HIMURA KENSHIN - KHI TRONG “THANH KIẾM” CÓ MỘT CÁI “TÂM”
HIMURA KENSHIN - KHI TRONG “THANH KIẾM” CÓ MỘT CÁI “TÂM”
.
.
Well… chào mọi người, Immunity lại lên sóng đây. Dạo này mình có tìm lại vài bộ manga cũ để giải trí và mình tình cờ tìm được Lãng khách Kenshin. Rurouni Kenshin là bộ manga nói về một kiếm sĩ, một lãng khách và một con người đáng ngưỡng mộ, cuộc đời anh là cuộc đời của một kiếm sĩ, một kẻ có tài và là hành trình dùng cái tài ấy để cứu người. Anh có một quá khứ tăm tối khi không làm chủ được thanh kiếm của mình và giờ đây, anh quyết tâm vung kiếm lên nhưng sẽ khác trước. Một kiếm sĩ đã đặt được cái “Tâm” vào thanh kiếm, dùng kiếm để cứu mà không phải sát hại bất cứ ai. Himura Kenshin - khi trong “Thanh Kiếm” có một cái “Tâm”
.
Himura Kenshin (緋村 剣心) ( Phi Thôn Kiếm Tâm) sinh ra vào cuối thời Mạc Mạt và đầu thời Minh Trị. Tên gốc của anh là Shinta, sinh ra trong một gia đình có bố và mẹ đều chết vì bệnh tả, bị bán làm nô lệ. Sau khi được một kiếm sĩ tên Hiko Seijūrō XIII cứu, anh được ông đổi tên thành Kenshin vì ông cho rằng Shinta không phải là một cái tên phù hợp với một kiếm sĩ. Kenshin được truyền dạy kiếm thuật Hiten Mitsurugi-Ryū (Phi Thiên Ngự Kiếm) từ ông và trở thành truyền nhân ( có thể là cuối cùng ) của môn phái này. Kenshin sau đó lấy chữ "Himura" ("từ một ngôi làng màu đỏ") làm họ của mình.
Về ngoại hình, Kenshin là một thanh niên với dáng người nhỏ con, mái tóc dài màu đỏ và khuôn mặt trẻ hơn tuổi thực của mình rất nhiều. Trên má anh có một vết sẹo hình chữ X nổi bật. Anh thường mặc một bộ Kimono đơn giản màu đỏ và đeo thanh Sakabato ở bên hông trái.
Về tính cách, Kenshin là một con người hiền lành và thường không có bất cứ thứ gì có thể làm anh phật ý hay buông lời trách cứ. Anh thường nhún nhường cho qua chuyện. Tuy nhiên, trong quá khứ anh lại là một con người lạnh lùng và nguy hiểm có thể giết người không do dự. Kenshin thường chuyển rất nhanh từ một Himura hiền lành trở thành một sát thủ Battousai lạnh lùng và khát máu. Có thể nói bản thân Kenshin cũng giống như một thanh kiếm, khi bình yên thì vô dụng trong xó nhà, nhưng một khi được tuốt ra lại là thứ nguy hiểm hơn hết thảy.
Trong quá khứ, Kenshin đã từng là một sát thủ đi thực hiện “Thiên tru” cho chính phủ Minh Trị. Một Hitokiri Battousai khát máu đã giết số mạng người nhiều không đếm xuể. Ở hiện tại, Kenshin là một Rurouni, lang bạt khắp nơi và sử dụng thanh kiếm lưỡi ngược Sakabato để cứu người.
.
Kiếm cũng giống như tài năng, cũng chỉ là những thứ vô hồn trong bàn tay của kẻ sử dụng chúng. Chúng không phải là thứ chỉ dẫn chúng ta phải làm điều đúng đắn, cũng không xúi giục chúng ta vung nó lên hại người. Chính chúng ta mới là người quyết định điều đó. Việc chúng ta cần làm là đặt vào trong thanh kiếm một cái “Tâm”, một cái “Đạo” để hướng nó về phía đúng đắn.
Thanh kiếm lưỡi ngược của Kenshin có tên Sakabato (Nghịch Kiếm), thực chất là hai thanh kiếm cuối cùng được rèn bởi cố nghệ nhân thiên tài Arai Shaku. Sau khi thanh thứ nhất Sakabato Kageuchi bị gãy, anh được con trai ông trao tặng thanh thứ hai Sakabato Shinuchi, trên thân kiếm được khắc một bài thơ nhỏ của ông để đề tặng cho thế hệ mai sau:
"Rèn thân đúc kiếm bao năm tháng
Con hận ta cũng đành vì mai sau"
Đối với một thanh kiếm (katana) thông thường, lưỡi kiếm được mài sắc trong khi sống kiếm (棟, mune) thì lại cùn. Ngược lại, sakabatō có sống kiếm được mài sắc.
Nhưng nếu là lời thề bất sát, tại sao không phải là một thanh kiếm không lưỡi mà là một thanh Sakabato? Tại sao lại là một thanh kiếm vẫn còn khả năng sát thay vì hoàn toàn vô hại? Well… và tất nhiên là cả việc gây bất lợi cho việc chiến đấu của nó nữa. Theo mình, việc mang một thanh Sakabato thay vì một thanh kiếm hoàn toàn vô hại tượng trưng cho 3 điều:
Lựa chọn việc không sát sinh dù cho bản thân có thể làm nó. Việc giữ lại phần lưỡi bén của thanh kiếm ở mặt sau có nghĩa là thanh Sakabato vẫn có khả năng giết người. Vậy thì lựa chọn giết hay không vẫn nằm trong tay người kiếm sĩ. Giết hay không vẫn nằm trong tay Kenshin. Việc anh chọn sử dụng phần không thể chém nói lên rằng: Quyết định giết hay không nằm ở trong tay người kiếm sĩ, không phải ở thanh kiếm. Kiếm chỉ là công cụ để ta thực hiện nó. Và chính bản thân anh chọn không giết người chứ không phải là anh không thể giết người.
Thà đổ máu của bản thân chứ không để thanh kiếm của mình vấy máu. Việc có lưỡi hướng vào trong là một bất lợi, không ít lần Kenshin bị thương vì chính thanh kiếm của mình. Nhưng việc xoay phần sắc vào trong cũng có nghĩa là anh sẽ không để ai phải đổ máu vì kiếm của mình nữa. Hướng phần lưỡi sắc về phía chính mình có nghĩa là thà để bản thân tổn thương chứ không bao giờ khiến người khác phải đổ máu.
Thanh kiếm độc nhất vô nhị dùng để cứu người chứ không giết người. Sakabato bị những người khác xem như một món đồ chơi vì bản chất của nó không thể giết người được. Nhưng với Kenshin, Sakabato là một thanh kiếm độc nhất, với nó anh có thể bảo vệ những người xung quanh mà không cần phải giết người. Có thể chiến đấu cho những điều anh tin tưởng mà không phạm vào lời thề bất sát.
Sakabato là thanh kiếm biểu tượng cho lời thề bất sát của Himura Kenshin, người đã bước qua cái quá khứ tăm tối khi không làm chủ được thanh kiếm của mình, kẻ đã bước qua thời đại chém giết để đi đến một thời đại mới. Giờ đây, trong thanh Sakabato đã có cái gọi là Kiếm Tâm đại diện cho lựa chọn “ không giết “ chứ không phải là “ không thể giết “. Một thanh kiếm có thể cứu người mà không phải sát hại một ai.
Kiếm là một công cụ, không phải là ý chí. Nó không thể chi phối ta làm điều đúng hay sai. Bằng việc đặt vào trong “Thanh Kiếm” một cái “Tâm”, ta có thể hướng nó về phía làm những điều đúng đắn.
.
Cuộc đời của Kenshin nói về lý tưởng của một kiếm sĩ và rộng hơn là nói về một kẻ có tài. Và cách mà ta nên dùng cái tài đó.
Anh có một quá khứ đen tối, vung kiếm lên tước đoạt mạng sống của kẻ khác vì nghĩ rằng điều mình đang làm là đúng đắn. Trở thành một Hitokiri Battousai, một cỗ máy giết người của chính phủ. Quá khứ của Kenshin là một thứ gì đó quá sức đen tối và đáng sợ, đến mức 10 năm sau vẫn có người sợ hãi khi nghe đến cái danh Battousai. Tất cả đều bắt nguồn từ việc anh chưa thể làm chủ được thanh kiếm của mình và nghĩ rằng việc dùng kiếm để giết người của anh nhằm mở ra một thời đại mới là việc đúng đắn. Nhưng ở hiện tại, khi đã từ bỏ quá khứ đẫm máu của mình, bản thân Kenshin vẫn mang theo bên mình một thanh kiếm và anh vẫn chọn vung thanh kiếm lên cho những điều mình tin tưởng. Liệu giờ đây, thanh kiếm của Kenshin đã có thứ gì khác với ngày xưa? Có điều gì giúp anh không phạm vào những sai lầm trước kia? Bời vì giờ đây, anh đã làm chủ được thanh kiếm của mình. Trong “Thanh Kiếm” của anh, giờ đây đã có cái gọi là “Tâm”. Cái “Tâm” dùng kiếm để cứu người nhưng không tước đi mạng sống của ai.
Kenshin có một cái “Tâm” lương thiện, nhưng trong quá khứ, anh lại đi sai đường. Anh đã nghĩ rằng bằng việc vận dụng cái tài dùng kiếm của anh để giết người, mở ra một thời đại mới sẽ có thể mang đến hạnh phúc cho mọi người. Nhưng anh lại vô tình gieo rắc tội lỗi và mầm mống chiến tranh. Sau cuộc chiến, Kenshin đã quá mệt mỏi với việc chém giết và gánh chịu tội lỗi của nó, anh quyết thực hiện theo cái “Tâm” của mình. Một cái “Tâm” lương thiện và cứu người trong khi giữ vững lời thề bất sát. Và anh đã đặt vào trong thanh kiếm mới của mình, thanh Sakabato cái “Tâm” ấy để giữ cho nó hiểu rằng bạo lực và chém giết không phải là cách giải quyết được vấn đề. Cùng với sự kiên trì trong việc giữ lấy cái “Tâm” ấy.
Nhưng việc đặt ra một cái “Tâm” chỉ là việc đơn giản, giữ được cái tâm ấy mới là điều khó. Không ít lần Kenshin đã phải quay trở về thành một Battousai lạnh lùng, cũng không ít lần chính anh cũng đã suýt phạm vào lời thề bất sát. Việc giữ cái “Tâm” vô sát giữa muôn trùng kẻ thù muốn anh quay lại thành một Battousai không phải là điều dễ. Nhưng cuối cùng, Kenshin vẫn trở thành một “Himura Kenshin” với sức mạnh vượt qua cả “Battousai” ngày xưa mà vẫn không phạm vào lời thề bất sát. Một Kenshin có thể bảo vệ mà không cần xuống tay hạ sát bất cứ ai.
Việc theo một cái “Tâm” không đơn giản chỉ là nói ra và làm theo nó. Mà còn là sự quyết tâm theo đuổi nó đến cùng cái “Tâm” ấy.
.
Well… dạo này gặm nhiều bộ main trả thù bá đạo giết người như ngóe, thì với một nhân vật cũ vốn đã đọc từ lâu như Kenshin lại làm mình thấy ngưỡng mộ hơn cả. Giữa muôn trùng hiểm nguy thì giết người là một việc đơn giản. Nhưng liệu có mấy ai có được cái quyết tâm cứu người, vung kiếm lên vì kẻ khác chứ không phải bản thân. Có mấy ai đặt được một cái “Tâm” vào trong thanh kiếm, giữa những kẻ chỉ muốn tước đoạt mạng sống của mình vẫn giữ được quyết tâm cứu người mà không phải sát hại bất cứ ai. Kenshin là một người đã hiểu rõ gánh nặng của việc giết người, từ đó mới nảy sinh nên quyết tâm không sát hại thêm bất cứ ai nữa.
Bản thân Kenshin cũng làm mình suy nghĩ, “Kiếm” - “Tài Năng” là gì? Và chúng ta cần làm gì để hướng nó về cái đúng? Chúng ta có được cái tài, nhưng cái tài đó sẽ quyết định hành động của ta hay ta sẽ quyết định hành động của chính mình. Vì thế nên trong ‘Thanh Kiếm”/”Cái Tài” phải có sự hiện diện của cái “Tâm”. Bởi vì nếu để mặc cho “Thanh Kiếm” mặc sức vung lên theo ý nó muốn, nó sẽ giống như một món vũ khí đơn thuần dùng để chém giết. Cái “Tâm” chính là cánh tay hướng nó về phía đúng đắn, để nó có thể được sử dụng cho những mục đích tốt đẹp hơn.
Kenshin là một biểu tượng cho sự kiên định. Anh vẫn luôn chiến đấu để đem lại một tương lai tươi sáng cho mọi người. Ngay cả khi nhận ra sai lầm của mình, anh cũng không từ bỏ con đường đã vạch ra ban đầu. Ngọn hải đăng đó là thứ giúp anh không bị lạc lối nữa. Kenshin trở thành một nhân vật với phẩm chất đáng ngưỡng mộ giống như một ngọn đèn để ta có thể dùng soi sáng cho những vướng mắc trên con đường tìm kiếm cho bản thân một lý tưởng. Tìm kiếm cho chính mình, một cái “Tâm”.
.
Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài viết của mình.
#Immunity
nice
Trả lờiXóa