CÂU CHUYỆN VỀ KỊCH BẢN (P1):MẪU CHUYỆN TRONG ANIME TRÔNG NHƯ THẾ NÀO?
Trong điện ảnh nói chung và anime nói riêng, khi đã có ý tưởng, người viết phải sắp xếp lại các ý tưởng đó để phát triển câu chuyện theo đường đi của kịch bản. Và kịch bản phim cũng có những quy tắc nhất định mà người viết cần nắm để bộ phim trở nên hấp dẫn, thú vị và thuyết phục đối với khán giả. Có rất nhiều cách để phát triển kịch bản phim. Nhưng ở bài viết này mình sẽ đưa ra cách dễ hiểu nhất, đó là PHÁT TRIỂN Ý TƯỞNG THEO MẪU CHUYỆN.
Hầu hết các câu chuyện được kể trong các phim hiện nay đều thuộc một số mẫu chuyện nhất định trong văn học hoặc trong các tác phẩm điện ảnh trước đó. Các nhà làm phim dẫu có kể câu chuyện hấp dẫn, độc đáo đến đâu cũng có thể quy về một số mẫu chuyện căn bản. Ở đây mình xin đưa ra một số mẫu chuyện đã và đang được áp dụng thường xuyên trong anime.
*Chú ý: VÌ BÀI VIẾT CÓ SPOIL MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG PHIM, NÊN NẾU BẠN CHƯA XEM CÁC BỘ PHIM DƯỚI ĐÂY THÌ CÓ THỂ XEM BÀI VIẾT NÀY LÀ MỘT PHẦN REVIEW NGẮN VẬY.
⚀ MẪU CHUYỆN ƯỚC MƠ THÀNH SỰ THẬT
Đây là mẫu chuyện rất phổ biến trong việc viết kịch bản phim. Người viết đưa ra ý tưởng bằng cách tìm kiếm một ước mơ cụ thể nào đó cho nhân vật. Điều này thường khác biệt với nguyện vọng của những người trong gia đình hoặc cộng đồng nên họ sẽ không nhận được sự ủng hộ. Bên cạnh đó, ước mơ của nhân vật cũng gặp một lực cản vô cùng lớn khiến cho anh/cô ta có thể bỏ cuộc bất kì lúc nào. Như vậy, cả bộ phim là hành trình nhân vật vừa rèn luyện, phấn đấu cho ước mơ, vừa vượt qua những lực cản trên đường đi của mình. Khi đã đạt được ước mơ rồi, nhân vật sẽ nhận ra được giá trị cốt lõi của thứ mình theo đuổi chứ không phải chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài mà nhân vật lầm tưởng ở đầu phim.
Mẫu chuyện này được áp dụng triệt để trong các bộ anime theo thể loại shounen. Ví dụ điển hình là Naruto trong bộ anime cùng tên - một cậu bé mồ côi bị mọi người xa lánh nhưng luôn cố gắng để khẳng định bản thân,trải qua bao thử thách chông gai mà vẫn giữ vững quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. “Tôi sẽ trở thành Hokage vĩ đại nhất! Đây là nhẫn đạo của tôi!”, câu nói lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong suốt cả phim ấy chính là mục tiêu của Naruto, vì nó mà cậu sẵn sàng đánh cược mọi thứ. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng cậu đã trở thành Hokage đệ thất được mọi người yêu mến và ngưỡng mộ. Ước mơ trở thành hiện thực rồi, cậu cũng phải thay đổi để thích ứng với nó. Không còn những trò đùa tinh nghịch, không còn những hành động bốc đồng thiếu suy nghĩ, Naruto trưởng thành hơn vì phải gánh vác những trách nhiệm nặng nề, vì được mọi người xung quanh xem là người hùng của Konoha. “Trở thành Hokage không có nghĩa là cậu được mọi người công nhận mà chỉ khi được mọi người công nhận, cậu mới trở thành Hokage”.
Không chỉ trong shounen, ta còn bắt gặp mẫu chuyện này trong vô số thể loại khác. Đâu chỉ có những ước mơ to lớn, xa vời, nó hoàn toàn có thể là một mong muốn nhỏ nhoi đời thường nào đó. “Ta sẽ trở thành người có dàn harem đông đảo nhất trong lịch sử nhân loại”, “Tôi sẽ kiếm thật nhiều tiền để mua một chiếc Mercedes rồi lái dạo quanh một vòng Hồ Tây”, “Mình sẽ mở một bữa tiệc thật to rồi anh em ta cùng YOLO giữa tâm đại dịch”,... Và còn rất nhiều những ước mơ khác mà đôi khi bạn không thể tin là nó có thể tồn tại được.
⚁ MẪU CHUYỆN ĐỒNG HÀNH
Mẫu chuyện đồng hành là mẫu chuyện thường gồm hai hay nhiều nhân vật cùng đi trên một chuyến hành trình để thực hiện mục đích nào đó. Những nhân vật này thường có tính cách trái ngược nhau, dẫn tới nhiều xung đột trong suốt chuyến đi. Thách thức của họ là phải thay đổi, thích nghi, vượt qua mâu thuẫn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Mình sẽ lấy ví dụ về một bộ anime yêu thích của mình – “Samurai Champloo”. Dàn nhân vật trung tâm của phim bao gồm ba con người với ba tính cách khác biệt: Mugen, một kiếm khách sống ngoài vòng pháp luật, thô lỗ cộc cằn, bất cần đời, yêu tự do; Jin, một ronin lạnh lùng, điềm tĩnh, gần như trái ngược với Mugen; và Fuu, một cô gái trẻ cá tính nhưng hay càu nhàu như bà cụ non. Sau một biến cố, bộ ba của chúng ta đã đồng hành cùng nhau để giúp Fuu tìm kiếm một samurai có mùi hoa hướng dương. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau (thường là do Mugen và Jin cố gắng giết nhau), mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch và cả nhóm bị kéo vào những chuyện không mong muốn trên suốt hành trình. Bộ phim chinh phục người xem bởi phong cách vô cùng độc đáo, là sự kết hợp tài tình, thú vị giữa truyền thống và hiện đại mà khó có thể tìm thấy ở một bộ anime nào khác. Với “Samurai Champloo”, người xem có cơ hội tham gia vào chuyến phiêu lưu hết sức ly kỳ cùng những tình huống dở khóc dở cười của các nhân vật. Bên cạnh đó, ta cũng không thể bỏ qua những thước phim chiến đấu mạnh mẽ, đầy kịch tính và những bài học đáng suy ngẫm đằng sau.
Trong hành trình này, họ phải trải qua rất nhiều biến cố để rồi đi đến được cái đích được đặt ra ban đầu. Các nhân vật được phát triển với một thời lượng phù hợp trong mỗi tập phim. Vai trò của cả ba đều quan trọng như nhau và mỗi người đều tạo ra sự hài hước riêng nhưng ở mức vừa phải chứ không biến bất cứ ai thành “chmúa hmề” cả. Thiết kế nhân vật cũng phù hợp và tăng thêm sự đa dạng trong tính cách của họ. Đây chính là sự hấp dẫn mà câu chuyện đồng hành mang lại, điều khó có được ở những mẫu chuyện khác.
Như vậy, công thức cho mẫu chuyện này là: A+B->C (trong đó A và B thường trái ngược nhau, phản chiếu cho nhau và C là điểm đến của cuộc hành trình).
Ngoài ra chúng ta còn có thể kể đến nhiều bộ anime cũng áp dụng mẫu chuyện này như “Spice And Wolf”, “Kaiba”, “Kino’s Journey: The Beautiful World” (à mà xem phần ra mắt vào năm 2003 thôi nhé, tin mình đi nếu như bạn không muốn mất niềm tin của bản thân vào anime),…
⚂ MẪU CHUYỆN NHÂN VẬT CHÍNH GẶP RẮC RỐI
Đây là mẫu chuyện khá phổ biến và dễ áp dụng. Phim bắt đầu bằng sự xuất hiện của nhân vật chính với tất cả những thông tin giới thiệu về anh/cô ta. Quan điểm của nhân vật cũng được thể hiện thông qua hành động, lời nói. Tuy nhiên, biến cố xảy ra, nhân vật chính bị rơi vào một cái bẫy hoặc một sự cố ngoài ý muốn nào đó khiến anh ta phải loay hoay tìm cách thoát khỏi. Sau khi vượt qua khó khăn, rắc rối đó, anh/cô ta sẽ thay đổi quan điểm của mình. Quan điểm mới của nhân vật thường sẽ khác biệt, thậm chí đối lập so với quan điểm trước đó.
Có đủ các bộ anime ở nhiều thể loại khác nhau sử dụng mẫu chuyện “nhân vật chính gặp rắc rối” như “Gankutsuou: The count of Monte Cristo”, “Paranoia agent”, “Now and then, here and there”,... Các bộ phim kể trên điều làm rất tốt trong việc khai thác từ những rắc rối ban đầu mà nhân vật chính gặp phải. Và nếu như bạn còn thấy lạ lẫm với những cái tên kể trên thì mình sẽ lấy ví dụ về một anime đã rất quen thuộc với chúng ta: “Steins;Gate”.
Nhân vật chính của bộ phim là Rintaro Okabe, thường sử dụng biệt danh Kyouma Hououin, là một con người lập dị, một nhà khoa học “điên” mắc hội chứng chuunibyou. Anh sáng lập ra “Phòng thí nghiệm tiện ích tương lai” và tự xưng là “thành viên phòng thí nghiệm số 001” với mục đích tạo ra cỗ máy du hành thời gian. Okabe tỏ ra điên rồ và hoang tưởng, thường xuyên nhắc đến việc có một “tổ chức” đang rình rập mình, tự nói chuyện với chính mình trên điện thoại và hay cười một cách kì quặc. Tuy vậy, Okabe thật sự rất tài giỏi, tốt bụng, biết quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Nhưng rồi mọi thứ thay đổi một cách nhanh chóng khi cao trào của bộ phim bắt đầu. Từ một người vô cùng lạc quan, có những góc nhìn châm biếm về mọi sự việc xung quanh, Okabe bắt đầu hoang mang, lo sợ khi đau thương mất mát xảy ra với những người mà anh yêu thương hết mực. Tất cả đều bắt nguồn từ những rắc rối mà Okabe gặp phải trong công cuộc nghiên cứu, thí nghiệm của mình. Đúng vậy, đây chính là rắc rối, là nguồn cơn thúc đẩy mạch truyện, nhờ nó mà nhân vật chính của chúng ta đã thật sự thay đổi.
⚃ MẪU CHUYỆN LÍ DO ĐỂ HÀNH ĐỘNG
Mẫu chuyện “lí do để hành động” thường xuất hiện trong các bộ phim trinh thám. Các bộ phim theo mẫu này thường mở đầu bằng việc một vụ án nào đó xảy ra hoặc người thân của nhân vật chính gặp rắc rối. Anh/cô ta buộc phải đứng lên giải quyết vấn đề vì công việc hoặc vì tình thân. Mẫu chuyện này cũng bao gồm motif “món quà” bị đánh cắp. Đột nhiên nhân vật chính phát hiện “món quà” giá trị của mình hoặc của người thân, bạn bè không còn ở bên cạnh. Anh ta buộc phải hành động để tìm kiếm “món quà”.
Nếu như mẫu chuyện “nhân vật chính gặp rắc rối” đưa ra những biến cố trực tiếp cho nhân vật chính thì mẫu chuyện “lý do để hành động” lại đưa ra những rắc rối cho những người xung quanh nhân vật chính. Anh/cô ta phải hành động để đưa mọi thứ trở về vị trí cũ hoặc tìm ra chân tướng của sự việc. Mẫu chuyện này cũng thường gặp trong truyện cổ tích, truyện kể nhân gian. Chẳng hạn như truyện “Cây tre trăm đốt”. Vì muốn cưới con gái của ông phú hộ nên nhân vật chính của chúng ta lên đường đi tìm “cây tre trăm đốt”.
Nói không ngoa, hai mẫu chuyện “lí do để hành động” và “nhân vật chính gặp rắc rối” không khác nhau quá xa, nó thật sự rất khó phân biệt vì tác giả thường kết hợp cả hai yếu tố đó trong một bộ phim. Bạn có thể bắt gặp mẫu chuyện này trong tất cả các bộ anime nêu trên. Mình sẽ đưa ra một ví dụ nổi bật nhất, cũng như là hình mẫu lí tưởng cho bất cứ cốt truyện nào khác đi theo hướng này, đó chính là tuyệt tác “Monster”.
Một ngày nọ, bác sĩ phẫu thuật não nổi tiếng Kenzou Tenma phải đối mặt với hai lựa chọn: cứu thị trưởng của thị trấn hoặc một cậu bé. Chống lại mệnh lệnh của cấp trên, anh quyết định cứu cậu bé mang họ Liebert ấy, mà đâu hay biết rằng quyết định này sẽ dẫn đến bước ngoặt của cuộc đời mình. Vì lí do đạo đức và nỗi bất công mà bản thân phải chịu đựng, Tenma ước rằng cấp trên sẽ biến mất. Và điều ước ấy bỗng nhiên trở thành hiện thực, nhưng cùng lúc đó anh em Liebert biến mất một cách bí ẩn. Mười năm sau, khi Tenma đã có nhiều thăng tiến trong sự nghiệp (phần lớn là do cấp trên bị ai đó sát hại), một bệnh nhân bị giết ngay trước mắt anh, và kẻ thủ ác hóa ra không phải ai khác mà chính là cậu bé anh đã từng cứu. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình dài và đen tối đối với Tenma khi anh cố gắng làm sáng tỏ bí ẩn của chàng trai trẻ kia đồng thời lấy lại sự trong sạch cho bản thân.
Đọc sơ qua tóm tắt, ta có thể thấy một trong những chủ đề nổi bật nhất của phim chính là đạo đức. Trong khi cố gắng cải thiện bản thân giữa một hệ thống mục ruỗng, vô nhân tính, Tenma bị trừng phạt vì những hành động đúng với luân thường đạo lý và được khen thưởng khi làm theo những ý muốn thiếu đạo đức của cấp trên. Điều này dẫn đến câu hỏi là cần phải hy sinh bao nhiêu để làm điều đúng, cũng như chính xác điều gì là đúng? Một người xấu xa đến mức bị coi là quái vật phải bị giết vì lợi ích lớn hơn, hay anh ta nên được cứu rỗi? Một bác sĩ hay một người nào đó có quyền giữ lại hay lấy đi mạng sống của người khác chỉ vì những lý do được cho là đúng đắn? Và làm sao để chắc rằng người được cứu sẽ trở thành một con người tử tế thay vì một con quái vật? Những câu hỏi khó này liên tục được đặt ra bởi chính tác giả thông qua những tình huống trong bộ phim. Từ đó ta có thể thấy rằng, “món quà” bị đánh cắp trong “Monster” chính là những giá trị đạo đức, tâm lí con người hay chủ nghĩa hiện sinh đầy mơ hồ. Các chủ đề này được tác giả khéo léo lồng ghép xuyên suốt phim, để lại nhiều suy ngẫm nơi người xem. “Monster” quả thực là một bộ phim xuất sắc trong vấn đề khai khác các mẫu chuyện để nâng tầm giá trị của nhân vật lẫn nội dung phim.
⚄ MẪU CHUYỆN GÃ KHỜ
Đây là mẫu chuyện rất phổ biến trong anime. “Gã khờ” thường là những nhân vật ngốc nghếch, tốt bụng, luôn chiếm được thiện cảm của khán giả. Với người xem, những nhân vật kiểu này luôn thú vị vì những hành động của họ tự nhiên, không giả tạo và họ thường hành động vì những lí do rất đơn giản, ít ai ngờ tới. Họ cũng thường là phần “khát khao” của khán giả trong đời thực: hành động khác với số đông và được cho là “thuần tốt”. Chính vì vậy, đôi khi số đông với những toan tính tưởng chừng rất thông minh lại gặp nhiều thất bại thảm hại và những chàng khờ thì hay gặp may mắn bất ngờ. Yếu tố may mắn được xem là có logic hay không thì tùy thuộc vào góc nhìn của khán giả và cách người viết xây dựng tình huống. Tuy nhiên hãy tin mình đi, bạn sẽ khó mà tìm được mấy tình huống may mắn giống như cách mà nhân vật Kaiba trong “Yu-Gi-Oh” liên tục thua trước ngưỡng cửa thiên đường khi đối đầu với Yugi (đừng hiểu nhầm, Kaiba thua là do không có “trái tim của lá bài” và “sức mạnh tình bạn” thôi).
Những bộ phim theo mẫu chuyện gã khờ sẽ bị chi phối và được dẫn dắt bởi các sự kiện trong phim. Nhân vật khờ sẽ không thay đổi thái độ, quan điểm hoặc trở nên thông minh hơn cho đến khi bộ phim kết thúc. Tuy nhiên, sự tác động của anh/cô ta lại làm thay đổi các nhân vật khác. Nhắc đến những gã khờ là chúng ta lại phải quay trở về với những “siêu nhân” trong các bộ shounen. Họ là những nhân vật khá ngốc nghếch, trái ngược hoàn toàn với sức mạnh mà bản thân nắm giữ. Nói vậy không có nghĩa toàn bộ nhân vật chính trong shounen đều “baka”, vẫn sẽ có những người thông minh như Senku trong “Dr.Stone” chẳng hạn. Một nhân vật tiêu biểu cho mẫu chuyện này không ai khác ngoài Monkey D. Luffy trong“One Piece”.
Đúng vậy, Luffy là một thiếu niên rất vô tư và có phần ngốc nghếch. Điều này không có nghĩa là Luffy không thể nhận biết đúng hay sai, không biết cách phát huy sức mạnh của bản thân, chỉ là cậu có suy nghĩ vô cùng lạc quan, hồn nhiên về thế giới, thường hành động bốc đồng, sẵn sàng làm những điều “không thể” và biến nó thành “có thể”, chỉ cần cậu thấy nó hợp với ý mình. Sự khờ khạo của cậu thể hiện rõ nét qua điệu cười shishishi khi được ăn món thịt yêu thích, qua lời khẳng định “Tôi sẽ trở thành Vua Hải Tặc” trong mọi tình huống, cho đến những lần kết nạp thuyền viên bất chấp trước đó họ có lừa gạt hay thậm chí cố giết cậu, hoặc là khi cậu tuyên chiến với Tứ Hoàng Big Mom, Kaido để bảo vệ đồng đội và cả những người không thân thích,... Điều đó thường đưa cả băng Mũ Rơm vào những tình huống dở khóc dở cười, thậm chí là vào nguy hiểm chết người, khiến mọi người chỉ còn biết nhìn thuyền trưởng của mình một cách bất lực. Đến cả anh “Luật” vốn ngầu lòi điềm tĩnh cũng không giữ được cái đầu lạnh trước những hành động của Luffy. Nhưng chính sự ngốc nghếch, vô tư, thích lo chuyện bao đồng ấy lại giúp Luffy có được những người đồng đội thân thiết như gia đình, sẵn sàng sống chết vì cậu. Nó còn tạo nên những khoảnh khắc vô cùng cảm xúc và đáng nhớ trong phim. Và chẳng phải đa số chúng ta đều ấn tượng và yêu quý Luffy vì những nét tính cách ngây ngô, khờ khạo kia sao? Đó chính là sự khác biệt của mẫu chuyện gã khờ mang lại.
Tuy nhiên việc sử dụng mẫu chuyện này cũng như một con dao hai lưỡi. Trêu đùa quá trớn với nhân vật thông qua sự khờ khạo sẽ khiến người xem cảm thấy khá là “cringe”. Thay vì có một nhân vật hay, nó sẽ tạo ra một nhân vật khiến người xem cực kì khó chịu. Ví dụ điển hình ở đây chính là Nobita trong “Doraemon”. Việc đưa một nhân vật được tạo ra chỉ để dựng nên các tình huống dở khóc dở cười thì sẽ không có vấn đề gì đối với các tiêu chuẩn xem phim của trẻ em. Nhưng nếu để những khán giả khó tính nhìn nhận thì chắc chắn đây là nhân vật đáng quên. Vì sao ư? Gần như toàn bộ thời gian bộ truyện, Nobita chỉ tỏ ra mình là một tên ”đại ngốc” (hoặc cũng có thể trái ngược nếu như các thuyết âm mưu về sự “giấu nghề” của Nobita là đúng). Vì thế nên khi Nobita có những khoảnh khắc xuất thần, bật mode “main” để giải quyết những tình huống siêu hại não thì sẽ để lại suy nghĩ trong người xem như kiểu: “Ơ đây là một nhân vật khác à? Nobita mà có những suy nghĩ như thế ư? Tôi không tin!”. Vì thế chúng ta mới có những meme kinh điển về so sánh giữa Nobita truyện ngắn và truyện dài (hoặc bạn cũng có thể cho rằng truyện dài nằm ở một vũ trụ song song nào đó cũng được, đâu ai có quyền cấm bạn tưởng tượng).
⚅ Trên đây, mình cũng chỉ giới thiệu sơ qua 1 vài mẫu chuyện thường được sử dụng trong Anime. Ngoài ra, nhiều tác giả còn kết hợp rất tài tình các mẫu chuyện khác nhau để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Đây là một cách rất hay và mình xin phép hẹn lại chủ đề này ở những lần sau.
Qua bài viết này mình cũng chỉ muốn truyền tải một số kiến thức cơ bản về kịch bản – một thứ đòi hỏi rất nhiều tư duy cũng như tâm huyết của người viết. Nếu như bạn thấy phí nhiều phút đồng hồ chỉ xem một bài viết dài dòng cứng nhắc thì mình thật sự xin lỗi, vì đây là một chủ đề khó có thể thêm quá nhiều tình tiết joke để làm giảm cơn “buồn ngủ” của người đọc. Mọi ý kiến đóng góp xin vui lòng comment bên dưới để mình cải thiện hơn ở các bài viết sau này. Cảm ơn các bạn đã theo dõi. Còn bây giờ thì xin chào và hẹn gặp lại.
Bài viết có tham khảo tài liệu trong cuốn “Giáo trình kỹ thuật viết kịch bản điện ảnh” của tác giả Đào Lê Na
Nhận xét
Đăng nhận xét