OYASUMI PUNPUN: LÀ GIAM CẦM, HAY TRA TẤN?
Có vẻ như nhiều người đã và đang đánh giá sai những gam màu trầm và nặng trĩu của Oyasumi Punpun.
Inio Asano đã gây được tiếng vang với Punpun. Phải, nếu có ai đó hỏi bạn về một manga "dark, deep, depressing" thì có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến bộ manga này nếu bạn đã từng đọc nó. Tuy nhiên, có nhiều reviews phóng đại hoặc cố tình diễn giải sai về các "sadness" trong Oyasumi Punpun. Nó không hề "destroy you inside" như nhiều người hay nói.
Đương nhiên, không thể phủ nhận rằng những cái thông điệp mà Punpun mang lại hầu hết đều ẩn chứa những ý nghĩa rất tăm tối, và thành thực mà nói, Punpun là bộ "depressing manga" mà mình thích nhất. Tuy nhiên, để nói rằng "Punpun destroys you inside" hoặc tương tự, thì chắc chắn là một câu phóng đại kệch cỡm, và thường kèm theo một vài những warning cũng giả trân không kém, đại loại như là "do not read this manga." Đương nhiên, quan niệm của mình trái ngược hoàn toàn với những điều trên. Và mình sẽ kể cho các bạn nghe vì sao.
Nếu bạn đọc Punpun với tư cách là một người chưa từng nghe qua các lời đồn thổi về nó, sẽ có hai cách mà bạn tiếp cận với manga này. Đầu tiên là bạn nhận ra phông nền của bộ truyện là khá tối, và bạn đọc liên tục xem diễn biến nó sẽ ra sao mặc dù bạn cảm thấy nó không phải là thứ mình thích, thậm chí có người còn gắng đọc dù nó thực sự ảnh hưởng đến tâm lí và hoạt động não bộ của họ. Và nếu không phải như thế, thì đây là cách tiếp cận thứ hai: bạn nhanh chóng nhận ra phông nền nặng nề của bộ truyện, đọc đến một đoạn và cảm thấy mình không muốn tiếp tục dấn sâu vào những thứ tăm tối của nó, rồi bỏ ngang hoặc để đấy quay lại sau.
Vậy vấn đề ở đây là gì? Vấn đề ở đây là dù có tiếp cận kiểu gì, các bạn cũng sẽ nhận ra cái "khó nuốt" trong đó khá sớm. Việc đưa khán giả vào vũng lầy nội tâm đen tối cùng với việc tiết lộ những cái struggle của các nhân vật ngay từ đầu, khiến cho độc giả trở nên quen dần với theme của bộ truyện. Cách dẫn nhập này giống như một người ngâm mình vào độc để kháng độc, hoặc ít hoa mỹ hơn thì cũng là mưa dầm thấm lâu. Nó không có những đoạn twist sẽ làm khán giả sốc đến tận óc, và "break your heart", miễn là bạn theo kĩ diễn biến. Những nỗi buồn mà Punpun mang lại không mang tính đột ngột, và dường như người đọc luôn được chuẩn bị sẵn cho những climax mang tính bước ngoặc. Tâm lí chuẩn bị sẵn không có nghĩa là không bị ảnh hưởng, mà chẳng qua đó là việc chúng ta tiếp nhận những climax, những diễn biến này theo một chiều hướng khác so với những cú twist chóng mặt và gây shock. Đương nhiên, có thể sẽ có những bạn không đồng ý với mình, và khẳng định rằng Punpun luôn gây sốc tâm lý trong các climax ấy. Nhưng mình đảm bảo nếu bạn không binge qua nó một cách hời hợt, bạn sẽ không gặp vấn đề như vậy. Còn nếu bạn đã nghe qua được những lời miêu tả Oyasumi Punpun, thì lại càng có tâm lí chuẩn bị. Đơn giản là thế. Việc Inio Asano cho độc giả quen dần và nhanh chóng với những cái đen tối của bộ truyện, khiến cho Oyasumi Punpun không hề gây shock như nhiều lời đồn thổi.
"Pain is torture"-"No, pain is a prison". Cái cách mà nhiều người mô tả Punpun khiến mình cảm thấy như họ đang thuật lại một màn tra tấn độc giả bằng nỗi buồn của tác giả Asano, như thể nó là một cái gì đó liên tục đánh mạnh vào tâm lí độc giả. Nhưng thực chất, người đọc sẽ trải nghiệm Oyasumi Punpun khi bị "giam cầm" trong nội tâm của các nhân vật, cùng với một bầu không khí ngột ngạt ở những đoạn nhất định. Cái cảm giác "không lối thoát" mà Punpun tạo ra chính là những cái mà bạn cần lưu ý và cảm nhận. "Nếu tôi là Punpun, tôi sẽ làm gì?"- kiểu giam lỏng tâm lý người đọc vào vị trí của Punpun là cách mà Inio Asano chọn khi ông muốn đưa ra các tình huống cho Punpun xử lí. Đương nhiên không phải lúc nào bạn cũng phải đặt mình vào vị trí của Punpun, nhưng việc bạn bị khoá chặt vào chuyện suy nghĩ thay cho Punpun chính là hiệu ứng khiến mình khẳng định rằng "Punpun destroys you inside" là câu phóng đại đến mức kệch cỡm, vì một lí do đơn giản: đó không phải là cái mà tác giả nhắm đến.
Nói chi tiết hơn thì yếu tố này giống với các "chi tiết bị phân tích thái quá" trong các tác phẩm anime/manga/LN/VN. Nhiều người bảo những bài phân tích sâu đơn thuần là "suy bụng ta ra bụng người", khi họ đang cố gắng lí giải ý nghĩa của từng chi tiết nhỏ nhất. Nhưng nếu tác giả không có chủ ý đưa những ý nghĩa đó vào, thì các chi tiết đó sẽ không có những yếu tố đó. Hay nói cách khác, nếu bạn không muốn đề cập đến một luận điểm và chi tiết nào đó trong các tác phẩm của bạn, thì luận điểm và chi tiết đó sẽ không tồn tại. Tương tự với điều này, nếu Inio không có ý định "break your heart", thì cái yếu tố đó không tồn tại trong Oyasumi Punpun. Để giúp các bạn hiểu rõ ý của mình hơn, thì ở Oyasumi Punpun cũng như mọi tác phẩm có một cái "flow" nhất định, và nếu tác giả không hề có chủ đích đưa tác phẩm theo một hướng nhất định đối với độc giả, thì không thể nào tồn tại một yếu tố như thế trong một bộ truyện/anime.
Nếu có bạn nào đã từng xem qua được trọn bộ phim "Belladonna of Sadness" của tác giả Osamu Tezuka và studio Mushi Pro, bạn có thể thấy điểm tương đồng về cách mô tả nỗi buồn, và cái cách truyền đạt nó đến khán giả. Nét tâm lí chủ đạo mà cả hai đều dùng đó là sự bất lực và sự cực hạn (desperation and extremity). Cả hai nhân vật chính đã giải quyết vấn đề của mình theo những cách rất extreme, và chính các vấn đề cũng có những phông nền tối tăm đạt đến những cái cực hạn như vậy. Mushi Pro xử lí những điều này về mặt hình ảnh một cách đầy ẩn dụ và có sự phóng đại rõ rệt về mặt cảm giác, trong khi Inio Asano đi theo con đường an toàn hơn và xử lí kiểu cổ điển: xây dựng nội tâm và diễn biến gần với thực tế nhất có thể. Bởi vì càng gần với thực tế, các mangaka/writer càng có nhiều tư liệu tham khảo. Mặc dù vậy, trong Oyasumi Punpun lại là một hỗn hợp của những thứ rất khó xảy ra cùng lúc ở đời thực được viết để xảy ra cùng lúc trong manga. Điều khiến cho Punpun không thể mang tính chất gây nội thương cho tâm lí người đọc chính là việc hoàn cảnh của Punpun rất khó liên hệ. Nếu so sánh thoáng thì cách mà Inio Asano hoạch định ra những cái struggle của các nhân vật chính là thái cực đối diện với phong cách của Shinji Nojima trong Wonder Egg Priority. Việc khiến cho Punpun cùng với những thứ bao quanh cậu ta khó hiểu, khó liên hệ cũng chính là lí do mà Oyasumi Punpun có thể cầm tù được độc giả một cách hiệu quả như vậy.
Một chi tiết nữa cho thấy việc giam cầm này, đó là việc Punpun trong manga không có bong bóng thoại. Dĩ nhiên trong "tù" thì gần như tuyệt giao với thế giới bên ngoài rồi. Cái cách mà Punpun trông rất vô tư lự với hình dạng của mình khiến việc thêm bong bóng thoại vào sẽ làm mất hay. Thực ra mình có đang phân tích thái quá cách sử dụng này? Có lẽ là có. Nhưng việc Punpun và Narrator dường như dẫm chân lên nhau cho ta cảm giác như Punpun đang trực tiếp kể lại câu chuyện của cậu ta cho người đọc. Và có lẽ bạn sẽ khó mà bị xúc động mạnh khi một người đang tù tì kể chuyện cho bạn nghe, nhỉ? Giống như nếu mình đọc The Snow Queen của Andersen vào tai bạn, cũng khó mà khiến cho bạn phải cảm thấy shock ngay tại chỗ, dù ở trong câu chuyện đó có những yếu tố ám ảnh được độc giả.
Vậy, ngoài nó ra, Oyasumi Punpun còn có những gì?
Có một dàn nhân vật phụ trợ khác khiến cho bộ manga này không hoàn toàn kể về Punpun, và diễn biến nội tâm đen kịt của Punpun không hoàn toàn lấp đầy hết câu chuyện. Có những đoạn rất ấm lòng và wholesome, và có những đoạn buồn cười để giải trí...
Và sự xuất hiện của Sachi đã hoàn toàn ghìm được những ảnh hưởng tiêu cực của Punpun xuống. Punpun như một cái hố đen, ai lại gần sẽ bị nuốt chửng bởi sự tiêu cực của hắn, trừ Sachi - một cô gái mạnh mẽ. Cô không bị Punpun hút vào cái hố đen do nội tâm của cậu ta tạo nên, trái lại, Sachi chính là người cho Punpun cảm thấy rõ nhất chính cái ảnh hưởng tiêu cực của bản thân. "Gậy ông đập lưng ông", có lẽ vậy. Bản chất của Sachi là yếu tố thêm vào để khiến Punpun có cái kết tồi tệ nhất cho bản thân: bị giam cầm trong chính tội lỗi và hối tiếc của mình. Tuy nhiên Sachi đã trở nên quan trọng hơn thế - cô trở thành một hình mẫu của những người tự lập và có chính kiến cùng với tâm lí vững vàng, một type nhân vật rất hợp với cách mà Oyasumi Punpun được xây dựng. Sachi có những rắc rối riêng của cô ấy, nhưng nó không khiến Sachi bị giam lỏng vào tuyệt vọng như Punpun. Thực ra mà nói, nhân vật Sachi này không có gì để đi quá sâu nếu như đang phân tích một mình cô, nhưng cô lại có ảnh hưởng lớn trong câu chuyện và đôi khi cái cửa to cỡ nào cũng chỉ cần một cái chốt là đủ. Sachi chính là cái chốt ấy.
Còn Aiko chính là chốt mềm của cánh cửa mà tác giả dùng để đóng lại câu chuyện này. Sachi lại chính là chốt khoá. "Ẩn dụ gì thế"- có lẽ bạn đang tự hỏi. Thực ra nó chẳng có gì cả, vì các "kết thúc" của Punpun xoay quanh hai cô gái này, tựa như việc đóng cửa thì sẽ có chốt mềm và chốt khoá vậy. Aiko kết thúc hi vọng và "will to live" của Punpun, nhưng câu chuyện vẫn tiếp diễn và Punpun có đầy đủ sự tự do từ thể xác đến tâm trí, còn Sachi mới là người khoá chặt nội tâm của Punpun ở trạng thái hối lỗi, luôn cảm thấy mình là tội đồ. Tưởng chừng Punpun đã có được sự giải thoát, nhưng thực chất Punpun lại càng bị giam chặt hơn. Hắn không được phép cảm thấy muốn trốn chạy, không được phép cảm thấy mình được tha thứ. Hắn chỉ có thể ăn năn và cảm thấy tội lỗi mà thôi. Khoá chặt quyền được cảm thấy những cảm xúc khác ngoài những thứ sẽ dày vò mình, đó là cái tính "chốt" của Sachi.
Vậy, "Do not read this manga"..?
Không, bạn nên đọc, rất nên đọc dù nó không phải gu của bạn. Vì Punpun không phải đơn thuần là về một thằng trầm cảm khiến cả thế giới trầm cảm. Nó đá sang tôn giáo, đá sang nghệ thuật, lên án những thủ đoạn truyền giáo (cái mà Việt Nam cũng vừa có không nhiều năm trước) và lên án bạo hành. Nó lên án vấn nạn tiếp xúc với những cái đồi trụy quá sớm, và lên án rape culture. Nó không đào sâu một cách chuyên biệt trong từng vấn đề, nhưng "the atmosphere" của truyện luôn có một đặc trưng là gợi được cảm xúc người đọc qua những đoạn như thế. Bạn không cần phải tự relate, cái nào liên hệ được thì nó sẽ liên hệ với bạn. Một mối quan hệ khá đảo chiều khi mà các nhân vật trong Oyasumi Punpun còn "thực" và "3-dimensional" hơn cả bạn lúc bạn đang chìm vào câu chuyện mà nó mang lại, khi họ là người tạo ra câu chuyện còn bạn thì khó làm gì khác ngoài lắng nghe và theo dõi như thể mình bị xích vào cái mạch truyện ấy. Nhưng không những thế, mà những cái như tình bạn, khó khăn công việc và bad habit cũng được động đến. Nói là Oyasumi Punpun làm hơi qua loa các vấn đề không liên quan đến Punpun thì hơi sai, vì thứ nhất là chúng lại dính dáng đến Punpun nhiều hơn bạn nghĩ, và thứ hai là phần đào sâu nó được thể hiện qua hình ảnh chứ không phải lời thoại của nhân vật hay narrator. Mạch truyện được phân nhánh gãy gọn và hợp lí khiến nó không hay đi xa bờ như là One Piece và độc giả vẫn sẽ có những cái nhìn bao quát nhất về những diễn biến trong câu chuyện.
Vậy, làm sao để đọc Punpun mà không bị ảnh hưởng quá tiêu cực?
Oyasumi Punpun là một manga mà tùy theo tâm trạng của bạn, nó sẽ ảnh hưởng đến bạn với những mức độ khác nhau. Nói như thế chắc bạn cũng có thể hiểu là bản thân mình phải trang bị một tâm lý sẵn sàng, đã biết được đây không phải là một bộ manga dễ nuốt trôi, và nên hạn chế đọc quá nhiều khi tâm lý thiếu ổn định. Ngoài ra, bạn thật sự không nên đọc lướt tác phẩm này vì nó sẽ chỉ làm bạn có khả năng bị confused, không hiểu đầy đủ tình cảnh xung quanh câu chuyện và sẽ tạo ra những sự ngộ nhận sai lầm như mình đã phân tích. Ngoài ra thì, đối với trải nghiệm của mình, vừa đọc vừa nhâm nhi một tách cà phê là một cách rất phù hợp để "tận hưởng" Oyasumi Punpun
A đọc xong tôi muốn treo cổ
Trả lờiXóaGì mà ghê thế, ending còn happy chán.
Xóavấn đề là punpun chưa chắc đã được giải thoát, vì punpun muốn chết, đơn giản vậy thôi, nhưng cuối cùng punpun vẫn sống? vậy thì punpun có hạnh phúc thật sự hay không?
XóaKhi tôi đọc đến chap 145, tôi nhận ra một phần bên trong mình cũng chết theo. Mặc dù tôi không có bệnh gì về tâm lý, nhưng tôi là một người khá nhạy cảm, thần kinh yếu nên đọc xong bộ này tôi đã khóc nguyên 1 tuần sau đấy. AA.. vẫn nhớ cảm giác kiệt sức nhưng không thể ngủ vì đau đầu do khóc quá nhiều.
Trả lờiXóa