nặng lên vai chúng ta mỗi ngày, nó cũng không hẳn là thứ rình rập, lăm le cướp đi mạng sống của ta, nó chỉ đơn giản là ở đó…ở ngay bên cạnh chúng ta dù ta có để ý hay không…và có thể chính vào giây phút mà con người quên đi sự tồn tại của cái chết, nó sẽ đột ngột đặt dấu chấm hết cho một sinh linh nào đó trên cõi đời này. Thông thường trong cuộc sống, ai cũng tham sống và sợ chết, nhưng quan trọng là phải sống như thế nào để vượt lên trên nỗi sợ cái chết. Có 3 nguyên tắc để siêu việt cái chết: “đừng tìm đến cái chết, đừng sợ chết, đừng chờ đợi cái chết”. Dù vậy, bằng cách này hay cách khác, con người vẫn không thể phá bỏ đi quy luật tự nhiên: sinh - lão - bệnh - tử, bởi cái chết luôn là kết cục cuối cùng cho mỗi kiếp người. Tôi nghĩ không chỉ tôi mà rất nhiều người khác đều tò mò muốn biết sau khi chết con người chúng ta sẽ đi về đâu. Ngày bé, có lẽ tôi cũng như các bạn, thường được người lớn bảo rằng nếu sống lương thiện thì sẽ được lên “thiên đàng”, còn nếu làm điều xấu thì bị đày xuống  “9 tầng địa ngục”. Quy luật này đối với một đứa trẻ như tôi lúc đó chính là câu trả lời cho câu hỏi trên. Nhìn chung thì nó chỉ như là một câu chuyện của các bậc phụ huynh dùng để răn đe, uốn nắn trẻ con khỏi làm điều xấu, đồng thời gieo vào chúng sự nhận thức về sự tồn tại một thế lực siêu nhiên nào đó ngoài cõi trần này mà thôi.

 

Trở lại với câu hỏi: “Sau khi chết chúng ta đi về đâu ?”, có rất nhiều thuyết được đưa ra để lý giải cho nghi vấn này, nhưng chung nhất vẫn quay về với Samsara - một hình thức tái sinh hay hàm chỉ sự đầu thai nối tiếp nhau. Theo Đạo Phật, luận theo duyên khởi thì sanh-tử là cặp phạm trù tác động vào nhau để có mặt. Khi “sanh” có mặt “tử” liền đi kèm, sanh-tử là một chuỗi dài vô tận, biến đổi không lường trong sáu nẻo luân hồi; sống để rồi chết, chết để rồi tiếp nối sự sống khác. Samsara là một vòng xoay (hay còn được gọi là bánh xe luân hồi) và con người chúng ta bị trói buộc vào đó bởi tam độc: tham, sân, si. Tùy vào nghiệp chướng (karma) của mình mà con người được tái sinh vào một trong  6 cõi: trời, thần, người, súc sinh, quỷ đói (ngạ quỷ), địa ngục. Còn theo Ấn Độ Giáo quan niệm, đời sống không được xem như bắt đầu với việc sinh ra và chấm dứt bởi cái chết; nó được xem như là một sự hiện hữu tương tục trong đời sống hiện tại của cơ thể và mở rộng hơn nữa là với quá khứ và tương lai, hay có thể hiểu đơn giản là Samsara gắn liền không chỉ với dòng chảy suy nghĩ của con người từ quá khứ đến tương lai mà còn với cả hành động của họ. Do đó bản chất của những hành động xảy ra trong phạm vi một kiếp sống (được đánh giá tốt hay xấu) sẽ quyết định số phận tương lai của mỗi chúng sinh. Những điều này phần lớn đã được thể hiện trong Death Parade - 1 bộ anime đã kết hợp hai khái niệm về Samsara để trả lời cho câu hỏi trên.

 

Trong bài viết này, theo như tiêu đề bạn có thể thấy, tôi sẽ phân tích khía cạnh con người trong Death Parade cũng như đánh giá liệu sự phán xét của các phán quan có thực sự hợp lý hay không. Để hiểu rõ hơn những gì tôi viết ở phần tiếp theo của bài tôi khuyên các bạn (những người chưa xem Death Parade) nên xem bộ anime này (vì nó hay vô cùng luôn :>) trước khi đọc tiếp, còn nếu bạn cảm thấy hứng thú thì có thể vào bài luôn :v

 

I, CON NGƯỜI TRONG DEATH PARADE

 

Death Parade là một anime với nội dung trả lời cho câu hỏi: “Sau khi chết con người đi về đâu ?”. Trong anime này, con người lúc từ giã cõi đời sẽ không được lên “thiên đàng” hay bị đày xuống “địa ngục” mà họ sẽ được gửi đến một quán bar mang tên Quindecim, được quản lý bởi một phán quan - Decim. Mỗi lần sẽ có 2 người được gửi xuống đây, tuy nhiên họ xuống đây không phải để uống rượu mà họ bắt buộc phải tham gia một trò chơi ngẫu nhiên với đặt cược là tính mạng của bản thân. Những trò chơi ở đây được tạo ra nhằm mục đích khai thác “bản tính con người” của những người chơi này để thông qua đó phán quan sẽ đưa ra phán quyết dành cho họ. Ai thể hiện  “ý đồ xấu” (evil intent) hay “bóng tối trong tâm hồn” trong quá trình chơi thì sẽ bị gửi vào cõi hư vô, ai không mang trong mình evil intent sẽ được tái sinh và chuyển kiếp vào một cơ thể mới. Những người chơi đều không biết mình đã chết và ký ức của họ được gửi xuống trước cho phán quan, đồng thời chúng cũng sẽ được chuyển dần vào cho họ trong quá trình chơi. Những trò chơi đều được thiết kế để đưa người chơi vào tình thế ngặt nghèo nhất nhằm mục đích khơi ra phần “tăm tối” trong linh hồn của họ. Từ đây phán quan sẽ đưa ra phán quyết dựa trên 2 yếu tố: một là ký ức của con người lúc còn sống;  hai là việc họ thể hiện bản thân như thế nào (có evil intent hay không ?) trong trò chơi với đặt cược là mạng sống của bản thân. Việc phán xét này cũng dựa trên cách hiểu về Samsara mà tôi đã đề cập ở phía trên: Đánh giá nghiệp chướng (ở đây là evil intent) của con người để quyết định số phận tương lai của mỗi chúng sinh (tái sinh hoặc là rơi vào cõi hư vô).

Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại có thể phán xét được con người thông qua 2 yếu tố đó ?

 

Đầu tiên chúng ta cần hiểu con người là gì. Với câu hỏi này chắc chắn ta sẽ có rất nhiều câu trả lời, ở đây tôi sẽ diễn giải nó theo cách hiểu của tôi thông qua Death Parade. Con người về cơ bản được cấu tạo từ 2 phần: phần hồn và phần xác. Trong Death Parade, sau khi linh hồn người chơi hoặc là được tái sinh, hoặc là rơi vào cõi hư vô, thứ còn lại luôn là một hình nhân hay có thể coi là “phần xác”. Từ đó ta có thể hiểu đơn giản như sau, phần xác của con người là một hình nhân với vẻ ngoài đặc trưng, hình nhân này đóng vai trò như một vật chứa chứa bên trong nó linh hồn của con người. Nếu mất đi linh hồn con người sẽ không khác gì một con rối không dây, hoàn toàn chỉ là một vật chứa trống rỗng. Con người mang trong mình linh hồn sẽ mang trong mình những cảm xúc và ý thức. Trong quá trình sống họ sẽ tạo ra một thứ, tôi gọi nó là “ký ức định hình”. Vậy “ký ức định hình” là gì ?

 

Nhìn chung con người chúng ta đều ghi nhớ những sự kiện xảy ra với mình từ lúc bé cho đến khi trưởng thành. Những sự kiện đó chính là “ký ức định hình” , bởi tác dụng của nó chính là để định hình con người chúng ta ở thời điểm hiện tại. Ví dụ đơn giản thế này, giả sử bạn là một người trưởng thành 20 tuổi, tên là X đang có một cuộc sống bình thường. Bỗng dưng đùng một ngày bạn gặp tai nạn và mất hết ký ức về cuộc sống trước đây…Oh no.. vậy bây giờ bạn là ai ? Có thể bạn vẫn lưu giữ ngoại hình của X, những kiến thức thông thường hay những cảm xúc vui, buồn, tức giận vẫn không hề biến mất khỏi bạn. Tuy nhiên những sự kiện, những tác động trong quá khứ lên bạn đã không còn nữa, vậy bạn là ai ? X chăng ?

 

Không hẳn, bạn sẽ giống như một người vừa mới được sinh ra ngay tại thời điểm đó, bạn nhận thức được thế giới xung quanh, bạn vẫn có cảm xúc như một con người, chỉ là bạn sẽ rơi vào trạng thái mông lung, vô định bởi bạn không nhận thức được mình là ai. Một con người ở thời điểm hiện tại có rất nhiều đặc tính và những đặc tính đó không tự dưng mà có được. Bạn có thói quen cài nút áo từ dưới lên, thường ăn cơm theo thứ tự rau trước rồi cá sau, nhưng có chắc rằng lúc mới sinh ra bạn đã như thế ? Có điều gì tác động đến việc hình thành thói quen này của bạn hay không ? Hay bạn có thể là một người có sở thích đi ngắm chim vào mỗi chiều thứ 7, liệu điều này là do bạn muốn hay có thứ gì đó thôi thúc bạn ? Mất đi ký ức liệu rằng sở thích này có biến mất không ? Dù ít hay nhiều ta vẫn phải công nhận rằng ký ức đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình con người. Với ví dụ trên, ta thấy rằng nếu như mất hết đi ký ức bạn vẫn sẽ là X…tất nhiên rồi, ít nhất là trên một vài phương diện nào đó… Nhưng liệu bạn có thực sự là X hay không khi bạn đã mất đi những yếu tố định hình bản thân…

 

Qua đó ta thấy việc sử dụng ký ức con người khi phán xét là một điều hợp lý. Bởi trong cả cuộc đời, những chuỗi sự kiện diễn ra xung quanh người chơi có thể phần nào cho phán quan thấy được họ là ai, con người của họ như thế nào, nghiệp chướng của họ ra làm sao. Nhưng nếu chỉ sử dụng mỗi ký ức con người thôi thì vẫn chưa đủ, vì sao ? Đơn giản vì đó là ký ức của chính bản thân họ, những tác động của họ lên đời sống xung quanh hay ngược lại đều mang tính chủ quan. Ký ức có thể giúp định hình nhưng không chắc rằng nó thể hiện hoàn toàn được bản chất của một con người. Hãy thử tưởng tượng thế này, tôi là một tên xảo trá hám tiền. Tôi tiếp cận một cô gái là đứa con độc nhất của một tỷ phú mặc dù tôi không có tình cảm gì với cô. Bằng cách lợi dụng cô con gái đó tôi dần dần chạm tay gần hơn vào khối tài sản kếch xù của bố cô. Vậy lúc người ngoài nhìn vào ký ức của tôi, họ sẽ thấy gì ? Có thể nó chỉ là những thước phim về cuộc tình lãng mạn giả tạo của tôi và cô gái ấy hoặc là những cảnh tôi và bố vợ “thân thiết” với nhau như thế nào. Người xem nó có thể sẽ biết ít nhiều về tôi, có người cho rằng tôi làm thế là vì tình yêu, có người lại phỏng đoán được động cơ của tôi là như thế nào nhưng họ vẫn không thực sự biết được bản chất thật của tôi. Từ đó chỉ bằng cách đẩy con người vào tình thế ngặt nghèo nhất, họ mới có thể lộ ra được bản tính thật sự. Bản chất của những trò chơi trong Death Parade là tạo ra vật cản, tác động từ ngoại cảnh để khiến người chơi tạo nghiệp. Vậy thế nào là “tạo nghiệp” ?

 

Hiểu một cách đơn giản, nghiệp chướng ở đây không phải là nói về việc xấu mà là ám chỉ sự tác động từ bên ngoài, tạo ra sự xuất hiện và hình thành của hành động sẽ có kết quả ảnh hưởng về sau. Tức là nghiệp cũng có thể là điều thiện (thiện nghiệp) hoặc là điều xấu (ác nghiệp). Phối hợp giữa xem xét ký ức và hành động của người chơi, đó là cách mà phán quan sử dụng để đưa ra phán quyết.

 

Một câu hỏi khác được đặt ra là tại sao người chơi lại không được biết rằng họ đã chết ?

Việc người chơi vẫn nghĩ mình còn sống đóng vai trò rất quan trọng trong việc thuyết phục họ tham gia trò chơi cũng như là yếu tố quyết định việc họ sẽ được tái sinh hay rơi vào cõi hư vô. Thử tưởng tượng bạn bị ép tham gia vào một trò chơi mà mạng sống của bạn bị đặt cược, bạn sẽ nghĩ gì ? Nếu là tôi thì…

1. “Okay tham gia thôi, không thì chết mất”

2. “Đặt cược mạng sống ư ? Không thể thua được, tôi chưa muốn chết”

Qua những suy nghĩ trên ta có thể hiểu được phần nào tâm lý của những người chơi. Nếu vẫn nghĩ mình còn sống, họ sẽ sinh ra tâm lý sợ hãi cái chết. Điều này dẫn đến việc họ phải miễn cưỡng tham gia trò chơi nếu không thì họ sẽ “chết”. Suy cho cùng như Nona đã nói: “Cảm xúc cơ bản nhất của con người là sợ hãi”. Bởi chính cái cảm xúc sợ hãi này nên con người trong tình cảnh ngặt nghèo nhất thường sẽ theo bản năng để tìm cách “chiến thắng”. Thông qua đó con người sẽ bộc lộ được cái gọi là “bản chất” hay sâu xa hơn chính là cái “tối tăm” trong tâm hồn - thứ mà phán quan có thể dựa vào để xem xét. Đây chính là lý do mà Decim không thế phán quyết được Chiyuki - một người biết rằng mình đã chết.

 Death Parade Anime Review | Including But Not Limited To Animation


Death Parade bên cạnh đó còn chỉ ra được sự nhận tự thức thực tại của con người: khả tri. Tâm trí chính là nhà tù đồng thời cũng là trung tâm điều khiển nhận thức của con người. Cách mà một người nhìn nhận một sự việc, hiện tượng không nhất thiết phải giống với cách những người khác nhìn nhận nó. Tất cả chúng ta đều mang trong mình một “Đại Ngã” - hiện thực siêu việt không thay đổi, vô hạn, có ở khắp mọi nơi và là nền tảng linh thiêng cho tất cả hay thậm chí là tất cả những gì vượt khỏi vũ trụ này. Chúng ta là “nhà sáng tạo” thế giới của chính chúng ta. Con người có thể có đa dạng những nhận thức, quan điểm về thực tại đang diễn ra trong thế giới của chính bản thân họ. Chúng ta mang trong mình nhiều “cái tôi” khác nhau hay là những cái bản ngã của mỗi con người, điều này vô tình lại khiến cho chúng ta khó mà nhận thức rõ được bản thân mình; từ đó sinh ra những câu hỏi đầy vô định như: ta là ai ? ta đến từ đâu ? ta sẽ đi về đâu ? Để rồi chính con người chúng ta cũng không nhìn thấy được những lỗi lầm của mình. “Cái tôi” bị tham ái, chấp thủ và vô mình che đậy, dần dần hình thành những bản chất xấu xa. Một số nhân vật trong Death Parade cũng đã không thể xác định được bản thân mình, họ vô định, lạc lối trong cách sống để rồi đến khi nhận ra cái chết của bản thân, họ chỉ còn biết hối hận…

 

 

Như vậy ta có thể thấy con người nhìn chung là những hình nhân mang linh hồn có ý thức; họ giam mình trong kiếp luân hồi vô tận - 1 vòng tròn sinh tử do vô minh, khắc ái vẽ lên. Ngoài ra, con người còn chứa đựng bên trong bản thân mình ký ức, lý trí và đặc biệt là cảm xúc -  thứ khiến họ khác biệt với những phán quan.

Death Parade: Explained | Anime Amino

 

 

II, CẢM XÚC CON NGƯỜI - HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM SỰ THẤU HIỂU

 

Cảm xúc con người hay đúng hơn là tình cảm của con người, nó luôn là thứ khiến ta khác biệt so với nhiều sinh vật khác. Ta thường so sánh việc có cảm xúc khiến chúng ta khác biệt như thế nào so với máy móc vô tri vô giác, hay việc sở hữu những cung bậc hỷ, nộ, ái, ố khiến chúng ta “người” như thế nào…Liệu cảm xúc có thực sự là minh chứng cho việc chúng ta có linh hồn hay không ?

 

Tôi có đọc được một quan điểm khá hay về loài sứa như sau: “Sứa có thể cảm nhận và có khả năng thích nghi tốt với môi trường sống của chúng, chúng có thể nhận biết, đồng thời phân biệt được con mồi lẫn kẻ săn mồi nguy hiểm và thậm chí còn có thể giao tiếp với nhau. Điều này đặt ra câu hỏi: “Liệu chúng có cảm nhận của riêng mình hay không ? Và nếu có thì trong cơ thể loài vật chứa hơn 90% là nước này có tồn tại linh hồn hay không ?”. Trung Quán Tông đã chỉ ra rằng thế giới mà chúng ta nhìn thấy qua mắt mình chính là thế giới mà ta đang trải nghiệm và như thế mỗi cá nhân đều có một nhận thức riêng về thế giới xung quanh mặc dù nó tồn tại nhiều khía cạnh của cùng một thứ. Thế giới của một con sứa sẽ khác thế giới của một con người…”

 

Okay tại sao lại là sứa ? Có lẽ vì trong Death Parade hình ảnh con sứa xuất hiện cũng khá nhiều chăng ? :v Bỏ qua chuyện đó và khoan hãy bàn đến tính đúng sai của kiến thức về sứa trong đoạn trên, điều tôi muốn chỉ ra ở đây thông qua câu chuyện của loài sứa chính là linh hồn. Tôi xin được trích dẫn định nghĩ về linh hồn như sau: “Linh hồn theo tín ngưỡng Phật Giáo là để chỉ cái phần còn lại sau khi chết của một người. Phật giáo không bao giờ chủ trương cái phần phi vật chất này, hay linh hồn, là thường hằng, bất diệt. Theo Phật giáo, linh hồn là tính biết, cái biết, sự nhận thức, tư duy…, gọi chung là Thức”. Thông qua định nghĩa trên nếu nói con sứa có khả năng nhận biết, phân biệt cũng như giao tiếp với đồng loại thì liệu rằng nó có linh hồn không ? Câu hỏi tương tự với một phán quan, Decim mang ngoại hình giống con người, anh nhận thức được sự việc xảy ra xung quanh cũng như có suy nghĩ của riêng bản thân mình, nhưng lại không mang trong mình cảm xúc của con người. Như thanh tra Tatsumi nhận xét về Decim: “Người tóc trắng đó đến một chút cảm xúc cũng không có, tôi chưa từng gặp con người nào như vậy, hắn là kẻ khác người”, vậy liệu một phán quan như Decim có linh hồn hay không ?

 

Trong Death Parade, như Oculus đã nói tất cả những phán quan bọn họ đều là hình nhân hay đơn giản họ cũng chỉ là những con rối. Nếu như phía trên tôi nói rằng con người là những hình nhân chứa linh hồn bên trong, vậy những phán quan có phải cũng tương tự ? Theo quan điểm của tôi, phán quan như Decim là một hình nhân có ý thức và anh nhận thức được thế giới khách quan…hmmmmmm…có thể nói rằng phán quan cũng có linh hồn giống như con người…Nói vậy tức là Decim cũng giống con người ? Trả lời: Không. Vậy điều gì khiến Decim khác biệt ? Linh hồn của một phán quan khác linh hồn của con người ở điểm nào ? Trả lời: Như tiêu đề ở trên :v đúng thế, đó chính là cảm xúc. Decim cũng như các phán quan khác, anh không hề có cảm xúc. Chính cảm xúc là thứ làm nên sự khác biệt giữa phán quan và con người.

 

Cùng quay trở lại với bộ anime, cốt truyện chính của Death Parade xoay quanh mối quan hệ giữa Chiyuki và Decim - một con người và một phán quan.  Điều đáng chú ý là trong anime có xuất hiện một cuốn truyện với tiêu đề “Chavvot”. Nội dung cuốn truyện ? Được rồi đến giờ kể chuyện nào :v “Chavvot” kể về một cậu bé tên là Jimmy. Một ngày nọ cậu nhìn thấy cô bé Chavvot đang chơi ngoài trời tuyết, Jimmy tìm cách để trò chuyện cùng cô nhưng bởi vì Chavvot bị khiếm thính nên cô chẳng nghe thấy Jimmy nói gì cả, cô bé chỉ biết mỉm cười với cậu. Dù thế nhưng Jimmy vẫn ra ngoài chơi đùa với Chavvot, hai đứa trẻ giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, Jimmy bày trò còn Chavvot mỉm cười với cậu…Hai đứa trẻ đó đã tìm thấy niềm vui và hạnh phúc mặc cho rào cản về mặt việc giao tiếp…Ok hết giờ kể chuyện, vậy ta rút ra được điều gì thông qua câu chuyện này ?

 

Việc “Chavvot” xuất hiện trong Death Parade không phải là ngẫu nhiên, câu chuyện này mang ý nghĩa của riêng nó…Đó là sự thấu hiểu. Chavvot dù cho bị điếc nhưng cô bé vẫn biết là Jimmy có ý tốt và muốn vui chơi với cô, còn Jimmy tuy những gì cậu nhận lại từ Chavvot đơn giản chỉ là một nụ cười nhưng cậu biết việc cậu làm bạn với Chavvot thực sự đem lại hạnh phúc cho cô bé khiếm thính này. Chính cảm xúc đã giúp cho 2 đứa trẻ này hiểu được nhau mà không cần bất kỳ một lời nói nào cả. Jimmy và Chavvot ở đây cũng có thể hàm ý chỉ 2 nhân vật chính trong Death Parade là Chiyuki và Decim: một con người và một phán quan vô cảm. Hai người họ tìm hiểu và cố gắng thấu hiểu được nhau dù cho giữa cả hai vẫn tồn tại nhiều giới hạn đi kèm với những cảm xúc đau đớn đến tột cùng.

 Jimmy et Chavvot on We Heart It


Con người dù được ban cho nhiều yếu tố và khả năng để giao tiếp nhưng chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng không có cách nào để THỰC SỰ thấu hiểu hết một người được. Nếu như giữa Jimmy và Chavvot trong câu chuyện là tật khiếm thính thì sự ngăn cách việc thấu hiểu lẫn nhau giữa người với người còn phức tạp và khó nhận ra hơn thế, đó chính là những rào cản vô hình do chính họ tạo nên (cái này nghe quen nhỉ :v AT Field phải không ?). “Con người mãi mãi chẳng bao giờ thấu hiểu được nhau cả, cố gắng hiểu người khác đã là một sai lầm rồi…” Đó là điều mà Chiyuki rút ra được sau khi cô chết. Bất ngờ gặp tai nạn, Chiyuki không còn khả năng trượt băng được nữa, cô tuyệt vọng rồi tự kết liễu cuộc đời mình, bỏ lại sau lưng gia đình và bạn bè. Trượt băng chính là niềm đam mê, là thứ đem lại niềm vui cho Chiyuki. Tuy nhiên nguyên nhân khiến cô tự sát lại không hẳn là vì không thể trượt băng nữa, nếu thế thì là vì ? Có lẽ là do không ai thực sự hiểu cô. Mất đi trượt băng khiến Chiyuki đánh mất giá trị của mình (đó là cô nghĩ như vậy), cô cảm thấy trống rỗng, không còn biết mình là ai…Nhưng lại không ai hiểu được điều đó cả, kể cả bố mẹ và bạn bè của cô. Đối với Chiyuki lúc đó, những lời động viên, khuyên nhủ sáo rỗng kia không đủ để cứu rỗi một người đã mất đi động lực sống như cô…”Tất cả những người bạn đó hay ngay cả gia đình tôi với tôi đều là những kẻ xa lạ…Bởi vì họ đâu phải là tôi…”

 Death Parade – 12 (END) – Random Curiosity


Nhưng có thật sự là như vậy không ? Có thật sự rằng họ không cố gắng để thấu hiểu cô không Chiyuki ? Tôi nghĩ là không, chắc chắn là KHÔNG!! Trong tình cảnh đó ai cũng mong muốn giúp đỡ hay chí ít là động viên Chiyuki vực dậy tinh thần…Nhưng như tôi đã nói con người không thể thực sự thấu hiểu được người khác…Ngay cả bản thân họ còn không hiểu được hết thì làm sao có thể thấu hiểu được người khác. Dẫu vậy họ vẫn cố gắng bằng cách này hay cách khác tìm ra sợi dây cảm xúc liên kết trái tim con người lại với nhau…Thấu hiểu người khác khó khăn đến thế sao ?

 

Đúng vậy, rất khó để hiểu được cảm xúc cũng như suy nghĩ của một người. Lấy ví dụ thực tế như hiện nay với sự phát triển mạng xã hội, con người dần giao tiếp với nhau qua mạng Internet và những giao tiếp xã hội ngày càng ít đi. Tôi để ý khi đi uống cafe, có một số người đến đây không phải để chuyện trò hay tâm sự với nhau. Mục đích của họ chỉ đơn giản là kiếm một chỗ có mạng Wifi mạnh và “thoáng gió” để lướt web và tán gẫu trên mạng thôi. Thậm chí những người ngồi cạnh, thay vì nói chuyện với nhau thì họ lại chúi mặt vào những dòng thông báo tin nhắn đang nhảy tưng tưng trên màn hình, cảm giác giữa họ chẳng có sự kết nối nào cả :v Okay trông có vẻ tôi khá giống một lão già boomer khó tính, lãi nhãi về một đám nhóc sử dụng công nghệ, nhưng không có ý quy chụp, thực sự tôi luôn thắc mắc không rõ họ làm gì mà không thể rời mắt khỏi cái thứ hình hộp chữ nhật đó…Tôi thực sự không biết. Thú thật nói đến sự kết nối và thấu hiểu, tôi luôn cảm thấy bất lực khi sử dụng mạng xã hội. Tất nhiên tôi không phủ nhận lợi ích của nó trong việc phá bỏ đi khoảng cách địa lý để liên lạc và kết nối với những người xung quanh. Nhưng mỗi lúc tôi nhắn tin hay tâm sự với ai đó qua khung cửa sổ chat, sự bất lực trong việc giao tiếp luôn xuất hiện. Khi tôi muốn thể hiện sự đồng cảm hay quan tâm với người bên kia, những gì tôi có thể làm là ngồi một chỗ và nhắn những dòng tin sáo rỗng mà không biết người bên ở kia màn hình cảm thấy như thế nào… Mỗi khi nhắn xong 1 tin tôi không biết người bên kia sẽ phản ứng ra sao, cái rep mặt :) rồi :))) là vui à…vui thật không ?…nội dung họ nhắn lại cho tôi có thực sự là những gì họ nghĩ không ?… tôi không biết… tôi thấy khó hiểu. Chúng ta vốn dĩ đã bị ngăn cách bởi một rào cản vô hình do chính bản thân mình tạo nên rồi, liệu việc giao tiếp với một người khác qua một thiết bị được kết nối Internet có thực sự giúp chúng ta thấu hiểu người khác hơn không ?

Quanh đi quẩn lại…Vậy làm sao để thấu hiểu người khác ?

 

Câu trả lời nằm ở phân cảnh cuối tập 9, khi Chiyuki vừa đấm vào ngực trái Decim, vừa nói trong nước mắt: “Con người không phức tạp như anh nghĩ đâu!! Họ đơn giản hơn và dễ dàng đau buồn hay tức giận trước những chuyện đơn giản, một chuyện nhỏ nhặt cũng có thể khiến họ bị ảnh hưởng…Họ sống mà không biết điều gì sẽ xảy đến với mình…ĐÓ MỚI LÀ CON NGƯỜI!!!”

 Death Parade Episode 9 – Pain, Simple and Never-Ending «  Geekorner-Geekulture.


Câu nói của Chiyuki làm tôi liên hệ đến một thuật ngữ trong Phật Giáo chính là “deva” - chỉ định những con người "thánh thiện" theo ý nghĩa bình dân, tức có nghĩa là những con người tràn đầy hạnh phúc và sự toại nguyện. Có thể hình dung như sau: “Trong thế giới con người nếu có những ai không cần phải làm việc (tức không phải chịu khổ nhọc), hoặc lo âu, hoặc mang những gánh nặng nào đó, và đồng thời thì lúc nào cũng thanh thản, vui đùa, thư giãn, thì đấy là những người có thể được gọi "thiên nhân". Thế nhưng, nếu như họ không giữ được thể dạng ấy bền vững trong nhiều giờ liên tiếp thì họ sẽ bị thiêu đốt bởi sự sợ hãi và bất hạnh sau đó, chẳng khác gì nơi chốn địa ngục. Khi họ bận tâm với những việc thường nhật thì họ sẽ là con người, thế nhưng khi họ cảm thấy mãn nguyện thì họ là những vị "thiên nhân ".

 

Trên thực tế, trong đời sống, rất khó ai có thể đạt tới cảnh giới “thiên nhân” được, bởi chúng ta đều là “con người”, không ai là không mang trong mình những  lo toan hay những mối bận tâm về đời sống thường ngày. Chúng ta sợ đau khổ, sợ phải đối diện với nghịch cảnh khôn lường nên trong tâm trí luôn tồn đọng những suy nghĩ xoay quanh nỗi sợ đó bên cạnh những thứ tích cực như niềm vui hay sự toại nguyện mang tính nhất thời…Và những thứ đó lại được thể hiện qua cảm xúc của con người với xung quanh.

 

Death Parade đã cho thấy rõ sự phức tạp lẫn đơn giản của con người. Cảm xúc con người đơn giản bởi nó được thể hiện qua hành vi và biểu cảm như cười là vui, khóc là buồn,…Ai cũng từng trải qua những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố giống như bao người khác nên cũng có thể nắm bắt và hiểu được cảm xúc của một ai đó. Nhưng nó lại phức tạp đối với Decim - một kẻ không có cảm xúc (và cũng có lẽ là với cả chúng ta). “Con người không phức tạp như anh nghĩ đâu!!”. Đúng thế… những câu nói ấy của Chiyuki chính là câu trả lời cho câu hỏi phức tạp: Làm sao để thấu hiểu người khác mặc cho những giới hạn tạo ra bởi mỗi cá nhân ?

 

à Con người không phức tạp như chúng ta nghĩ, bởi vì họ cũng như chúng ta. Nếu chưa hiểu thì hãy cố gắng để hiểu.

Nhưng tại sao phải cố gắng để hiểu ?

 

Phép thử được Decim đưa ra cho Chiyuki đã phần nào chứng minh được nỗ lực thấu hiểu của con người. Tượng tượng bây giờ có một cái nút bấm cho phép bạn được hồi sinh bản thân mình, nhưng phải đổi lại với mạng sống của 1 trong 7 tỷ người ngoài kia. Bạn có nhấn nút không ?

 

Death Parade Episode 12


Không biết bạn sẽ chọn gì nhưng với Chiyuki, khi được trao quyền bấm nút để hồi sinh bản thân, Chiyuki nhận ra cô không thể…Mặc dù cô muốn sống lại để trò chuyện với mẹ mình, để bà và cô hiểu nhau hơn, cô vẫn không bấm nút…Dù cô không biết người cô sẽ đổi mạng là ai nhưng Chiyuki không thể không hiểu được nỗi đau mất mát của bạn bè, người thân của người đó. Cô hiểu rằng ở đâu đó vẫn có những người ấp ủ yêu thương đối với người này…Cô đã không bấm nút...Những cảm xúc này cũng tương đương với những gì mà Decim nhận được khi quan sát Chiyuki, anh chưa từng được sống cũng như chưa từng trải nghiệm cái chết, nhưng giờ đây anh đã biết thế nào là nỗi buồn. Bằng nỗ lực để thấu hiểu Chiyuki của mình, Decim đã dựng ra màn kịch này như một cách để phán xét cô cũng như để “chạm” gần hơn tới thứ gọi là cảm xúc con người. Để rồi nỗi đau mất mát của Chiyuki dường như cũng lan sang phía Decim và đôi mắt của gã phán quan vô cảm này đã phải ứa những giọt lệ sầu thảm… “Đây là nỗi buồn phải không ? ”. Khoảnh khắc biểu tượng chữ thập trong trong mắt của Decim tan vỡ chính là giây phút cảm xúc con người phá bỏ đi những giới hạn của một thực thể không cảm xúc như Decim, khiến anh “gần” với con người hơn bao giờ hết.

 

Death Parade Episode 12 Review | BentoByte

Death Parade đã gửi đi một thông điệp dành cho con người: sự tiếc nuối, nỗi xót xa cũng như việc sẻ chia nỗi đau là cách để chúng ta thấu hiểu nhau hơn. Những trò chơi trong Death Parade với những bộ phận cơ thể truyền đi cảm giác đau đớn khi chơi cũng đã ngụ ý thông điệp này. Vì thấu hiểu chính là cảm nhận và hiểu được những đau khổ (suffering) của người khác. Để thấu hiểu được nhau có thể sẽ rất đau đớn, nhưng chỉ khi đau đớn, chỉ khi mang trên mình những vết thương ta gây ra cho nhau, con người mới phá bỏ đi những rào cản để tiến gần đến nhau hơn. Chúng ta không chỉ có một mình, con người luôn cần có nhau trên cõi đời này. Thấu hiểu hay nỗ lực để thấu hiểu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối liên kết giữa người với người, bởi chỉ bằng cách thấu hiểu nhau ta mới có thể chạm tới những góc nhỏ trong tâm hồn người khác, mới có được một cuộc sống tốt đẹp hơn…Suy cho cùng con người chỉ là những kẻ đang tìm cách để thấu hiểu lẫn nhau.


 "Con người muốn thấu hiểu nhau...chắc chắn không phải là sai lầm...Và giả sử có sai đi nữa...tôi vẫn muốn hiểu"


III, SỰ PHÁN XÉT - “BÓNG TỐI TRONG TÂM HỒN”

 

Tưởng tượng sau nhiều năm sống trên cõi đời này, bỗng dưng BÙM… bạn nghẻo :< rồi bạn bị gửi đến một quán bar lạ hoắc không có lối thoát, và giờ người quyết định bạn sẽ được tái sinh hay bị ném vào cõi hư vô lại là một gã tóc trắng vô cảm chưa từng được sống cũng như chẳng biết chết là gì. Bạn nghĩ như thế nào ? Và nếu có thể thì bạn sẽ chọn ai để phán quyết mình ?

 

Luz Câmera Corta - Dica de Anime: Death Parade!


Nhìn chung việc để một phán quan như Decim phán quyết chắn chắn không phải là một điều hợp lý. Bởi lẽ Decim không thể thấu hiểu được cảm xúc con người, anh chỉ đơn giản là biết họ thông qua ký ức cùng với quan sát “bản tính con người” được họ thể hiện trong trò chơi. Chỉ chừng đó thôi thì vẫn chưa đủ để Decim phán xét được con người. Ta biết rằng bản chất của việc phán xét chính là khơi ra hết mức thứ được gọi là “bóng tối” trong tâm hồn của người chơi, vậy liệu cách làm này có thực sự hợp lý ?

 

Câu trả lời là không, cách phán xét này hoàn toàn không hợp lý. Ta có thể xét một vài tình huống sau.

Ở trong tập đầu tiên của Death Parade, chúng ta có hai người chơi là cặp vợ chồng Machiko - Takashi. Sau khi tham gia trò chơi ném phi tiêu (Darts) Decim đã nhìn thấy được “bóng tối” nơi hai con người này. Đầu tiên Takashi nghi ngờ vợ mình ngoại tình ngay trong lễ cưới của hai người và theo như lời Machiko nói, có vẻ cô đã lừa dối Takashi và có con với tình nhân của mình. Đó là những thông tin có được trong  quá trình chơi và những gì chúng ta thấy cũng giống như Decim thấy, Machiko là một người phụ nữ tồi, “bóng tối” trong cô thật sự đáng bị nguyền rủa, kết cục bị gửi vào hư vô hoàn toàn xứng đáng với người phụ nữ này…Nhưng có thật là như vậy không ?

 

Death Parade Episode 1


Có lẽ là không. Như tôi đã đề cập ở trên, Decim ngoài việc phán xét dựa vào hành vi của người chơi, anh còn có thể dựa vào ký ức của họ. Tuy nhiên trong trường hợp này, ký ức của cặp vợ chồng này dường như không được Decim cân nhắc trong quá trình phán xét. Trong ký ức của Machiko, mối quan hệ vợ chồng của hai người là một mối quan hệ nhìn chung là khá hạnh phúc dù cho đôi lúc Takashi có thể hiện sự ghen tuông vô cớ. Ngược lại với vợ mình, những ký ức về mối quan hệ của hai người trong Takashi chỉ nhuốm màu ghen tuông; cái chết của hai người thậm chí còn do Takashi gián tiếp gây ra (vì ghen tuông). Vậy nếu như xét về mặt ký ức thì có vẻ Takashi lại hơi tiêu cực trong mối quan hệ vợ chồng. Ngay cả sau khi biết mình đã chết anh còn tìm cách thoái thác và phủ nhận việc mình đã giết đứa con trong bụng của Machiko…Qua đây ta thấy được nếu như Decim xem xét thêm khía cạnh này thì không chỉ riêng Machiko mới có “bóng tối” trong tâm hồn mà cả chồng cô - Takashi cũng có. Theo như Chiyuki phỏng đoán, hành động thừa nhận đứa con của Machiko có lẽ đơn giản chỉ là sự hi sinh cao cả của tình yêu để cứu rỗi linh hồn của chồng cô. Tuy chúng ta không thể biết được liệu đó có phải là mục đích thực sự của Machiko hay không nhưng phần nào có thể thấy được sự thiếu chính xác trong phán quyết của Decim.

 

Chúng ta cùng xét thêm một tình huống khác. Ở tập 8 và 9 quán bar Quindecim đón tiếp 2 vị khác có phần đặc biệt hơn những vị khách trước - 2 kẻ giết người: Shimada - 1 thanh niên trẻ đâm chết tên đã hãm hiếp em gái mình - Sae và Tatsumi - 1 thanh tra báo thù kẻ giết đã vợ mình - Yumi. Hai con người đều mang trong mình sát khí và sẵn sàng lấy mạng kẻ họ đang nhắm tới. Vậy nếu áp dụng cách phán xét của Decim thì sẽ như thế nào ? Như vậy thì cả 2 người họ đều mang “bóng tối” trong tâm hồn và chỉ trong một thời gian ngắn sẽ khó để Decim quyết định được ai sẽ về đâu. Shimada giết kẻ đã hãm hiếp em gái mình, cậu đã giết người, cậu có mang trong mình evil intent…Nhưng mục đích giết người của Shimada lại không thực sự “đen tối”. Tương tự với Tatsumi, trong trường hợp vợ ông bị sát hại, việc viên thanh tra này đi báo thù kẻ giết người đó khó có thể được tính là “bóng tối” trong tâm hồn - thứ mà Decim phần lớn dựa vào để phán xét.

 

Lỗ hổng trong cách phán xét của phán quan dần lộ rõ hơn khi nếu chỉ dựa vào cách họ thể hiện trong trò chơi, Decim gần như không thể phán quyết được. Chi tiết Tatsumi tiết lộ việc mình chỉ đứng nhìn em gái của Shimada bị hãm hiếp thậm chí còn gây khó khăn hơn cho Decim. Người xem có thể sẽ phán xét việc Tatsumi đứng đó mà không ra tay cứu Sae là một hành vi vô nhân đạo, nhưng nếu xét về mục đích của Tatsumi là có được “bằng chứng” và có thể phán xét được kẻ đã hãm hiếp Sae để ông có thể sẽ ngăn được hắn hãm hiếp những người con gái khác thì việc làm của viên thanh tra này cũng có chút hợp lý. Nhưng cái cách thay trời hành đạo của viên thanh tra này (ít nhất là đối với tôi) thực sự không đáng hoan nghênh. Ta có thể hiểu cho tâm trạng của Shimada trong tình cảnh này khi anh “giết” Tatsumi một lần nữa trong Quindecim.

Death Parade Anime Review | Including But Not Limited To Animation

 

Qua đây, ta nhận thấy được những hành động được cho là bộc lộ “bản chất” của hai người này đơn thuần là bị cảm xúc đưa đẩy. Như phần I, ta đã biết con người bị trói buộc bởi tam độc: tham, sân, si. Giải thích ngắn gọn thì: Tham là tham lam; Sân là nóng giận; Si là si mê, không biết đúng lẽ thật giả, phải trái. Trong tình huống trên, cái gọi là “bóng tối trong tâm hồn” của 2 người đó thực chất lại bắt nguồn từ 2 thứ trong tam độc. Cụ thể, việc Tatsumi khi ông tự gán cho bản thân mình một lý tưởng và một quy chuẩn đạo đức sai lệch để dựa vào đó thay trời hành đạo là Si. Viên thanh tra đã bị bản ngã khác trỗi dậy và chiếm lấy mình, dẫn đến nhận lầm, gây ra tội lỗi. Với Shimada lại là Sân. Trong giây phút nóng giận, không kiểm soát được bản thân, anh cũng đã để “cái tôi” kia cùng với hận thù kiểm soát mình.

Một câu hỏi lớn được đặc ra trong hai tập này là liệu việc phán xét con người dựa trên cái gọi là “bóng tối trong tâm hồn” hay đúng hơn là những hành vi bị cảm xúc chi phối có thực sự chính xác ? Liệu có thể đánh giá một con người là xấu hay tốt nếu chỉ dựa vào những hành động đầy xúc cảm đó ?

Trả lời: Không, không và không

 

Chúng ta có thể xây ra một con đập để ngăn dòng chảy của con sông nhưng lại không thể làm gì để ngăn những “dòng cảm xúc” bất chợt tuôn trào trong tâm trí của bản thân. Khi con người bị đẩy đến cực hạn, họ sẽ bộc lộ ra “bóng tối” nhưng đó không hẳn đã là bản chất của họ. Trong Samsara, con người bị vô minh chi phối, cộng thêm việc bị trói buộc vào tam độc đã khiến cho những hành vi bị cảm xúc tác động trở nên “đen tối” hơn. Việc phán xét của Decim không phải là đào sâu vào bản chất của con người, đó chỉ đơn thuần là đánh giá những phần xấu xí nhất trong tâm hồn họ mà thôi.

Lấy ví dụ như sau, A là một người hiền lành, tốt bụng, công việc của anh là công nhân cho một xưởng gỗ. Một ngày, A và chủ xưởng có mâu thuẫn. Hai người họ tranh cãi gay gắt rồi xảy ra xô xát, trong lúc tức giận A vô tình làm chủ xưởng tử vong. Câu hỏi đặt ra: A nên được phán xét như thế nào ?

1, Xét theo cách của Decim : A giết người à A có “bóng tối” trong tâm hồn à Vào cõi hư vô

2, Xét theo hướng khác : A vốn là người tốt bụng, việc làm trong lúc đó của A chỉ là nóng nảy nhất thời (do Sân mà ra), A vẫn có lỗi nhưng cần xem xét kỹ hơn để quyết định liệu anh sẽ tái sinh hay vào cõi hư vô.

Qua ví dụ trên ta có thể thấy cách làm của Decim có nét tương tự với Tatsumi, khi ông đợi đến khi tội ác được thi hành ông mới ra tay ngăn chặn, điều này cũng giống như việc Decim chỉ nhìn được bề nổi của con người, mặc dù anh thấy được “bóng tối” trong họ nhưng như chỉ thế thôi là chưa đủ. Chàng phán quan không thể thấu hiểu được con người và anh chỉ phán xét thông qua những hành động bị cảm xúc chi phối. Lỗ hổng trong cách đưa ra phán quyết của các phán quan đã bị Shimada và Tatsumi phơi bày ra như thế…

 

Ở khía cạnh này, trớ trêu thay, ta lại có thể thấy Decim cũng có phần nào giống với con người. Như ở phần I tôi đã đề cập, con người giam mình trong vòng luân hồi Samsara vẽ lên bởi vô minh - quan niệm sai lầm về bản chất của thực tại. Trong Phật Giáo, theo giáo lý Duyên Khởi mà đức Phật đã chứng ngộ, nói lên rằng: ”Do Vô Minh mà có Hành; do Hành mà có Thức; do Thức mà có Danh sắc; do Danh sắc mà có Lục nhập; do Lục nhập mà có Xúc; Do Xúc mà có Thọ; do Thọ mà có Ái; do Ái mà có Thủ; do Thủ mà có Hữu; do Hữu mà có Sanh; do Sanh mà có Lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não”. Qua đây ta thấy được Vô minh chính là nguồn gốc của đau khổ, là nguyên nhân dẫn đến tham ái, hận thù của con người. Có thể hiểu vô minh có nghĩa là sự “thiếu hiểu biết” hay đúng hơn là “thiếu sáng suốt” về bản chất của thực tại. Con người thường có xu hướng tin vào những gì họ cảm nhận được bằng 5 giác quan - một cơ sở có tính khoa học. Điều này dẫn đến việc chúng ta thường đưa ra những kết luận sai lầm về những thứ nằm ngoài khả năng cảm nhận của mình. Tôi có thể trích dẫn một ví dụ về vô minh như sau: “Một con cá không nhìn thấy cái móc câu ẩn sau miếng mồi ngon, nên nó thường gặp rắc rối khi đưa ra quyết định. Nó có thể sẽ đớp miếng mồi đó và bị người đi câu bắt được, nhưng nếu nó nhìn thấy toàn bộ hình ảnh, nó có thể nhận ra rằng, có cái gì đó sai trái và không cố gắng để lấy miếng mồi này”. Ở đây tôi có thể nói rằng Decim cũng đã bị mắc kẹt trong vô minh giống như con người. Gã phán quan này không thể nhận thức được bản chất của thực tại là thay đổi liên tục, dẫn đến việc hắn luôn có cái nhìn tương đối phiến diện khi phán xét. Decim cũng giống như con người, anh có được dữ liệu kinh nghiệm dựa trên 5 giác quan vật lý. Tuy nhiên có một dữ liệu anh không thể tiếp cận được đó chính là cảm xúc con người, điều này chính là nguyên nhân cho những quyết định sai lầm của anh. Những gì ta nhìn được, nghe được, biết được chưa chắc đã là bản chất của sự việc, ở đây ta có thể thấy phán quan cũng có một sự giới hạn hiểu biết về thực tại như con người. Mục đích của việc không để phán quan như Decim có cảm xúc là để họ có thể đưa ra những phán quyết mà không bị yếu tố này chi phối. Nhưng trớ trêu thay, Decim lại không có được một cái nhìn toàn cảnh cũng như sự thấu hiểu cảm xúc của con người nên vô tình điều đó lại khiến gã phán quan này dựa vào những hành vi, mâu thuẫn đầy cảm xúc của con người để đưa ra phán quyết.

 

“Cảm xúc cơ bản nhất của con người là sợ hãi”. Đúng thế, họ sợ hãi nên họ mới tìm cách để sinh tồn, mới tìm cách để tránh xa cái chết. Nhưng sự sợ hãi của họ trước cái chết không chỉ đơn giản là cho bản thân họ, bởi vì trong cuộc sống, con người luôn kết nối với nhau. Họ mang trong mình sự ràng buộc, họ luôn có tình cảm dành cho ai đó…”Chuyện đơn giản như thế mà tôi cũng không làm được…có một tiếng “mẹ” thôi mà…”, “Việc gì tôi cũng sẽ làm, hãy trả tôi về với các con, làm ơn đi…”, “Tôi đã nghe được lời cảm ơn từ vợ mình do đó tôi quyết định sẽ sống để trả thù cho những người bị hại…”. Tâm lý của người sắp chết thật mong manh, họ không thể làm gì để thay đổi nữa…Dù là giam mình trong kiếp luân hồi vô tận nhưng khi biết mình sắp chết, con người lại cảm thấy tiếc nuối, giây phút họ không thể chọn lựa cho mình họ mới thực sự biết trân trọng cuộc sống. Một kẻ chưa từng được sống, chưa từng cảm nhận cái chết như Decim thì không thể phán xét con người được, bởi rằng:

 𝑳𝒊𝒇𝒆 𝒊𝒔 𝒂 𝒔𝒖𝒄𝒄𝒆𝒔𝒔𝒊𝒐𝒏 𝒐𝒇 𝒍𝒆𝒔𝒔𝒐𝒏𝒔 𝒘𝒉𝒊𝒄𝒉 𝒎𝒖𝒔𝒕 𝒃𝒆 𝒍𝒊𝒗𝒆𝒅 𝒕𝒐 𝒃𝒆 𝒖𝒏𝒅𝒆𝒓𝒔𝒕𝒐𝒐𝒅.” -  Helen Keller

(“Cuộc sống là một chuỗi bài học mà bạn cần phải sống mới hiểu được.”)

 

Vậy ai có thể phán xét con người ?

Death Parade kết thúc với câu trả lời: Kẻ phán xét con người vẫn sẽ là Decim. Nhưng Decim này không còn là một hình nhân chứa linh hồn vô cảm nữa, anh đã cảm nhận được cảm xúc con người đồng thời đã phần nào hiểu được nỗi đau của người khác. Có thể nói, dù chưa hoàn hảo nhưng chí ít Decim bây giờ đã là một phán quan biết thấu hiểu và mang trong mình một chút cảm xúc con người, có lẽ anh sẽ phán xét họ một cách hợp lý hơn.

Decim smile | Death parade, Popular anime characters, Anime

 

Về phần tôi, câu hỏi ở phía trên tôi tiếc phải nói rằng giá mà tôi có được câu trả lời dễ dàng như cách mà tôi đã đặt ra câu hỏi…Nhưng tôi nghĩ rằng con người chúng ta cũng không nên quá bận tâm đến điều đó, bởi dù sao thì chúng ta vẫn đang sống. Tôi đang sống để viết bài này, các bạn cũng đang sống khi đọc những dòng chữ này…Sẽ là một điều đáng buồn nếu chúng ta không trân trọng cuộc sống của mình. Hãy nhớ rằng chỉ khi sống chúng ta mới khám phá ra được giá trị của cuộc đời mình, nó có thể hạnh phúc, nó có thể đau khổ, lá bài số mệnh của chúng ta khác nhau do đó chúng ta cần phải chọn cách sống cho mình… Đến cuối cùng, cái chết luôn là điều không thể tránh khỏi, vậy chúng ta sẽ sống khép kín với đời hay sẽ sống hết mình cùng với những nỗ lực để thấu hiểu người khác mặc cho những rào cản của nhau ? Quyết định nằm ở con người chúng ta…

 

Để kết thúc bài viết tôi xin được trích một đoạn ngắn trong cuốn nội san của các tăng ni sinh viên mà tôi vừa đọc được: “Sống và chết là tiến trình triền miên dài dăng dẳng. Nó thay qua đổi lại, sanh rồi tử, tử lại sanh. Theo đường lối suy tư Phật giáo: “Chết không phải là một đề tài lẩn tránh hay xua đuổi, mà là cái chìa khóa để mở cánh cửa đưa vào những gì được xem là bí ẩn của cuộc đời. Chính nhờ biết cái chết mà ta hiểu được sự sống. Bởi vì hiểu theo một chiều hướng, chết là một phần trong tiến trình sống. Theo một lối hiểu khác, sống và chết là hai giai đoạn tận cùng của một tiến trình, hai đầu của một luồng trôi chảy, và nếu hiểu biết điều này thì cũng hiểu được điều kia”  

 

𝐂𝐀𝐑𝐏𝐄 𝐃𝐈𝐄𝐌

(“HÃY SỐNG VỚI NGÀY HÔM NAY”)


P/s: Adios!!


 

 

*Bài viết có tham khảo một số nội dung từ Nội san Hương Đạo niên khóa 2007 - 2011

 

 #Sun 

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến