[Anime Review] To Aru Majutsu no Index III - Cấm thư Ma thuật Index III



Ra mắt vào năm 2004 và được sáng tác bởi Kamachi Kazuma, light novel To Aru Majutsu no Index kể về chàng đầu nhím Kamijou Touma chắc hẳn là một cái tên không còn mấy lạ lẫm với cộng đồng vào thời điểm hiện tại, khi mà đã có vô vàn các bản chuyển thể anime, ngoại truyện hay thậm chí cả game và phim điện ảnh nữa. Về chuyển thể anime, To Aru Majutsu no Index đã có hai phần anime lần lượt ra mắt vào năm 2008 cùng 2010, và dù chất lượng vẫn còn chưa thực sự xuất sắc nhưng vẫn thu về doanh thu cao cho studio anime J.C.Staff. Đỉnh cao là To Aru Majutsu no Index II với hơn 18000 đĩa BD Vol 1 đã được bán.

Tuy nhiên, sau phần phim điện ảnh ra mắt năm 2013 thì series To Aru cũng trở nên im hơi lặng tiếng hơn, ấy là cho đến khoảng thời gian năm 2017, khi J.C.Staff chính thức bật đèn xanh và công bố To Aru Majutsu no Index III. Tất cả như bùng cháy vì sau 8 năm chờ đợi người hâm mộ cũng được chứng kiến hồi kết cho toàn bộ phần Old Testament trên anime, sau sự kiện Vento Tiên Phong xâm lược ngày 30 tháng 9 gây ra căng thẳng giữa hai phe là Đô thị Học viện và Giáo hội Công giáo La Mã, ở cuối To Aru Majutsu no Index II.


Cuối cùng, liệu studio J.C.Staff có thể đưa đến một thành quả xứng đáng với khoảng thời gian 8 năm chờ đợi? Liệu họ có thể đem đến một hồi kết đầy hoành tráng và cảm xúc cho Old Testament với câu chuyện về ba người anh hùng trong Thế Chiến III nảy lửa hay không? Câu trả lời sẽ được giải đáp ở bài review ngày hôm nay của page do mình, Nagasawa Masami viết. Trước khi bắt đầu bài mình cũng phải cảnh báo trước là review lần này sẽ spoil rất nhiều những tình tiết quan trọng của tác phẩm, nên các bạn hãy lưu ý trước khi đọc. Giờ thì không dài dòng nữa chúng ta bắt đầu thôi. Khi khoa học và ma thuật giao nhau, câu chuyện bắt đầu!


(Khoan đã, To Aru Majutsu no Index III có 26 tập mà Kadokawa bảo J.C.Staff chuyển thể nội dung của 9 tập light novel??? Mà thôi chắc không sao, hai phần trước còn 24 tập anime mà 7 tập light novel mà, sẽ ổn thôi...)

• Thông tin chung:

Nguyên tác: Light novel cùng tên của Kamachi Kazuma.

Thể loại: Ma thuật, viễn tưởng, hành động.

Đạo diễn: Hiroshi Nishikori.

Biên kịch: Hiroyuki Yoshino.

Âm nhạc: Maiko Iuchi, Maon Kurosaki, Yuka Iguchi.

Thời lượng: 26 tập.

Studio sản xuất: J.C.Staff

Điểm số tham khảo tại My Anime List: 6.78 (Dựa trên đánh giá của 70,723 người dùng)


• Tóm tắt nội dung:


Sau cuộc tấn công ngày 30 tháng 9 của Vento Tiên Phong - Một thành viên thuộc hội Ghế phải của Chúa thì căng thẳng giữa Thành phố Học viện và Giáo hội Công giáo La Mã đã không ngừng leo thang. Sau đó hàng loạt những sự kiện đã diễn ra trên khắp thế giới gây thêm hỗn loạn, để rồi cuối cùng dẫn đến thứ gọi là Thế Chiến III - Một kế hoạch nhằm cứu rỗi nhân loại của Fiamma Cánh Phải, cũng là thành viên trong hội Ghế phải của Chúa.


Bên cạnh đó ba người anh hùng là Kamijou Touma, Accelerator và Hamazura Shiage cùng lúc cũng đã cùng đặt chân đến đất Nga - Chiến trường chính của Đệ Tam Thế Chiến nơi quân đội Thành phố Học viện giao tranh quân đội Nga, với ba lý tưởng cùng giơ nắm đấm để bảo vệ mình người yêu thương. Liệu họ có thể thành công? Kết cục của Đệ Tam Thế Chiến sẽ là như thế nào đây?


• Đánh giá:


Thực sự thì ai cũng biết và nó như thế này, To Aru Majutsu no Index III rất nát, rất rất nát nếu so với hai người tiền nhiệm của mình ngày xưa. Lý do đầu tiên, đó là rush, rush like no tomorrow vậy. Dù công bằng mà nói thì cả ba phần Index anime đều rush, cắt bỏ sửa đổi cũng không phải ít đâu, thậm chí là còn thất bại trong việc truyền tải sự thú vị về hệ thống phép thuật và khoa học trong nguyên tác nữa (nhồi tận 7 tập light novel vào anime cơ mà). Tuy nhiên hai phần anime đó vẫn dừng lại ở mức đủ xem, đủ hiểu được ở mức gọi tạm là nông, đủ đồng cảm với các nhân vật. Và với To Aru Majutsu no Index III thì khác hoàn toàn, khi phải gánh đến 9 tập light novel trong khi bản thân nó có mỗi 26 tập.


Khác hoàn toàn ở đây là anime sử dụng timeskip vô cùng nhiều, cắt bỏ kha khá giải thích về khoa học với ma thuật cùng với đó là tình tiết để cho người xem hiểu được cái quái gì đang diễn ra trên màn hình vậy. Ví dụ ngay đầu anime luôn, ở trường đoạn Touma gặp Tsuchimikado và Oyafune Monaka - Thành viên của hội đồng quản trị trong Thành phố Học viện. Tsuchimikado rõ ràng đã bắn Oyafune Monaka rồi, thế mà tại sao ở tiểu phần Battle Royale bà ta vẫn còn sống? Anime không hề giải thích điều này. Hay cả việc đường hầm bị Pháp phá để chặn đường giao thương của Anh Quốc với thế giới, động cơ đảo chính của Carissa, nhóm Tân Quang, mớ thoại của Fiamma... Tất cả đều hiện lên vô cùng mờ nhạt, khó hiểu và dễ gây lú với những ai chưa đọc nguyên tác. Và tình trạng này kéo dài liên tục, mà đỉnh cao nhất có lẽ là tiểu phần DRAGON.


"Ê HÀ MÃ TAO CÒN SỐNG NÈ, MÀY KHÔNG CẦN BIẾT LÝ DO ĐÂU VÌ CÓ 26 TẬP THÔI KHÔNG GIẢI THÍCH ĐƯỢC NHÉ!"


Mình sẽ thử đặt ra một màn chơi như thế này, 500.000 đồng với một người chỉ xem anime của To Aru Majutsu no Index III. Thử đặt ra một vài câu hỏi sau khi người đó xem xong 26 tập như là: "Ê mày, mày biết động cơ hành động của con Stephanie Gorgeousplace không? Ai và vì sao họ lại đuổi giết Hamazura Shiage? Vì sao Mugino Shizuri còn sống mà lùng giết được Hamazura dù bị Hà Mã bón hành ở Battle Royale rồi?" Hoặc: "Rốt cuộc DRAGON thực ra là cái gì? Sao lại đột nhiên lòi ra thằng Aiwass thế? Sao hắn lại liên quan đến bệnh tình của con bé Last Order? Con Misaka Worst nhảy ra từ chỗ nào và đám ở Đô thị Học viện định làm gì?" Nếu người đó trả lời được đúng chính xác trọn vẹn hai câu hỏi trong mớ trên chỉ từ việc xem anime chứ không cần Wiki hay manga (mà cũng không thể vì manga ở thời điểm hiện tại mới đến đoạn Acqua Hậu Phương đánh Đô thị Học viện, bản dịch Việt thì là Daihaseisai), light novel,... thì mình tuyên bố cho luôn 500.000 đồng ấy.


Hậu quả tiếp theo của việc rush này, đó là bản chuyển thể đã phá đi hoàn toàn những gì nguyên tác đã làm, không thể khiến cho người xem tạo được cầu nối với nhân vật và hiểu họ. Như đoạn Misaka Worst bị Accelerator đánh bại, và khi hắn gào thét với đám trong mặt tối Đô thị Học viện, chứng minh bản thân không phải chỉ có thể sử dụng năng lực để giết người mà có thể cứu người được. Hay trận Accelerator với Touma nữa. Nếu chỉ xem anime thì mình đảm bảo sức nặng cảm xúc của các bạn dành cho hai cảnh này cũng sẽ chẳng đáng là bao, vì đơn giản như mình đã nói trên, anime không tạo cầu nối để người xem thấu hiểu nhân vật được.



Mà thậm chí có hiểu thì cũng khả năng vô cùng cao gây ra cái nhìn sai lệch, dễ làm cho người xem anime hiểu sai. Ví dụ như Kamijou Touma, mình tuyên bố thẳng Touma anime và Touma light novel là hai người khác nhau, nên nếu chỉ xem anime thì hãy dừng lại ở mức phán anime chứ đừng có nói Touma ở light novel giống Touma ở anime làm ơn đấy. Touma anime là thằng có cái plot armor dày ngang 500 con Nokia 3310 chạy xuyên được qua cả bão tuyết; Touma trên light novel là người dùng não, có trí khôn và Tri Giác Linh Cảm (hiểu đơn giản là trực giác).


Ví dụ như ở trường đoạn Touma sử dụng cánh tay thép mà Lessar mới chế ra và máy bay của Đô thị Học viện để đuổi đám pháp sư đang giam giữ người vô tội tại một khu vực của Nga (Bé nó vừa khoe cái găng mà anh có nhất thiết phải phá thế không?), đó là minh chứng cho việc Touma dùng não đấy nhưng anime đã lựa chọn cắt đi hoàn toàn. Nhưng thôi Touma còn may mắn nếu so với Hamazura Shiage khi Hamazura còn bị cắt nhiều hơn. Ở tập 20 có thể lấy làm ví dụ khi mà việc anh cân cả hai chiếc trục thăng của đám lính đánh thuê trong quân đội Nga bị cắt sạch hoàn toàn, mà Acqua Hậu Phương nhảy ra hỗ trợ ngay lập tức.


Nói tóm lại, vì chỉ có 26 tập anime mà phải gánh trên vai đến tận 9 tập light novel nên cuối cùng, To Aru Majutsu no Index III đã thất bại thảm hại về mặt nội dung và nhân vật. Với những người biết đến To Aru qua anime chưa đọc nguyên tác thì mình chắc chắn các bạn xem sẽ chẳng thể hiểu được cái gì đang diễn ra trên màn hình, cũng như cũng chẳng thể có nổi mấy cảm xúc với các nhân vật, mà thậm chí còn hiểu sai bản chất của câu chuyện lẫn nhân vật ấy chứ.


Mà nát về nội dung lẫn nhân vật như vậy, còn art và animation thì sao? Ôi... Lên voi xuống chó nhé các bạn J.C.Staff nói. Công bằng mà nói To Aru Majutsu no Index III có vài đoạn nhìn cũng thuộc vào dạng được dù hơi thô sơ, chủ yếu là mấy đoạn có Acqua nên chắc J.C.Staff simp anh chăng? Hay cả cảnh sau khi Accelerator chữa thành công cho Last Order ở tập cuối nữa. Nhưng cũng có nhiều đoạn rất nát, nhìn đúng nghĩa rẻ tiền của rẻ tiền với art và animation rởm đừng hỏi như trận đấu giữa hai Level 5 mạnh nhất Đô thị học viện, là #1 Accelolicon với #2 Tủ lạnh-kun (Accelerator và Kakine Teitoku). Thậm chí thua cả To Aru Majutsu no Index II ra năm 2010, và hai phần anime To Aru Kagaku no Railgun ra mắt trước đó lần lượt vào năm 2009 và 2013 (Khỉ thật J.C.Staff nuông chiều Mikoto quá, Railgun đúng nghĩa con cưng rồi)


Beautiful... 

Nhưng nát nhất, nhất của nhất thì mình phải nói đến trận tái đấu của Kamijou Touma với Accelerator, diễn ra tại Nga trong Thế Chiến III. Trận chiến trên light novel rất lực, rất cảm xúc và thể hiện rõ kĩ năng lẫn trí tuệ của Touma. Như Tri Giác Linh Cảm mà Touma có được nhờ kinh nghiệm chiến đấu suốt bấy lâu mình có nói trên đấy, giúp cậu có thể nhận diện mà biết đường né tránh những đòn tấn công trong vô thức. Hay thậm chí cả Imagine Breaker của Touma, khi nó có điểm yếu là không thể hoá giải ngay cánh của Accelerator trong trận đấu, nhưng cậu đã biến điểm bất lợi đó thành điểm mạnh để chiến thắng.


Còn lên anime thì... Mình sẽ lần lượt như thế này để cho các bạn dễ hiểu hơn nhé. Accelerator tấn công Lessar dù cô chẳng liên quan gì đến chuyện của hắn với Touma. Touma ngay lập tức hoá giải được cái cánh của Accelerator bằng Imagine Breaker và vứt não lẫn Tri Giác Linh Cảm chạy qua bão tuyết lao thẳng vào kẻ địch, như thể một thằng racing boi đang gào: "Tao có plot armor được đạo diễn và biên kịch cho nhé chết thế nào được!". Một trận đánh căng thẳng cả về nội tâm lẫn chiến thuật mà chỉ trúng tầm từ hai tới ba đòn cũng đủ chết thành trận đấu giữa hai thằng đứng im đấm nhau theo lượt, một thằng nói xàm với ý định thông não và một thằng cầm cục đá đập thằng còn lại trông yếu đuối thảm hại vãi cả ra. Mớ cánh chết chóc của Accelerator thành lốc xoáy dị hợm yếu ớt và mớ animation vừa khựng vừa lặp lại sặc mùi rẻ tiền. Phù... thế chắc là cũng đủ rồi.




Tuy nhiên... bất ngờ thay là background của To Aru Majutsu no Index III lại thực sự vô cùng tốt, nhìn thôi đã thấy đẹp rồi ấy chứ. Cách đổ bóng, chiếu sáng, sắp xếp bố cục khung hình lẫn hiệu ứng đều hoàn hảo. Mình còn suýt nhầm đây là phim của Shinkai Makoto mấy lần vì độ đẹp ấy. Các bạn có thể chụp đại một tấm từ anime và lấy đó làm ảnh màn hình cho chiếc máy tính yêu quý của mình cũng được ấy chứ. Và đặc biệt, đã nhắc đến To Aru Majutsu no Index III mà không nhắc đến cái OP2 quả thực là thiếu sót. Art và animation của cái OP2 mình nói thẳng luôn đã cùng với mớ background đẹp như phim Shinkai cướp sạch kinh phí của toàn bộ anime, khi mà nó quá xuất sắc. Ai mà quên được bầu trời Nga huyền ảo ấy trong cái OP2? Hay cảnh Misaka Worst toả ra tia điện va chạm Accelerator trong tốc độ cao với những góc quay di chuyển liên tục không khác gì đến từ bàn tay của Ufotable nhưng ít hiệu ứng lòe loẹt và animation mượt mà hơn? Hay cả cảnh Misaka Mikoto nhảy từ chiếc phản lực này sang chiếc khác trong khi những quả tên lửa đuổi sát sau lưng trên bầu trời nữa nữa??? Ôi nói thật khó diễn tả bằng lời các bạn ạ, OP2 xịn thực sự.


ÔI MẸ ƠI NÓ LẠI ĐẸP QUÁ :((((

Âm nhạc cũng là một yếu tố vô cùng đáng nói, khi mà Maiko Iuchi đã lên tay thấy rõ. Soundtrack của To Aru Majutsu no Index III có thể coi là xịn nhất trong số các To Aru anime, với những bản nhạc điện tử lúc dồn dập đầy căng thẳng như Dog Fight khắc hoạ hoàn hảo bầu không khí trong trận Touma với Accelerator (một trong những điểm sáng hiếm hoi của trận đấu này); hay cả AIM Stalker với Hell Factor nữa chứ! Ấy là còn chưa bàn đến OP và ED, hai bản nhạc ED với sự thể hiện của Yuka Iguchi vẫn hay tuy nhiên điểm sáng nhất phải là OP, cụ thể là OP2.




Cho những ai chưa biết thì Mami Kawada, người trước đây đã đem đến những Masterpiece với See visionS đỉnh cao trong To Aru Majutsu no Index I II đã giải nghệ. Và công việc làm OP nay đã được truyền lại cho Maon Kurosaki. Với OP1 là Gravitation của cô thì cũng ở mức tạm ổn, so với Mami Kawada ngày xưa thì đuối rõ rệt nhưng vẫn ổn. Còn OP2 là ROAR thì... ôi trời ơi sao mình chê được đây cơ chứ! Giọng ca mạnh mẽ đầy nội lực, giai điệu đàn guitar điện tử và trống dồn dập không ngừng nghỉ, những khoảng lặng sâu lắng đầy cảm xúc,... Tất cả đã kết hợp hoàn hảo để tạo nên ca khúc đánh dấu hồi kết, với Đệ Tam Thế Chiến đầy bi tráng cùng ba người hùng quả cảm trong Old Testament.





• Hồi kết:


Dù có một vài điểm sáng nhưng do những quyết định sai lầm của Kadokawa và studio J.C.Staff mà đến cuối cùng, To Aru Majutsu no Index III đã không thể đạt được tiềm năng to lớn của bản thân cũng như đáp ứng kì vọng của người hâm mộ suốt 8 năm trời. Khi mà có một cốt truyện bị rush và sửa đổi đến quá đáng, khiến cho người mới không thể xem nổi cùng art và animation "lên voi xuống chó". Kết cục thì To Aru Majutsu no Index III thất bại thảm hại về doanh thu nếu so với đỉnh cao là To Aru Majutsu no Index II khi chỉ bán được 4886 bản BD Vol 1. Thực sự khá là đáng buồn ít nhất là với mình, vì mình biết rằng To Aru Majutsu no Index là một tác phẩm light novel hay, và xứng đáng được hơn như thế này... Nhưng thôi biết làm sao được đây, nhỉ?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến