Lưu ý cực mạnh, các bạn không nên xem Fate/Zero trước Fate/Stay Night, và chỉ nên đọc bài viết này khi đã hoàn thành Fate/Stay Night.
Vào ngày 30 tháng 1 năm 2004, sản phẩm đánh dấu bước chuyển mình của TYPE-MOON từ một hãng làm doujinshi sang một công ty thương mại – Visual novel Fate/Stay Night đã chính thức được công bố trên thị trường. Tác phẩm lấy bối cảnh tại thành phố giả tưởng Fuyuki – Nhật Bản, nơi diễn ra thứ được gọi là Cuộc Chiến Chén Thánh. Trong đó, 7 vị Masters (Pháp sư) sẽ quyết đấu sinh tử với nhau dưới sự trợ giúp đến từ 7 Servants (Anh linh được Masters triệu hồi) là những nhân vật trong lịch sử; được chia làm 7 trường phái riêng gồm Saber, Archer, Lancer, Rider, Caster, Assassin và Berserker. Người cuối cùng còn sống sót trong trận chiến sẽ có cho mình thứ bảo vật toàn năng – Chén Thánh và được nó ban cho một điều ước.
|
Visual Novel Fate/Stay Night gồm 3 tuyến truyện gồm Fate, Unlimited Blade Works và Heaven's Feel. |
Nhờ sở hữu cốt truyện đồ sộ, dàn nhân vật có chiều sâu, âm nhạc xuất sắc cùng nhiều yếu tố nổi bật nữa mà rất nhanh chóng; Fate/Stay Night thu về vô vàn đánh giá tích cực từ cộng đồng, trở thành tựa visual novel bán chạy nhất 2004 và đồng thời đã tự ghi tên mình vào danh sách những tựa game visual novel tiêu biểu. Nhưng vẫn không dừng lại tại đó, vẫn có hàng loạt những tác phẩm Fate khác được sinh ra sau Fate/Stay Night và hầu hết đều thu về thành công to lớn, tiêu biểu trong đó vào năm 2006 có Fate/Zero. Đây là một bộ light novel gồm 4 tập (Bản này là do TYPE-MOON cùng công ty Nitroplus phát hành, bản Kodansha và cũng là bản về Việt Nam do IPM phát hành thì là 6 tập) được sáng tác bởi Gen Urobuchi, lấy bối cảnh 10 năm trước những sự kiện của Fate/Stay Night và xoay quanh Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ IV.
5 năm sau khi Fate/Zero ra mắt tức năm 2011, studio anime Ufotable đã quyết định chuyển thể bộ light novel này và đem nó đến với khán giả đại chúng thông qua màn ảnh nhỏ. Mình là một trong những người đã xem bản chuyển thể này và thực sự, thực sự rất ấn tượng với nó đến mức viết cả một bài review đăng trên page. Khổ nỗi trình văn và cảm thụ của mình ngày đó chưa được tốt nên bài review ấy vẫn chưa thực sự nói được lên tất cả những gì mình muốn nói, muốn chia sẻ về Fate/Zero. Nên mình đã quyết định xem lại Fate/Zero và đồng thời sẽ viết lại hoàn toàn một bài review khác cho nó, cũng trùng hợp thay chính là bài viết các bạn đang đọc đây. Bây giờ thì thôi không dài dòng nữa, hãy cùng đến với Fate/Zero nào!
Tên tác phẩm: Fate/Zero - フェイト/ゼロ.
Nguyên tác: Gen Urobuchi (Light Novel).
Thể loại: Hành động, kì ảo, pháp thuật, chính kịch, bi kịch.
Biên kịch: Akira Hiyama, Akihiro Yoshida, Gen Urobuchi.
Âm nhạc: Yuki Kajiura, LiSA, Eir Aoi, Kalafina, Luna Haruna.
Năm ra mắt: 2011 (Season 1), 2012 (Season 2).
Thời lượng: 25 tập (13 tập season 1 cùng 12 tập season 2).
Điểm số tham khảo tại My Anime List: 8.35 (Season 1), 8.60 (Season 2).
Như đã nêu trên, Fate/Zero là tiền truyện lấy bối cảnh 10 năm trước những sự kiện diễn ra trong Fate/Stay Night, xoay quanh Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ IV – Nơi 7 Masters cùng 7 Servants (Anh linh) họ triệu hồi quyết đấu sinh tử cho đến khi chỉ còn một kẻ chiến thắng. Phần thưởng cho kẻ đó là Chén Thánh, thứ bảo vật toàn năng giúp kẻ thắng thực hiện mọi nguyện ước hắn khát khao.
Tuy nhiên; ở Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ IV này không đơn giản như vậy với sự xuất hiện của Emiya Kiritsugu, một sát thủ chuyên nghiệp đại diện cho gia tộc Einzbern tham gia chiến đấu. Cùng với đó có cả Kotomine Kirei, người linh mục bí hiểm tại nhà thờ không hiểu vì sao được Chén Thánh lựa chọn để làm Master trong trận chiến lần này.
Liệu có uẩn khúc gì khác đang đứng đằng sau Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ IV?
Đến cuối cùng, kẻ nào sẽ chiến thắng?
Kẻ nào sẽ được hưởng ánh sáng của vinh quang?
Kẻ nào sẽ có vinh hạnh thoả mãn ước nguyện của mình nhờ Chén Thánh toàn năng?
• Review (SPOILER ALERT!):
Fate/Zero là một trong những bộ anime mà mình thực sự có cảm giác rất khó để review, do là chẳng biết nên nói về mặt nào trước cả. Nên sau một hồi xoá đi viết lại xoá đi viết lại như một cái vòng lặp vô hạn thì cuối cùng, mình vẫn quyết định lựa chọn lối viết review cơ bản, bắt đầu từ cốt truyện đầu tiên. Và cốt truyện của Fate/Zero có rất nhiều điểm cộng trong mắt mình, nhưng trước hết thì hãy nói về Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ IV của Fate/Zero trước nhé.
Ở trong câu truyện của Fate/Zero, mình quả thực đã được chiêm ngưỡng một Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ IV đúng như mong đợi của bản thân. Đó là một trận đấu sinh tử giành lấy bảo vật tại thành phố Fuyuki, giữa 7 vị Masters cùng Servants với đủ cá tính, trình độ cùng sức mạnh khác hẳn nhau. Có người trải đời và dày dặn kinh nghiệm, chẳng hạn như là Tohsaka Tokiomi – Pháp sư đại diện cho gia tộc Tohsaka cao quý. Có người thì còn non nớt và chưa có kinh nghiệm, khát khao chứng tỏ bản thân mình như cậu pháp sư trẻ tuổi Waver Velvet. Hay thậm chí có cả một tên sát nhân hàng loạt với tâm lý biến thái đang hoành hành tại Fuyuki, Uryuu Ryunosuke tham gia vào nữa luôn.
Tuy nhiên không chỉ có vậy, các Masters và Servants không phải lúc nào cũng ngu ngốc đến mức lao ra mà đánh nhau tới tấp một cách phô trương. Họ sử dụng cho mình chiến thuật riêng, mưu kế riêng hay thậm chí có cả lúc lập ra những phe phái riêng nhằm liên minh với nhau luôn. Mà kể cả có lao vào đánh nhau thật đi chăng nữa thì cũng phải tính toán từng ly từng tí, do rằng mỗi cặp Masters cùng Servants đều có điểm yếu riêng để khai thác, nhưng cũng có điểm mạnh riêng cần dè chừng. Hành động của họ cũng mang sức nặng đáng kể trong xuyên suốt cuộc chiến, khi mà chỉ cần một mắt xích nhỏ nhất thay đổi cũng đủ để cả cục diện thay đổi theo. Ấy là mình còn chưa nói đến những lúc mà các nhân vật trong Fate/Zero nhiều lúc buộc phải ứng biến với hy vọng sống sót, vì kế hoạch chiến đấu của họ đã bị sụp đổ hoàn toàn đâu nhé. Vì lẽ đó mà những trận chiến trong Fate/Zero luôn duy trì được sự kịch tính và yếu tố bất ngờ nhất định, làm cho người xem như mình không thể nào mà ngừng đưa mắt dõi theo được.
Yếu tố tiếp theo mình thích ở cốt truyện của Fate/Zero nữa, chính là dàn nhân vật trong đó. Các nhân vật trong Fate/Zero, từ dàn Masters cho đến Servants đều được xây dựng rất xuất sắc, khắc hoạ chi tiết và có nội tâm thực sự phức tạp. Ví dụ có thể kể đến như là Kotomine Kirei, vị linh mục luôn khoác lên mình một lớp vỏ đạo mạo làm cho người ta cảm thấy vô cùng khó đoán. Hắn dường như trống rỗng ở bên trong, không có những cảm xúc của người thường. Dĩ nhiên Kirei đã từng cố gắng thử cưới vợ, lao mình ra những trận chiến dưới vai trò Thừa Hành Giả của Giáo Hội với hy vọng tìm được những cảm xúc đó nhưng cuối cùng không đem lại được kết quả gì. Và rồi sau này Kirei mới nhận ra, nhận ra được rằng hắn hạnh phúc khi đem đến, chứng kiến bi kịch cùng khổ đau của người khác. Hắn thậm chí đã hối tiếc vì đã không thể tự tay giết vợ mình trước khi cô tự sát, hay tự tay giết cha mình ở Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ IV.
|
Kotomine Kirei, gã linh mục đội lốt đạo mạo. |
Không chỉ có đơn thuần có như vậy, nhiều khi những nhân vật trong câu chuyện của Fate/Zero còn đối lập hẳn nhau về mặt tính cách, hay lý tưởng mà bản thân mình đại diện, tạo ra những mối quan hệ trớ trêu và đầy lôi cuốn khi theo dõi. Chẳng hạn như là mối quan hệ giữa Đệ Nhất Kị Sĩ của Fionna, Servants Lancer – Diarmuid Ua Duibhne và Master của anh – Kayneth El-Melloi Archibald. Trong khi Diarmuid là một kị sĩ đầy danh dự với quyết tâm trung thành với chủ nhân (Master hiện tại) đến cùng thì Kayneth lại là một kẻ độc ác, tham lam và ngạo mạn. Chưa kể đến việc ông ta không thể nhìn lòng trung thành đến đáng nể và sức mạnh từ Servant của mình một cách đúng đắn. Đúng vậy, do là ông lo sợ Diarmuid đang âm mưu diễn kịch để sau này cướp đi người hôn thê mà ông ta yêu – Sola-ui, giống như giai thoại ngày xưa của Diarmuid về việc anh yêu vợ của chủ nhân cũ vậy, nhưng nào đâu có phải.
Hay một mối quan hệ nữa mà mình thấy cũng rất đáng nói, đó là mối quan hệ giữa hai nhân vật là Emiya Kiritsugu cùng với đó là Servants của anh Saber – Artoria Pendragon. Trong khi Artoria là một vị vua đầy danh dự với những quy tắc của kị sĩ thì Kiritsugu lại đối lập hoàn toàn, là một sát thủ với đủ những kế hoạch mà Saber diễn tả là “mưu hèn kế bẩn”. Như ở tập 16, “Kết thúc của danh dự”, mặc kệ Saber đang chiến đấu một cách anh minh và công bằng với Lancer như hai kị sĩ đích thực trong Cuộc Chiến Chén Thánh, Kiritsugu đã đánh lén để triệt hạ Master của Lancer lúc đó, đồng thời ép Lancer phải tự sát trong cay đắng, đến mức anh nguyền rủa cả Saber vì sỉ nhục danh dự cao quý của kị sĩ dù cô không hề hay biết việc làm của Kiritsugu. Chính Saber đã giận dữ quát Kiritsugu là con quái vật hèn hạ lúc đó, và nói với anh rằng trên chiến trường mà không có danh dự thì chiến trường đó sẽ như địa ngục.
Nhưng còn đối với với Kiritsugu thì sao? Anh đã đáp thẳng luôn rằng trên chiến trường thì không có danh dự hay gì hết, và bản thân chiến trường đã là địa ngục rồi mà thôi. Nó là địa ngục vì không có hy vọng, vì trên đó hàng loạt sinh mạng đã bị tước đoạt mất còn nỗi đau của họ thì bị đạp lên bởi những kẻ chiến thắng cuối cùng. Tuy nhiên không ai nhìn ra sự thật này, bởi trong mỗi thời đại đều có những vị anh linh với lý tưởng cao đẹp như Artoria. Những vị anh hùng bất khuất với cái lý tưởng cao đẹp cùng sự vĩ đại quả cảm đã che đi nó. Chưa kể đến còn cả sự do dự của những kẻ ngu ngốc, từ chối thừa nhận đổ máu chính là cái ác nữa.
Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa phải là hết ở cách xây dựng nhân vật đối lập đầy thú vị của Fate/Zero. Mình phải mất kha khá thời gian mới ngẫm ra được, ngẫm ra được rằng cách xây dựng các nhân vật này đã tạo ra một cuộc đấu nữa diễn ra song song và khác hẳn với Cuộc Chiến Chén Thánh, đó là cuộc chiến của những lý tưởng. Sẽ có rất nhiều lúc các bạn được thấy cuộc chiến này, khi lý tưởng của các nhân vật xung đột lẫn nhau, vô cùng tinh tế hỏi khó và để người xem tự đặt ra câu trả lời cho việc rằng rốt cuộc nhân vật nào đúng, nhân vật nào sai. Ví dụ cho điều này thì có rất nhiều luôn, nhưng mình đã chọn ra được khoảnh khắc mình muốn viết về rồi, chính là phân đoạn ở tập 11 của Fate/Zero. Khi mà ba Servants, hay ba vị đế vương trong lịch sử gồm vua của Anh Quốc Artoria Pendragon – Saber, Ishkandar vua chinh phạt – Rider và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, vị vua thứ 5 của Uruk mang tên Gilgamesh – Archer.
|
Bữa tiệc của ba vị vua. |
Ở đây, 3 người họ đã tạm gác Cuộc Chiến Chén Thánh sang một bên, ngừng lao vào đánh nhau mà ngồi bên cạnh nhau để uống rượu. Chính ở khoảnh khắc này mà tính cách của họ đã được hiện lên rõ nét, và cả cách làm vua của họ nữa. Với Gilgamesh thì là lòng tự hào to lớn theo cùng kiêu ngạo. Đứng trước hắn thì tất cả đều chỉ là tạp chủng. Cách làm vua của hắn thì cũng đại diện cho tính cách, đứng trên tất cả mọi người và gánh vác trọng trách của một bậc đế vương với đầy lòng kiêu hãnh cùng tự hào. Còn về Ishkandar thì ông ta dù đôi khi hiện lên khá là ngông cuồng, thậm chí trẻ con nhưng về bản chất ông là một vị vua đích thực. Và mặc dù có thể Ishkandar cũng tham lam và ngạo mạn, nhưng khác với Gilgamesh ông còn cho người ta thấy những triết lý vô cùng sâu sắc. Định nghĩa về một vị vua đích thực của Ishkandar thì người đó phải là người có tham vọng lớn; khơi dậy được ngọn lửa tham vọng đó với dân chúng, làm cho họ nể phục mà đi theo phục tùng mình thực hiện nó và tuyệt đối; không được là một kẻ nhu nhược hối hận vì những quyết định mình đưa ra. Nhưng còn Artoria Pendragon? Vị vua của nước Anh thì sao? Trong bữa tiệc rượu Artoria đã thể hiện rằng cô yêu đất nước của mình rất nhiều, với lý tưởng của cô thì một vị vua đích thực phải là một vị vua hy sinh vì dân chúng, làm hết mọi điều vì dân chúng. Thậm chí điều ước của Artoria với Chén Thánh khi giành được nó còn là xoá đi sự tồn tại của bản thân để đất nước không phải diệt vong dưới sự trị vì của cô, thật cao đẹp và quả đúng là một vị vua hoàn hảo đúng chứ? Nhưng với đôi mắt của Ishkandar cùng Gilgamesh thì không. Cô lúc này đã vô tình tự hạ thấp mình đi trong mắt họ, đánh mất đi niềm kiêu hãnh của một vị vua.
Lý do đầu tiên cho việc này, vì cô đã hối hận. Artoria hối hận vì những quyết định cùng hành động của mình hồi làm vua năm xưa và muốn xoá mình khỏi lịch sử, không làm vua nữa để thay đổi lịch sử. Nhưng như đã nói thì với Ishkandar, một vị vua đích thực là người không bao giờ được hối hận, vì nếu hối hận với quyết định của bản thân thì khác nào hạ thấp lòng tự trọng của mình dưới tư cách một vị vua, hay có khác nào đang sỉ nhục lên lòng trung thành của những con người đã từng phục vụ mình trước đây?
Lý do thứ hai, vì Artoria đã quá cố gắng làm một vị vua hoàn hảo, đến mức trở nên nhu nhược và mất đi cả nhân tính. Một vị vua chính là bạo chúa, và như vậy không có gì sai cả như Ishkandar đã tuyên bố. Còn Artoria thì như đã nói ở trên, quá cố gắng hy sinh để làm tất cả vì dân chúng, trở thành vị vua hoàn hảo nên cuối cùng thay vì làm vua, cô trở thành nô lệ cho những nguyên tắc để có thể làm một vị vua hoàn hảo. Chưa kể đến là cả nhân tính như đã nêu, vì Artoria đã quá cố gắng làm vị vua hoàn hảo mà cô đánh mất đi nhân tính. Cũng vì lẽ đó mà cô không hiểu thần dân của mình, làm cho cô không thể dẫn lối họ được. Kết cục thì Artoria khiến cho họ lạc lối trong bóng tối, ăn năn và hận thù. Giống như một hiệp sĩ của hội bàn tròn, Lancelot vậy.
Lý do thứ ba, cũng chính là sự mâu thuẫn trớ trêu. Artoria muốn ước với Chén Thánh rằng mình được xoá đi khỏi lịch sử, nhưng nhìn thử theo một góc độ khác, như vậy có khác nào cô đang xoá bỏ trách nhiệm của bản thân mình với đất nước, với thần dân Anh Quốc hay không? Cô có thực sự quan tâm đến Anh Quốc như cái “vị vua hoàn hảo”, lý tưởng của cô không?
Nhưng rồi… nói đi cũng phải nói lại. Ishkandar và Gilgamesh đúng là cũng có lý lẽ hợp lý cho riêng mình đấy nhưng vẫn còn quá nhiều yếu tố cần phải xem xét đến. Ba vị vua trên là ba vị vua khác nhau, ở những thời đại và đất nước khác nhau, không thể lấy một câu trả lời rồi áp đặt nó cho cả ba được! Vậy rốt cuộc ai đúng nhất? Ai sai nhất? Như thế nào mới là một vị vua hoàn hảo đúng nghĩa? Đó là một phần trong nhiều câu hỏi khó sau những cuộc xung đột lý tưởng mà Fate/Zero bỏ ngỏ, để người xem tự trả lời như mình đã nêu trên đấy.
Được rồi, qua phần nhân vật trong cốt truyện thì yếu tố tiếp theo mình muốn khen, chính là những khoảng lặng để xây dựng bầu không khí của Fate/Zero. Để cụ thể thì Fate/Zero đã khéo léo sử dụng khoảng lặng để tạo ra bầu không khí vui tươi cùng với đó trầm lặng hơn, làm giảm đi tính bi kịch vốn là bản chất câu chuyện thông qua cặp Masters và Servants là Waver Velvet cùng với Vua chinh phạt Ishkandar – Rider. Xuyên suốt hành trình Waver ở bên Rider cậu đã cười, khóc, giận dữ… Hay cả học hỏi được nhiều điều từ ông, chẳng hạn như là việc không nên vội vàng theo đuổi những giấc mơ quá đỗi to lớn một cách vội vàng làm gì, nếu không sẽ chỉ nhận lại sự thất vọng mà thôi. Thay vào đó hãy cố gắng mà tự rèn luyện bản thân, bám vào những thứ mình giỏi nhất hiện tại mà tiến chậm rãi đã, đừng xấu hổ vì chính mình hay mải mê khát khao sự công nhận của người khác làm gì cả. Đồng thời với đó, cậu cũng đã trưởng thành hơn, mãnh mẽ hơn trên đường đời của bản thân. Và khoảnh khắc khi Waver chứng kiến khoảnh khắc Ishkandar tan biến đã đánh một dấu to trên con đường đó. Cậu đã khóc, nhưng những giọt nước mắt đó không phải của kẻ yếu mềm, đó là những giọt nước mắt của một người đàn ông, một người bề tôi chân chính thực sự.
Nhưng như đã nói ở trên, Fate/Zero về bản chất vẫn là một câu chuyên bi kịch. Và cũng chính nhờ bầu không khí được xây dựng tốt xuyên suốt khoảng đầu và giữa của phim thông qua những khoảng lặng khác ngoài của Waver với Rider mà đến cuối cùng, khi chiếc đồng hồ của Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ IV chỉ số 0 đánh dấu sự kết thúc, tính bi kịch của câu chuyện mới được bộc lộ một cách trọn vẹn đến như thế. Có rất nhiều bi kịch với những con người của Fate/Zero, với người chết oan, người phát điên, người lạc lối… tuy nhiên để nói về cái bi kịch của Fate/Zero đúng nhất thì mình sẽ lựa chọn hai nhân vật, đó là Emiya Kiritsugu cùng với Servant của anh là Saber – Artoria.
Lúc ở mảng nhân vật, mình có nói rằng Saber với Kiritsugu là hai nhân vật đối lập nhau nhỉ? Bây giờ mới là lúc sự đối lập đó đương như trở nên rõ nét hơn nhiều, họ là hai mặt đối lập của một đồng xu. Đúng vậy, dù đối lập nhau nhưng về bản chất họ vẫn là một phần của đồng xu. Cả hai đều có cho mình những nguyện ước cùng lý tưởng cao đẹp biết bao, với Kiritsugu là trở thành đồng minh của chính nghĩa, cứu lấy nhân loại. Saber thì là cách làm vua quá đỗi cao đẹp của cô. Nhưng đời không như mơ.
Với Saber – Artoria Pendragon thì cô đã sụp đổ hoàn toàn cả về thể chất lẫn tinh thần, tự nghi hoặc chính lý tưởng của bản thân mình. Đúng như lời Ishkandar và Gilgamesh, Artoria tự thấy bản thân mình không xứng đáng để làm một vị vua nữa. Nhất là sau khi Artoria đối diện với người bạn của cô Lancelot. Cô thậm chí còn không thể giành được Chén Thánh bởi vì bị Master là Emiya Kiritsugu ra lệnh phá bỏ. Đến cuối cùng, chỉ còn lại một Artoria lạc lại vùng đất Camlann, nơi cô đánh trận cuối với đứa con phản nghịch Mordred. Cô không thể chết, cũng chẳng thể rời đi vì thời gian nơi đây không bao giờ trôi. Và chừng nào còn chưa lấy được Chén Thánh thì Artoria sẽ còn phải tiếp tục nhìn khung cảnh này, tiếp tục chiến đấu cho đến khi nào giành được nó thì thôi. Bất giác, trong tâm trí cô lại xuất hiện hình ảnh của thần dân, của bạn bè bằng hữu,… và cô khóc. Artoria khóc lóc thảm thiết và cầu xin sự tha thứ từ họ, vì cô đã không xứng đáng làm vua, dẫu biết những lời đó cùng dòng nước mắt hiện tại chẳng đến nổi với ai cả.
Với Kiritsugu thì câu chuyện của anh có phần dài hơn và bi kịch hơn, bắt đầu từ hồi anh còn nhỏ, tại hòn đảo Alimago. Ngay từ khi còn là một cậu nhóc thì Emiya Kiritsugu đã muốn trở thành đồng minh của chính nghĩa và cứu tất cả mọi người trên thế gian này, tuy nhiên trớ trêu như mình đã nói trên, đời thực không như mơ. Sau này khi lớn lên dần Kiritsugu mới nhìn ra sự tàn khốc của thế giới, bản chất mâu thuẫn hiếu chiến của loài người và rằng phải hy sinh mạng người để cứu mạng người khác. Thế là anh quyết định đội lốt trở thành một kẻ máu lạnh vô tình, đặt mọi người ngang hàng kể cả gia đình, sẵn sang hy sinh ít người để có thể cứu được nhiều người hơn. Anhthậm chí đã từng giết cả cha đẻ mình, hay người thầy mà anh xem như mẹ ruột để có thể cứu nhiều người hơn. Và sự thực là Kiritsugu không hề muốn như vậy. Ấy là cho đến khi người đàn ông này biết về sự tồn tại của Chén Thánh, thứ bảo vật giúp kẻ chiến thắng ở Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ IV đoạt được nguyện ước.
Thế là Kiritsugu lao vào chiến đấu dưới tư cách đại diện cho gia tộc Einzbern, liên tục triệt hạ các cặp Masters cùng Servants khác nhau, với hy vọng đây sẽ là những giọt máu cuối cùng của nhân loại phải đổ xuống. Anh mong muốn Chén Thánh có thể giúp nhân loại không phải có thêm cuộc chiến nào nữa, cứu rỗi họ. Nhưng thật trớ trêu làm sao, khi Emiya Kiritsugu đã chạm đến được Chén Thánh thi sự thật cay đắng mới được hé lộ.
Để ước một điều gì đó với Chén Thánh, người ước phải biết cách thực hiện điều ước đó. Nói cách khác, Chén Thánh chỉ là công cụ để thực hiện điều ước, không phải thứ màu nhiệm như Kiritsugu nhầm tưởng.
Nếu bây giờ Kiritsugu nêu cho Chén Thánh điều ước thì dĩ nhiên nó sẽ thực hiện được, Kiritsugu biết cách thực hiện tuy nhiên… nó quá tàn khốc. Nhưng trớ trêu không thể có cách nào khác ngoài cách đó, do bản chất của con người vốn đã luôn là mâu thuẫn cùng bạo lực rồi. Vậy cách đó là gì? Làm cách nào để có thể chấm dứt mọi cuộc chiến trên thế gian? Đơn giản lắm, Chén Thánh sẽ thực hiện điều ước của Emiya Kiritsugu bằng cách giết sạch nhân loại! Chỉ chừa lại vợ và con gái anh.
Cuối cùng, Kiritsugu lại lựa chọn trở về con đường cũ, anh chối bỏ Chén Thánh bằng cách giết vợ và con gái, để rồi cuối cùng trúng lời nguyền Chén Thánh. Anh sẵn sàng giết hai người thân trong gia đình mình và nhận lời nguyền để cứu cả nhân loại, nhưng anh cay đắng, căm giận chính bản thân mình và đau đớn tột cùng khi phải làm như thế. Vì vậy mà Kiritsugu không thể kìm nổi những giọt nước mắt cứ tuôn rơi khi lấy khẩu súng bắn con gái, hay lấy tay trần vẫn còn nóng máu con bóp cổ vợ đến chết. Nhưng biết làm sao được? Giữa 2 người thân trong gia đình và 6 tỉ người trên thế giới, Kiritsugu làm sao có thể lựa chọn vợ con mà bỏ quên đi nhân loại được đây?
Sau khi đã chối bỏ Chén Thánh, Kiritsugu quyết định phá nó để ngăn chặn những Cuộc Chiến Chén Thánh sau này, tuy nhiên anh đã sai lầm. Vì hành động của anh mà lời nguyền từ Chén Thánh bị vấy bẩn còn sót lại từ Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ III đã có cơ hội lan ra ngoài, thiêu rụi thành phố Fuyuki, để lại một bãi chiến trường tan hoang với toàn mùi thịt người cháy. Kiritsugu muốn cứu người, nhưng sau cùng chỉ toàn giết người mà thôi. Anh sau đó tuyệt vọng như cái xác không hồn đi khắp bãi đổ nát, hy vọng cứu được ai đó.
|
Ngọn lửa do Kiritsugu gây ra. |
Đó chính là bi kịch của Fate/Zero, bi kịch của những con người cao đẹp bị lấp đi bởi bóng tối, bởi màn đêm của bi kịch, bởi thứ gọi là thực tại tàn nhẫn. Nhưng trong màn đêm đó vẫn còn một tia sáng của hy vọng, của niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn, giống như ánh sáng chiếu vào Saber nơi ngọn đồi Camlann bị bao phủ bởi mây đen, hay như lời hứa của cậu bé Shirou với người đã cứu cậu khỏi đám cháy tại Fuyuki – Cha nuôi của cậu Emiya Kiritsugu vậy.Ở thời điểm sau khi Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ IV kết thúc, Emiya Kiritsugu có lẽ đã tự sát vì sai lầm của mình nếu anh không cứu được cậu bé Shirou ở đống đổ nát của thành phố Fuyuki. Chính cậu bé là sự giải thoát cho anh khi đó, khi mà dù chỉ cứu được một người thôi, anh dường như đã tự cứu chính mình. Sau này Kiritsugu quyết định nhận nuôi Shirou, và mặc dù đã mất đi vợ với đứa con gái yêu do làm phản nhà Einzbern phá bỏ Chén Thánh, mất sức mạnh ma thuật cùng sức khỏe do lời nguyền Chén Thánh nhưng mà trong những năm ở bên Shirou, Kiritsugu đã có một cuộc đời rất bình yên. Duy chỉ có cái lý tưởng anh hùng chính nghĩa ngày xưa là đã bị dập tắt, cho đến một buổi tối vào 5 năm sau Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ IV khi anh ngắm trăng cùng Shirou.
Anh lúc đó đang như một bệnh nhân hấp hối vì lời nguyền Chén Thánh, kể cho Shirou về giấc mơ lý tưởng anh hùng chính nghĩa như một cái sai lầm bồng bột tuổi trẻ, và rằng đó là việc chỉ có trẻ con mới mơ tưởng được tuy nhiên sau đó anh không thể ngờ rằng cậu bé Shirou kia lại đáp lại một cách thẳng thắn.
“Nếu ba không thể thực hiện được thì hãy để cho con, vì con vẫn còn có thể làm được… Hãy trao cho con giấc mơ của ba!”
Kiritsugu dường như lại tin vào lý tưởng anh hùng chính nghĩa vào lúc đó, anh đã không thể làm được nhưng biết đâu Shirou lại có thể? Cậu chắc chắn sẽ không thể lạc lối trong tương lai được, không thể trở nên giống anh được nếu vẫn giữ nguyên con tim cùng lý trí khi nói những lời đó vào đêm này. Biết được điều này, tâm trí Emiya Kiritsugu cuối cùng cũng thanh thản. Anh đã có thể nhắm mắt yên nghỉ.
Một cốt truyện thực sự hay đúng không nào? Nhưng tiếc thay cốt truyện của Fate/Zero với mình vẫn chưa thực sự có thể coi là hoàn hảo được, với vấn đề nằm ngay ở việc truyền tải thông tin. Mình dám chắc là 100% những người mới đến với series Fate mà chọn xem Zero đầu tiên sẽ không hiểu nổi câu chuyện sau cái kết thúc bi kịch của phim mà chỉ xem vì những cảnh hành động (Càng thêm lý do để các bạn mới đến với series Fate tránh xem Fate/Zero trước nhé). Vì lý do đơn giản thôi là phim không hề đề cập hay chỉ đề cập thoáng qua, chẳng hạn như là “bùn” của Chén Thánh, mấy ai xem lần đầu mà thực sự biết được nó đến từ nhà Einzbern? Để cụ thể thì vào Cuộc Chiến Chén Thánh lần thứ III, nhà Einzbern đã triệu hồi Servants mang trường phái Avenger – Angra Mainyu để gian lận, tuy nhiên không thể ngờ rằng Angra Mainyu phế đến mức thảm hại, cuối cùng nhà Einzbern thua thảm và Chén Thánh bị vấy bẩn bởi Servant này luôn. Hay đáng tiếc hơn theo mình thấy, là câu chuyện của các nhân vật khác trong câu chuyện của Fate/Zero chẳng hạn như câu chuyện tình của Emiya Kiritsugu với Irisviel Von Einzbern, nàng Homunculus (Người nhân tạo) đến từ nhà Einzbern. Thực sự mình vô cùng tiếc nuối, tiếc nuối khi câu chuyện tình yêu đẹp nhưng đầy bi kịch giữa một con người sống như vô cảm và một người nhân tạo vô cảm học làm người đã không thể được thể hiện sâu sắc hơn.
Nhưng tạm gác lại những gì liên quan đến cốt truyện xương sống đi, mình muốn tiếp tục nói về các phần khác của Fate/Zero. Đầu tiên chính là phần hình ảnh, dù Fate/Zero là một bộ anime đã ra từ năm 2011 rồi, nhưng nếu nói thật thì đến tận bây giờ mình vẫn thấy phần này của Fate/Zero quá tốt. Quả đúng là Ufotable, studio đứng sau tuyệt tác Kara no Kyoukai hay gần đây, là Kimetsu no Yaiba và Fate/Stay Night: Heaven’s Feel III. Từng cảnh chiến đấu, phong cảnh môi trường hay thiết kế nhân vật đều được làm quá đẹp, có chi tiết đi kèm với cả sức nặng nữa. Khi xem mình cảm nhận được rõ bầu không khí chết chóc nơi biển lửa Fuyuki, mình cảm nhận được sức nặng trên thanh kiếm và bộ giáp của Saber, sự linh động và uyển chuyển trên hai thanh giáo của Lancer khi được vung,… nhưng nếu phải chọn ra một cảnh, một cảnh cool nhất (theo cách Ryunosuke sẽ nói) thì mình sẽ chọn khoảnh khắc tại mặt sông ở Fuyuki, khi Saber sử dụng thánh kiếm của mình tung đòn Excalibur triệt hạ con quái vật của Caster. Từ hiệu ứng bụi ánh sáng vàng đẹp lung linh, những giọt nước sông bắn lên phản chiếu mặt Saber, đến cả khi cô vung kiếm và hiệu ứng mặt nước bị đòn đánh tác động… ôi đẹp lắm lắm các bạn ạ, sướng không tả nổi.
Nhưng hình ảnh đẹp mà bỏ quên âm thanh thì cũng chỉ là vô nghĩa, phần âm thanh của Fate/Zero quả thực đã kết hợp và bổ trợ rất nhiều cho phần hình ảnh, làm gia tăng sức nặng trong những cảnh chiến đấu lên đối với mình. Khi xem mình có thể nghe rõ âm thanh từ giáo của Lancer va vào kiếm của Saber, hay tiếng động cơ máy bay gầm rú lên dưới sự điều khiển từ Berserker điên loạn lúc đánh với Gilgamesh nữa…
Còn về âm nhạc thì sao? Mình khen, khen không tiếc lời luôn. Quả không hổ danh nhà soạn nhạc Yuki Kajiura, người đã đem đến sức sống cho hàng loạt các tác phẩm như Sword Art Online, Puella Magi Madoka Magica, Pandora Hearts (đến giờ mình vẫn nghe và cảm động vì bài Will),... Âm nhạc của Yuki Kajiura trong Fate/Zero vẫn mang âm hưởng của opera Âu kết hợp với nhạc hiện đại, làm cho soundtrack của Fate/Zero vừa có nét sử thi khắc họa cuộc đấu của những vị anh hùng lịch sử, vừa có nét hiện đại sôi động trẻ trung phù hợp với người xem đại chúng là giới trẻ. Ấy là còn chưa nói đến Kajiurago, một ngôn ngữ của riêng Yuki Kajiura được lồng vào thường xuyên trong các bản nhạc của Fate/Zero nói riêng, và các bản nhạc khác do bà soạn nói chung làm tăng đáng kể sự hùng hồn, sự bi tráng và sự mạnh mẽ trong từng bàn nhạc. Tiêu biểu có thể kể đến như là The Battle Is To The Strong, Tragedy And Fate, Silver Moon,… ôi nhiều lắm, nhiều lắm luôn á các bạn. Chúng cũng được đưa vào những tình tiết hợp lý trong Fate/Zero nhằm tăng cảm xúc người xem chứ không phải vô tội vạ, biến bộ anime thành một vở nhạc kịch trá hình sáo rỗng.
Dĩ nhiên, cũng không thể nào bỏ qua những ca khúc được, mình tâm đắc với kha khá những ca khúc trong Fate/Zero chẳng hạn như là Memoria của Eir Aoi, Oath Sign đầy sôi động của Lisa, Manten đầy vẻ ma mị của Kalafina,… nhưng nếu phải chọn ca khúc tâm đắc nhất thì mình sẽ chọn Soraha Takaku Kazeha Utau của Luna Haruna, ca khúc đã phần nào truyền tải được câu chuyện tình bi kịch của Kiritsugu với người anh yêu là Irisviel. Càng nghe những lời ca bi thương đến từ giọng hát lạnh lẽo pha lẫn buồn đau của Luna Haruna, mình lại càng buồn, càng thương cho đôi họ hơn… khi mà Kiritsugu, một người với con tim tan vỡ lại được cảm hoá bởi một người nhân tạo như Irisviel, khi dạy cho cô cách làm một con người thực sự, để rồi cuối cùng anh mất cả cô cả con gái mình… chậc… mình lan man rồi nhỉ. Xin lỗi các bạn.
Cuối cùng, Fate/Zero với mình là một bộ anime không hoàn hảo, tuy nhiên nếu nói nó không xuất sắc thì hoàn toàn sai lầm khi mà nó có thể thành công đến như thế. Thành công trong việc kể lại một Cuộc Chiến Chén Thánh đầy những pha hành động đã mắt cùng những mưu tính hiểm ác; đồng thời là cả câu chuyện về lý tưởng của những nhân vật, khiến người xem luôn phải tự hỏi ai đúng ai sai ở đây. Nhưng trên tất cả, nó thành công trong việc kể một câu chuyện bi kịch, bi kịch của những con người với khát vọng tốt đẹp nhưng bị phủ lấp bởi màn đêm đen tối. Nhưng trong màn đêm đó vẫn còn tia lửa nhỏ, nhỏ thôi nhưng đủ để làm cho mọi người có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả.
Nhận xét
Đăng nhận xét