[Anime Review] To Aru Kagaku no Railgun - Siêu năng lực gia Railgun!


Kamachi Kazuma (hay thường được gọi thân mật bằng cái tên Lão Ngựa) là một nhà văn Nhật Bản chắc hẳn đã không còn quá xa lạ với những người hâm mộ văn hoá 2D, khi đã sáng tác ra vô vàn bộ light novel chất lượng mà nổi bật nhất là To Aru Majutsu no Index. Được xuất bản lần đầu vào năm 2004 và mãi cho đến ngày nay, series To Aru vẫn đang tiếp tục phát triển cùng với đó hàng loạt những spin-off (ngoại truyện) cũng đã ra đời. Tiêu biểu có thể kể đến là manga To Aru Kagaku no Railgun, đã được J.C.Staff chuyển thể thành anime vào năm 2009. Vậy chất lượng của bản chuyển thể này như thế nào? Mình sẽ nói kĩ hơn ở bài viết hôm nay.



• Thông tin chung:

Tựa tiếng Anh: A Certain Scientific Railgun.
Nguyên tác: Kamachi Kazuma, Fukuyawa Motoi (Manga).
Thể loại: Hành động, viễn tưởng, chính kịch, hài hước, đời thường.
Đạo diễn: Nagai Tatsuyuki.
Kịch bản: Minakami Seishi.
Âm nhạc: Maiko Iuchi, fripSide, ELISA.
Thời lượng: 24 tập (Mỗi tập 25 phút).
Studio sản xuất: J.C.Staff.
Năm ra mắt: 2009.
Điểm số tại My Anime List: 7.71 (Dựa trên đánh giá của 229,070 người).

• Tóm tắt nội dung:
To Aru Kagaku no Railgun vẫn giống như chính truyện To Aru Majutsu no Index, lấy bối cảnh chính tại đô thị học viện - Một thành phố đô thị với công nghệ tiên tiến bậc nhất chuyên đào tạo các siêu năng lực gia, với hơn 80% dân số học sinh. Nhưng thay vì tập trung vào Kamijou Touma thì ở đây, nhân vật chính của spin-off này lại là Misaka Mikoto. Cô là esper (siêu năng lực gia) đứng thứ ba trong danh sách bảy siêu năng lực gia level 5 mạnh nhất đô thị học viện, mang biệt danh Railgun.
Lúc này, tại thành phố học viện đang có vô vàn những chuyện kì lạ và nguy hiểm diễn ra gây tổn hại đến thành phố và tính mạng của người dân nơi đây, bắt nguồn từ một thứ gọi là Level Upper. Rốt cuộc kẻ tạo ra Level Upper là ai và âm mưu của hắn là gì? Liệu Misaka Mikoto cùng những người bạn của cô là Shirai Kuroko, Kazaki Uiharu và Saten Ruiko có thể ngăn chặn nó; để bảo vệ thành phố học viện mà họ yêu quý không?

• Đánh giá:
Được chuyển thể từ 17 chương truyện nguyên tác gốc nên để có thể đem đến cho khán giả 24 tập anime, hiển nhiên đội ngũ đạo diễn cùng biên kịch tại studio J.C.Staff đã phải đem đến cho anime của To Aru Kagaku no Railgun khá nhiều thay đổi cùng bổ sung về mặt cốt truyện lẫn nhân vật. Và theo mình, một người đã đọc nguyên tác thì điều này có cả hai mặt hại và lợi, tuy nhiên hãy bàn về những gì tích cực trước đi.
Điều đầu tiên mình thích ở việc này, đó là nội dung của anime đã không còn đơn thuần chỉ có tập trung hành động như 17 chương đầu manga nữa, mà thay vào đó đã có thêm cả những tình tiết đời thường (slice of life) pha hài hước tập trung vào nhóm bạn bốn người. Chúng có thể ngắn ngủi và vô cùng đơn giản, như là những lần đi chơi của các cô gái, những cuộc trò chuyện tâm sự, cùng nhau đi làm người mẫu áo tắm, nấu ăn, điều tra những vụ chơi khăm,... Tuy nhiên nhờ được đội ngũ đạo diễn và biên kịch tại J.C.Staff xây dựng cùng với đó thể hiện đầy tinh tế, không gượng ép mà những tình tiết trên đã thành công trong việc cho mình thấy được tính cách cùng với đó là hiểu thêm về các nhân vật.


Mình thấy được một Misaka Mikoto bề ngoài thì có phần trẻ con và hung hăng, một Shirai Kuroko hơi vô duyên biến thái, một Saten Ruiko tinh nghịch nhí nhảnh và một Uiharu Kazaki mọt sách nhút nhát vụng về. Những con người khác nhau như vậy, nhưng nhờ những tình tiết hài hước cùng đời thường được thêm vào cộng với sửa đổi vô cùng hợp lý theo mình thấy, đã góp phần đáng kể trong việc tạo nên một tình bạn mạnh mẽ và thuyết phục hơn bản manga gốc rất nhiều. Tình bạn giữa những cô gái dù còn khuyết điểm nhưng tốt bụng, biết quan tâm đến nhau, hiểu cho nhau và không màng khó luôn sẵn sàng đứng lên giúp đỡ khi bạn mình cần đến.



Bên cạnh đó, đội ngũ tại J.C.Staff còn đã khéo léo pha trộn được hai yếu tố là đời thường hài hước và hành động vào nhau, không cái nào lấn át cái nào, thậm chí còn bổ trợ cho nhau khi chính những tình huống đời thường là thứ xây dựng, là nền tảng từ từ đưa người xem trải qua những cung bậc cảm xúc để rồi khi đến cao trào chúng được bùng nổ thông qua những pha hành động đầy kịch tính và mãn nhãn. Còn về mảng hành động nói riêng thì sao? Theo quan điểm của mình thì...
Về cơ bản, mảng hành động ở To Aru Kagaku no Railgun không có điểm gì thực sự mới hay nổi trội, bám khá sát 17 chương truyện gốc manga lúc đầu với câu chuyện về một thứ bí ẩn gọi là Level Upper giúp các siêu năng lực gia mạnh lên, nhưng đồng thời cũng làm cho họ bị ảnh hưởng nặng đến trí não dẫn đến hôn mê. Tuy nhiên "không có điểm gì thực sự mới hay nổi trội" không đồng nghĩa với dở đâu nhé! Khi mà đội ngũ trực thuộc J.C.Staff đã thành công trong việc chuyển thể, đem đến một cốt truyện hành động chặt chẽ, có điểm nhấn và chiều sâu, thể hiện rõ nhất qua kẻ phản diện chính Kiyama Harumi.


Kiyama Harumi vốn từng là một nhà nghiên cứu kiêm giáo viên bất đắc dĩ cho những Child Error (trẻ mồ côi bị bỏ rơi) của thành phố học viện. Cô thường chỉ biết chú tâm vào nghiên cứu, đến mức mà luôn tỏ ra lạnh nhạt đồng thời quên đi những chuẩn mực sống của người bình thường trong xã hội, ví dụ như lột đồ giữa đường chỉ vì trời nóng rồi hỏi những câu kiểu như: "Mức độ hở hang đều như nhau, vậy sao áo tắm thì được còn đồ lót thì không?"
Tuy nhiên sau một thời gian giảng dạy cho những Child Error, Kiyama đã bắt đầu quan tâm đến chúng hơn sau khi nhận ra tình cảm chúng dành cho cô dù cho lúc đầu những đứa trẻ này có thể phiền nhiễu hay vô duyên. Nhưng đến cuối cùng, những đứa trẻ đó, những đứa trẻ vì tin tưởng cô giáo mình mà chấp nhận làm thí nghiệm đã bị tổn hại chính bởi vì thí nghiệm độc ác đó của các nhà nghiên cứu tại đô thị học viện. Kiyama đã cố cứu chúng, ngày đêm nghiên cứu đến mức đôi mắt thâm lại, xin cấp quyền sử dụng siêu máy tính mạnh mẽ của đô thị học viện là Tree Diagram thì bị từ chối, báo cáo với Anti-Skill tại đô thị học viện nhờ giúp đỡ cũng dường như không thể vì sự việc có liên quan trực tiếp đến những thành phần cấp cao nơi đây.
Đến cuối cùng cho dù hành động của Kiyama Harumi là sai và vô cùng ích kỷ, khi đã tự tiện tung ra Level Upper để lợi dụng 10000 siêu năng lực gia, trêu đùa cái tôi yếu ớt với khát khao được có năng lực của họ, sẵn sàng phá cả đô thị học viện để đạt được mục đích của mình là cứu lũ trẻ, thì cô cũng thật đáng thương. Khi mà hành động sai lầm đó của cô lại được ẩn sau bởi một động cơ vô cùng đẹp, cứu sống những đứa trẻ cô yêu quý. Một phản diện như vậy, dù đúng là không mới, nhưng về chiều sâu thì chắc chắn là rất nhiều rồi.


Tiếp theo, điểm làm cho mình thích bản chuyển thể này hơn cả manga gốc, chính là sự bổ sung trong câu chuyện của Kiyama Harumi khi ở đây, đã có thêm một câu chuyện nữa được thêm vào ở nửa sau của anime. Đúng là có khá nhiều ý kiến trái chiều về việc này nhưng theo mình, thay đổi này hợp lý. Dù đúng Therestina Kihara Lifeline là một phản diện còn hơi nông chưa thực sự có chiều sâu cho lắm như Kiyama Harumi, nhưng xét tổng thể thì đây vẫn là một phần truyện hay, có điểm nhấn, tạo ra được một cái kết trọn vẹn cho hành trình của Kiyama Harumi cùng nhóm của Misaka Mikoto. (Chẳng bù cho cái tiệc câm, nhưng thôi đó là một câu chuyện khác không liên quan đến phần To Aru Kagaku no Railgun này.)


Nhưng khen nhiều như vậy không có nghĩa mình hoàn toàn đồng tình với những thay đổi của bản anime của To Aru Kagaku no Railgun, đầu tiên và có lẽ cũng là nghiêm trọng nhất chính là việc siêu năng lực gia level 4 Aero Hand - Kongou Mitsuko xuất hiện quá sớm. Chính vì điều này mà nhân vật Kongou Mitsuko đã gây ra vô cùng nhiều mâu thuẫn và những tình huống gượng ép sau này, thể hiện rõ nhất qua phần truyện lễ hội Daihasei tại To Aru Kagaku no Railgun T. Khi mà Kongou rõ ràng đã có Misaka, Wannai, Awatsuki cùng rất nhiều người bạn khác ở bên rồi nhưng vẫn cư xử như một đứa ngốc, như kiểu vừa mới quen những người bạn kia, vừa mới nhờ họ mà thay đổi bản thân.

Thay đổi tiếp theo của anime To Aru Kagaku no Railgun mà mình không thực sự vừa ý, chính là thông điệp. Hãy quay trở lại với Level Upper, như mình đã nói đây là thứ giúp cho những siêu năng lực gia có thể mạnh lên tuy nhiên cũng gây ảnh hưởng đến não bộ làm họ hôn mê. Nhưng họ vẫn tìm đến nó vì khát khao có được năng lực, khát khao được mạnh mẽ lên. Chẳng hạn như là Saten Ruiko, một người trong nhóm bạn của Misaka Mikoto. Dù cô luôn ra vẻ ngây thơ tinh nghịch nhưng trong thâm tâm cô cũng có nỗi khổ riêng vì là một level 0, tức không có năng lực. Hằng ngày chứng kiến sự vô dụng của bản thân trước những người bạn Shirai, Misaka và Uiharu, dĩ nhiên Saten cũng muốn mạnh lên và sở hữu cho mình năng lực riêng.
Dĩ nhiên việc sử dụng Level Upper là sai, và thông điệp của To Aru Kagaku no Railgun muốn chỉ ra là vậy. Rằng thay vì gian lận bằng cách sử dụng công cụ làm tăng sức mạnh, chúng ta nên tự mình cố gắng rèn luyện, có thất bại hay không đạt đến được thứ mình mong muốn cũng chẳng sao vì dù gì cũng đã cố gắng hết sức rồi. Tuy nhiên bản manga đã phần nào thành công hơn trong việc truyền tải thông điệp này nếu so với bản anime. Khi mà tất cả chỉ được gói gọn trong một buổi học phụ đạo đơn giản, không đủ sức để làm bật lên được cái thông điệp như manga đã làm dù chỉ có đúng một chương.
Nhưng tạm gác lại phần nội dung và nhân vật đi, mình muốn bàn về những khía cạnh khác của To Aru Kagaku no Railgun, đầu tiên là hình ảnh và âm thanh đã được xử lý tốt, đáp ứng được nhu cầu của mình trong những cảnh hành động với phần art đẹp lung linh và animation mượt mà. Thậm chí một vài cảnh như trận đấu cuối giữa Therestina Kihara Gensei và Misaka Mikoto, hay cảnh Misaka Mikoto kết liễu AIM Burst (Mãnh thú Ảo tưởng) còn được làm đến mức xuất sắc bởi nhà hoạt họa Nozomu Abe. Cho những ai chưa biết thì Nozomu Abe cũng chính là người đã thổi hồn vào những tác phẩm như Fate/Zero, Kimetsu no Yaiba hay gần đây nhất là trilogy phim Fate/stay night: Heaven’s Feel, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên những pha sakuga đủ để thỏa mãn những khán giả khó tính nhất.


Về phần âm nhạc thì… soundtrack không thực sự làm mình ấn tượng cho lắm, nhưng mà nhạc mở đầu thì thực sự, mình sẽ không phóng đại đâu nhưng Only my Railgun là một bài hát hay. Dưới sự thể hiện của fripSide, ca khúc cùng giọng ca đầy mạnh mẽ và trẻ trung đã thành công trong việc nói lên nội tâm của Misaka Mikoto. Và Dear My Friend của ELISA cũng là một ca khúc kết thúc khá ấn tượng, nhẹ nhàng hơn Only my Railgun nhưng đồng thời cũng sâu lắng hơn, đánh dấu và khẳng định tình bạn đẹp giữa những người bạn của Misaka Mikoto, những người bạn thân trong To Aru Kagaku no Railgun.



•Tạm kết:
Không phải hoàn hảo, nhưng To Aru Kagaku no Railgun vẫn có thể coi là một anime chuyển thể từ manga chất lượng đến từ bàn tay của đội ngũ tại studio J.C.Staff nhờ một nội dung được làm chỉn chu tôn lên được giá trị của tình bạn, âm nhạc xuất sắc đi kèm với những pha chiến đấu đầy đã mắt nhờ art và animation thuộc vào dạng đỉnh cao kể cả khi xét theo tiêu chuẩn bây giờ. Vậy nên còn chờ gì nữa? Nếu bạn đang có quan tâm đến series To Aru mà vẫn còn chưa xem To Aru Kagaku no Railgun thì thực sự đáng tiếc đấy.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến