[REVIEW VĂN HỌC: SỐ ĐỎ - VŨ TRỌNG PHỤNG]

 


Năm 1932,

Vũ Trọng Phụng đứng trước vành móng ngựa tại phiên toà của chính quyền bảo hộ Pháp. Chúng phán nhà văn trẻ tuổi tội “tổn thương phong hoá”(outrage aux bonnes moeurs). Nguyên nhân là do những gì được mô tả trong tiểu thuyết và phóng sự của anh.

Chân thực quá, đến độ lỗ mãng. Những cái tế nhị như vấn đề tình dục lại được đặc tả một cách loã lồ, thậm chí có những chỗ mạt hạng và vô luân.

Cái trào phúng thì thực cay nghiệt. Một sự chống đối âm thầm. Chính quyền bảo hộ không thể để Vũ Trọng Phụng tự do lột tả cái xã hội mà họ đã cất công tô son đánh phấn.


Vũ Trọng Phụng nhìn những người Pháp mà anh thần tượng. Đại diện của một chế độ tự do, bình đẳng, bác ái. Cái chế độ đã cho anh được hưởng nền giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ một cách miễn phí, nhờ đề xướng của Toàn quyền Albert Sarraut.

Phán quyết chưa được đưa ra, nhưng dù thế nào thì sự nghiệp của anh cũng sẽ sớm gặp nhiều trắc trở. Nhà Vũ Trọng Phụng còn bà nội và mẹ già. Họ đều dựa cả vào ngòi bút của anh.


Chủ trương văn học tả chân sẽ còn làm Vũ Trọng Phụng khốn khổ hơn nữa. Nhưng anh không thể viết khác. Anh không thể chạy theo những mốt văn chương đang thịnh.

Anh không thể sống một ngày giữa cái Hà Nội thời thuộc địa đang “Âu Hoá” mà không nghe, không thấy những cái nhốn nháo, lừa lọc và sa đoạ.

Hà Nội thời thuộc địa không giống như những gì mà người Pháp đang tô vẽ. Nó không mang những nét tốt đẹp của nền văn hoá Pháp mà Vũ Trọng Phụng luôn thần tượng. Nó cũng không còn là Hà Nội cổ kính của một thời đã qua. Nó đã trở thành một thứ quái thai, nơi tập hợp của những con người kệch cỡm, quay cuồng trong tấn trò đời dở khóc dở cười.

Anh sẽ không ngưng viết về cái xã hội thuộc địa bệ rạc xung quanh mình.


Năm 2020, 

Lần lượt điểm lại những tài liệu được soạn để viết bài review “Số Đỏ”, mình lướt qua tiểu sử của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939). Ông chật vật kiếm sống tại Hà Nội suốt 27 năm ngắn ngủi của cuộc đời mình. Gánh vác bà nội và mẹ già. Thế nhưng Vũ Trọng Phụng đã không chọn cho mình một con đường văn chương bằng phẳng và dễ dãi. Ông nhạy cảm với những sa ngã, giả dối và bất công của xã hội đương thời. Các tiểu thuyết và phóng sự của ông lột tả những cái rởm đời và hạ lưu, ẩn sau những mĩ từ như “Phong trào bình dân”, “Tiến bộ”, “Phong hoá”. Những cái có thực mà Vũ Trọng Phụng mô tả làm cả những đồng nghiệp của ông cũng phải khó chịu. 

Vũ Trọng Phụng đã không chọn thái độ im lặng trước những cái thối nát. Kể cả khi lựa chọn đó khiến ông phải chịu một đời kham khổ. 


Cái hiện thực trong mắt Vũ Trọng Phụng đã cay nghiệt đến mức nào để khiến ông phải bất chấp thiếu thốn để viết về nó? 

Câu trả lời là, xã hội “bình dân” của Hà Nội thời bấy giờ đang lên đồng dưới chiêu bài “Âu hoá”. Mọi luân thường, đạo lý đều dễ dàng được cởi bỏ trước sức mạnh của kim tiền. 

Hãy cùng mình mở ra tiểu thuyết “Số Đỏ”, tác phẩm dễ đọc nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng mà đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” đã được đưa vào SGK Ngữ Văn 11. Chúng ta sẽ được thấy một Hà Nội trước Cách mạng đang đảo điên trước con mắt của Vũ Trọng Phụng.


Nhân vật chính của tiêu thuyết “Số Đỏ” là Xuân Tóc Đỏ xuất hiện ở vị trí một tay nhặt bóng. Một tên du đãng kiếm sống bằng đủ thứ nghề lặt vặt trên đường phố Hà Nội. Cái biệt hiệu “Xuân Tóc Đỏ” được đặt nhờ mái tóc cháy nắng của hắn, trông như tóc Tây. Trong cả tác phẩm, Vũ Trọng Phụng đã gọi Xuân Tóc Đỏ bằng đại từ “hắn” và “nó”, những từ dùng để gọi những kẻ ngoài lề, kém đạo đức. Và Xuân Tóc Đỏ thực sự là một kẻ chẳng có chút đạo đức hay liêm sỉ nào. 

Hắn được mô tả như một kẻ dâm ô, chuyên rình mò phụ nữ trong phòng thay đồ và nhà tắm. Khi tiếp xúc với những người phụ nữ khác, hắn luôn miệng buông ra những câu cợt nhã thô thiển. Không những vậy, hắn còn là một kẻ lười lao động. Suốt quãng thời trai trẻ, Xuân Tóc Đỏ chỉ làm “vài ba nghề tiểu xảo” như bán phá xa, bán cao, chạy hiệu rạp hát. Những cái nghề không làm ra một sản phẩm hữu ích hay đem đến một tay nghề thành thạo, cũng chẳng nặng nhọc gì. Hắn không coi trọng sự lao động nhưng luôn mơ một ngày mình sẽ là một danh nhân được người người trọng vọng. 

Một xã hội văn minh sẽ không cho phép một kẻ như vậy được bước vào các khu vực công cộng, chứ đừng nói là được vinh danh. Ấy thế mà trong tiểu thuyết “Số Đỏ”, hay trong Hà Nội Đông Dương, một kẻ lưu manh như hắn sẽ sớm được trọng vọng và nhận được sự vinh danh của chính quyền. Toàn bộ tiểu thuyết “Số Đỏ” sẽ đi theo quỹ đạo tương tự, khi kẻ lưu manh được tôn làm thánh nhân, khi lẳng lơ được coi là trinh tiết, cái đồi bại được coi là văn minh, và mọi cung bậc giá trị đều đảo lộn.


Cuộc đổi đời của Xuân Tóc Đỏ khởi đầu tại tiệm may Âu Hoá của gia đình Văn Minh, một hiệu may nội y phụ nữ. Nhờ một sự tình cờ mà hắn đã được mời “dự phần vào công cuộc cải cách xã hội” của hiệu may. 

Công việc quan trọng của hắn tại đây là quảng bá các tư tưởng tiến bộ về cái đẹp của phụ nữ và giới thiệu những mốt nội y tân thời (hay nói cách khác là bán hàng). Tại đây hắn vỗ ngực tự giới thiệu rằng mình có bổn phận quyết định sự văn minh của quốc dân. Cái văn minh được Xuân Tóc Đỏ quảng bá gói gọn trong cái quyền được ăn mặc hở hang của chị em phụ nữ theo lối tân thời. Sự trái ngoáy của cái khái niệm “văn minh” ấy được thể hiện rõ ở bộ trang phục khiêu dâm với cái tên Ngây Thơ, cùng quan điểm của ông chủ Văn Minh “chỗ tận thiện tận mỹ, thì nghĩa là y phục phải không còn... che đậy cái gì của người đàn bà nữa!” Theo chủ nhân của hiệu Âu Hoá, những cái gì thật nhố nhăng thì mới là tiến bộ, văn minh.

Cái rởm đời không chỉ dừng lại ở những bộ  nội y, mà còn ở tính đạo đức giả của người tạo ra chúng: quý ông Typn (Tôi Yêu Phụ Nữ, đọc là Tuýp Phờ Nờ). Ông ta đăng báo kêu gọi phụ nữ ăn mặc hở hang kiểu cách nhưng cấm tuyệt không cho vợ mình làm theo. Ông hùng hồn đưa ra một tuyên bố đi vào lòng người  rằng:

“Khi người ta cổ động đàn bà thì phải biết là cũng có năm bảy thứ đàn bà! Khi người ta nói phụ nữ... là nói vợ con chị em người khác, chứ không phải vợ con chị em của ta!“

Đến đây người đọc mới bật cười vì nhận ra chiêu bài văn minh tiến bộ thực chất chỉ là  phương sách đánh vào túi tiền của những người nhẹ dạ cả tin. Kết luận ấy khiến một tay thạo đời như Xuân Tóc Đỏ cũng ngẩn ngơ cả người.


Từ cái giả dối của con buôn, Vũ Trọng Phụng tiếp tục vạch mặt cái vô đạo diễn ra tại không ít những gia đình thượng lưu của Hà Nội xưa. Tác giả giới thiệu bà Phó Đoan, một me Tây dâm đãng (me Tây: người phụ nữ lấy chồng Tây) Nấp sau sự chừng mực của một goá phụ và khuôn mặt bự phấn, bà luôn khiêu khích cho Xuân Tóc Đỏ lang chạ với mình. Chủ đề tình dục trong văn của Vũ Trọng Phụng được nhấn mạnh trong những đoạn có sự xuất hiện của bà Phó Đoan, một kẻ ham mê tình dục tột độ. Vấn đề tính dục trong văn của ông không bí ẩn và đầy đam mê, mà là sự thoả mãn cái thú tính một cách thô thiển. Bà Phó Đoan cũng như Xuân Tóc Đỏ đều sẵn sàng gạ tình bất kỳ ai vừa mắt, lúc công khai lúc giấu giếm. Họ không thiết tới địa vị hay các mối ràng buộc của xã hội. Tất cả chỉ để thoả mãn phần con trong mình.

Chủ đề tình dục đã tục tĩu, chủ đề tình yêu trong Số Đỏ cũng chẳng hề trong sáng. Điều đó được thể hiện qua tấm gương “bán xử nữ” của cô Tuyết, một thành viên khác trong dòng họ nhà Văn Minh, người đã phải lòng chàng Xuân khéo ăn nói. Chữ “bán xử nữ” ở đây được Tuyết giải thích là “còn trinh một nửa”. Tức là cô nàng sẽ đi cùng  Xuân Tóc Đỏ đến các chốn ăn chơi để mang cái tiếng hư hỏng cho hợp thời, cho có vẻ Tây. Nhưng nàng tuyệt đối sẽ không trao thân cho Xuân trước khi cưới. Vậy là vừa hư hỏng đúng mốt, vừa giữ được cái mác trinh bạch. 

Cô Tuyết lấy cái danh đó làm niềm tự hào, khi cho người đàn ông mới gặp là Xuân xoa ngực mình. Như một khách hàng sành sõi kiểm thử một món hàng vừa lọt vào mắt xanh.


Từ chủ đề ái tình, Vũ Trọng Phụng chuyển sang vạch mặt những thủ đoạn của người trong gia đình với nhau trước sức cám dỗ của đồng tiền. Ông vạch ra âm mưu giết hại cụ cố Hồng của những thành viên trong dòng họ nhà Văn Minh. Vâng, các bạn không hề đọc sai. Những người này không thể chờ cho cụ cố nhắm mắt xuôi tay để hưởng phần thừa kế là “lợi tức của mấy chục nóc nhà”. Chúng kháo nhau đi mời một tay lang băm để đầu độc ông cụ. Chúng cần một kẻ có khiếu thuyết phục và một chút hiểu biết về thuốc thang. Không một ai có thể đáp ứng yêu cầu đó tốt hơn ông đốc Xuân (đốc tờ: doctor- bác sĩ). Hắn được ông Văn Minh giới thiệu như một sinh viên y khoa, sau khi nhại lại các phương thuốc lậu mà mình từng đi rao bán một cách thành thục. Và như thế, từ một thằng thổi loa bán thuốc lậu, Xuân Tóc Đỏ đã được cất nhắc lên thẳng chức y sĩ, nhờ âm mưu sát nhân của dòng họ nhà Văn Minh. Đây chính là tiền đề để dẫn đến cảnh đám tang lố bịch trong trích đoạn “Hạnh phúc của một tang gia” trong sách giáo khoa. Một cái đám tang mà trong đó ai cũng được sung sướng, đến mức nở mày nở mặt. Khi đọc những đến phần này, mình hoàn toàn không thấy có gì là phóng đại trong ngòi bút của Vũ Trọng Phụng. Những chuyện tương tự diễn ra trên khắp đất nước Việt Nam, ngay cả trong thời hiện đại. Có chăng là trong Số Đỏ người đọc được thấy điều đó bị tác giả châm kích một cách thật cay nghiệt.


Hệt như nhân vật Vi Tiểu Bảo, hoạn lộ của Xuân Tóc Đỏ thật thênh thang. Từ một kẻ vô giáo dục, vô liêm sĩ, hắn đã trở thành nhà tiên phong của công cuộc cải cách văn hoá; một ông đốc tờ và là nhân vật quan trọng của một gia đình quyền thế. Tất cả xuất phát từ lòng ham mê danh lợi đến mức vô luân của dòng họ nhà Văn Minh.


Tâm lý chung của một gia đình thượng lưu trong truyện xét ra cũng không khác mấy một tên đầu đường xó chợ như Xuân Tóc Đỏ. Họ đều là những kẻ cơ hội, vừa dâm ô lại vừa ham mê danh lợi đến bất chấp luân thường đạo lý. Trong mắt Vũ Trọng Phụng, những hạng người như vậy là những người mang Số Đỏ. Họ không xứng đáng với của cải và quyền lực mà mình sở hữu. Nhưng vì sự đổi thay của thời cuộc và dựa vào một vài tiểu xảo, những người này lại trở thành bậc thượng lưu của xã hội thuộc địa.


Khi truy đến ngọn nguồn, người đọc nhận ra những định chế đã tạo nên cơ hội đổi đời cho những Xuân Tóc Đỏ trong truyện và ngoài đời. Đó chính là bộ máy cai trị thuộc địa của người Pháp tại xứ Đông Dương thời bấy giờ.

Xuất hiện đầu tiên là các nhân viên sở Cẩm (cảnh sát). Các viên chức này được mô tả như những kẻ vô công rỗi nghề. Trong những phút rảnh rỗi, họ thi nhau than thở rằng người dân văn minh quá, tuân thủ pháp luật quá tốt nên sở Cẩm không bắt được ai để biên phạt (!!??) Mỗi khi bắt phạt được người vi phạm thì “nhân viên sở cẩm sướng như trúng số độc đắc” (!!???) Nguyên do của sự trái ngoáy ấy là do Sở cảnh sát trung ương đã đặt chỉ tiêu 5 nghìn bạc tiền phạt. Một thứ thành tích hoàn toàn vô nghĩa khi mục đích tồn tại của cơ quan cảnh sát là nhằm giữ vững trật tự trị an, chứ không phải một thứ công cụ kiếm tiền. 

Nhưng điều đó có gì là lạ, vì đó chính là mục đích của người Pháp tại Đông Dương. Vũ Trọng Phụng hiểu rõ rằng tuy văn hoá Pháp là một nền văn hoá đáng ngưỡng mộ, nhưng người Pháp cai trị Việt Nam để khai thác và kiếm lợi. Chính vì điều đó mà nảy ra phong trào bình dân, Âu hoá, cải cách. Tất cả là để kéo thật nhiều người vào cơn say đua đòi hoang phí để làm lợi cho các nhà tài phiệt.


Cái kệch cỡm của bộ máy cai trị được đẩy lên đỉnh điểm trong cuộc tranh tài quần vợt của Xuân Tóc Đỏ ở cuối truyện. Bằng miệng lưỡi và thủ đoạn, Xuân Tóc Đỏ đã được trọng vọng như một bậc “giáo sư quần vợt” và được cử đi tranh tài với quán quân của Xiêm La (Thái Lan). Giữa lúc trận đấu đang diễn ra, Đức Vua Xiêm có mặt tại sân đã phẫn nộ ra mặt khi thấy tài tử của nước mình bị áp đảo. Ông ta ra hiệu rằng Xiêm La sẽ gây chiến với Việt Nam nếu quán quân Xiêm La thua cuộc. Vì lẽ đó mà thất bại của Xuân Tóc Đỏ lại nghiễm nhiên được coi là một hành động anh hùng, khi hắn dám hy sinh vinh quang cá nhân vì hoà bình dân tộc (!!???)

Vũ Trọng Phụng không chỉ đả kích bộ máy cai trị Pháp mà còn đả kích cả chế độ quân chủ chuyên chế, khi mà chỉ một sự khó chịu nhỏ của người đứng đầu là đủ quyết định sinh mạng của những người thấp cổ bé họng. Sự văn minh và tiến bộ, hay nghèo đói và lạc hậu của một quốc gia đều được quyết định bởi ý muốn nhất thời của một con người quyền uy tuyệt đối, không ai có thể ngăn cản được.

Tác phẩm khép lại với vinh quang tột đỉnh của Xuân Tóc Đỏ và gia đình nhà Văn Minh, cùng những người đã theo hắn “dự phần vào công cuộc cải cách xã hội”. Tất cả họ đều là những con người có Số Đỏ trong xã hội thời thuộc địa. Tất cả họ đều là những con rối nhảy nhót trong tấn trò đời dở khóc dở cười do thực dân Pháp sắp đặt. Trong đó mọi thứ nguyên tắc và những giá trị làm nên con người Việt Nam, mọi cơ sở đặt nền móng cho sự văn minh đều được xem như ánh đèn màu mờ ảo, bật tắt tuỳ thích. Chỉ nhằm phục vụ cho tấn tuồng của những người mang cái Số Đỏ đáng hãnh diện.


Thành phố Hà Nội trong văn của Vũ Trọng Phụng thuộc về một thời đã xa. Thực dân Pháp và các thế lực xâm lược đã rút khỏi Việt Nam từ lâu. Nhưng cái dáng dấp của những người mang Số Đỏ vẫn còn ẩn hiện trong xã hội của ngày hôm nay. 

Khi mình nhìn chân dung của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, mình chỉ thấy hình ảnh của một con người khổ sở vì thiếu thốn. Ông đã chọn một cách sống quá thanh bạch, cùng một lối viết quá thẳng thắn. Với vốn hiểu biết về tâm lý con người và xã hội nói chung của bản thân, Vũ Trọng Phụng hoàn toàn có khả năng gia nhập đoàn người mang Số Đỏ trong mình. Ông chỉ việc viết bài ca ngợi thực dân Pháp, cổ động các mốt Âu Hoá và Tiến Bộ trong văn chương và trong xã hội. Vậy là đủ để sống một đời khiêm nhường bên bà nội và mẹ già. Thế nhưng ông đã chọn việc vạch rõ sự thật của xã hội thuộc địa đầy sa đoạ và giả tạo, bằng một chất giọng trào phúng có một không hai trên văn đàn. 

Vũ Trọng Phụng mất đi khi còn quá trẻ vào năm 1939, hưởng dương 27 tuổi. Ông đã rút cạn sinh lực của mình để viết. Và vì thế mà gia tài văn chương của ông vừa đồ sộ vừa đáng để khám phá.

Tiểu thuyết Số Đỏ, Vỡ Đê, Giông Tố, Làm Đĩ,...

Phóng sự Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Lục xì,...

Đều là những tác phẩm đáng đọc và được mình đánh giá là rất hay, vì nó cho thấy một Hà Nội thời thuộc địa đầy thực tế, bụi bặm và khắc nghiệt. Chúng mô tả cuộc sống của giới bình dân thứ thiệt, chứ không phải những cậu ấm cô chiêu rửng mỡ trong Số Đỏ. 

#Anthony










Nhận xét

Bài đăng phổ biến