[ UTOPIA CÓ THỰC SỰ KHẢ THI? - HAY DYSTOPIA MỚI LÀ KẾT CỤC CỦA GIẤC MƠ HÃO HUYỀN? - RANH GIỚI MONG MANH GIỮA THIÊN ĐƯỜNG MẶT ĐẤT VÀ ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN ]
[ UTOPIA CÓ THỰC SỰ KHẢ THI? - HAY DYSTOPIA MỚI LÀ KẾT CỤC CỦA GIẤC MƠ HÃO HUYỀN? - RANH GIỚI MONG MANH GIỮA THIÊN ĐƯỜNG MẶT ĐẤT VÀ ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN ]
.
.
Utopia hay chốn thiên đường nơi mặt đất, vùng đất cao đẹp và lý tưởng mà con người luôn mơ đến. Và Dystopia, địa ngục trần gian mà chúng ta không muốn sa vào. Cả 2 vùng đất đều được cho là một xã hội không tưởng, tuy nhiên chúng có thực sự là khả thi? Hay chỉ là những hòn đảo nơi mộng tưởng? Well… chào mọi người, lại là Immunity đây, mình khuyên mọi người nên chuẩn bị một tách cafe cho những thứ mình sắp đề cập đến. Chào mừng mọi người đến với chủ đề mà Immunity rất thích dạo gần đây: liệu Utopia có thực sự khả thi? - hay Dystopia mới là kết cục của giấc mơ hão huyền? - Ranh giới mong manh giữa thiên đường mặt đất và địa ngục trần gian.
Đây là một chủ đề tương đối lớn nên nếu có gì sai sót, mong mọi người góp ý giúp mình nhé.
.
Ok… trước tiên ta cũng nên đề cập đến chủ đề chính của bài viết này: utopia và dystopia. 2 khái niệm này là gì? Và sự ảnh hưởng của nó ra sao?
Utopia được xem như kết quả cuối cùng của một xã hội lý tưởng và hoàn hảo, nơi con người tìm lý tưởng chung cho mình, hoặc đơn giản hơn, còn có thể gọi là "THIÊN ĐƯỜNG".
Utopia được Thomas Morus (Sir Thomas More) đặt tên cho cuốn sách của ông với nội dung miêu tả "Utopia" là một hình thái xã hội trên một hòn đảo giả tưởng ở Đại Tây Dương. Ngoài ra, cụm từ "Utopia" còn được dùng để mô tả Egalitarianism (Chủ Nghĩa Bình Đẳng hay Chủ Nghĩa Quân Bình).
Thuật ngữ này thường xuất hiện trong những chủ đề về các tác phẩm nghệ thuật có cộng đồng muốn tạo ra xã hội lý tưởng. Qua tác phẩm của Sir Thomas More ta thấy được một xã hội nơi mọi người sống với nhau bình đẳng, không giàu nghèo, tài sản tư, bình đẳng giới và hạnh phúc.
Chiến tranh ở Utopia không được ủng hộ nhưng vì điều kiện tất yếu của cách mạng khi có tình huống bất trắc xảy ra thì bạo lực vẫn không thể tránh. Ở Utopia, bạn có thể theo bất kỳ tôn giáo nào. Tuy nhiên vô thần thì không được cho phép, vì tôn giáo và tín ngưỡng sẽ giúp con người đi vào khuôn khổ chung. Utopia còn miêu tả những cách mới mà con người liên kết với thiên nhiên. Hệ sinh thái ở Utopia là có thể nguồn cảm hứng cho phong trào liên quan đến chính trị sinh thái.
Dystopia "con quỷ địa ngục" là một thuật ngữ được dựa trên Utopia, mọi người còn gọi là phản địa đàng hoặc phản utopia. Đại khái, thuật ngữ trên dùng để chỉ một dạng xã hội cực kì tồi tệ và khủng khiếp. Dystopia được biết đến bởi các yếu tố như vô nhân đạo (khi công nghệ phát triển vượt bật nhưng đạo đức con người cứ đi lùi về sau), thảm họa về môi trường, chính phủ độc tài, cạn kiệt nguồn tài nguyên hoặc các đặc điểm khác liên quan đến sự suy đồi những giá trị cốt lõi và tốt đẹp của xã hội, loài người .
.
Và để lấy một ví dụ rõ hơn về 2 khái niệm bên trên có khá nhiều bộ từng đề cập đến như thế giới mộng ảo của cụ Madara chẳng hạn. Nhưng mình sẽ đề cập đến hai thành phố đến từ tựa game mà mình đã có dịp tìm hiểu gần đây: Rapture và Colombia đến từ tựa game Bioshock. Cùng Vinland đến từ tựa truyện Vinland Saga như một nơi đang đặt mục tiêu tiến đến Utopia.
.
Rapture là thành phố nằm dưới đáy đại dương được thành lập bởi Andrew Ryan dành cho những con người có đầu óc vĩ đại. Với 3 trụ cột chính tạo nên thành phố là: Khoa học - Công nghiệp - Nghệ thuật cùng câu khẩu hiệu: No Gods or Kings, Only Man. Rapture phát triển mạnh mẽ vượt xa tất cả những nơi khác cùng thời cho đến khi sụp đổ bởi chính sức nặng của nó.
Về khởi đầu, Rapture có thể nói là khá thuận lợi, sự tiến bộ trên cả 3 mặt là khoa học, công nghiệp và nghệ thuật khi không còn bị giới hạn bởi những lý lẽ thông thường. Bioshock từ thành phố chỉ có thể nằm trong tưởng tượng mọc lên từ lòng đại dương. Hiện thực hóa hình ảnh utopia tưởng như không thể.
Nhưng cái gì phát triển quá lớn mạnh mà không có sự kìm hãm thì sớm muộn gì cũng sẽ xuất hiện những thứ có thể làm nó sụp đổ. Bắt đầu từ việc khoa học tạo ra thứ chất cấm mà không lường trước được sự nguy hiểm của nó. Công nghiệp lại đem món hàng cấm đi sản xuất vô tội vạ. Và cuối cùng là việc thứ chất cấm đẩy nghệ thuật đi lệch khỏi đường ray và trở nên kinh dị, lệch lạc vô đạo đức.
Rapture đại diện cho một vùng đất mà mọi thứ đều được giải phóng, mọi xiềng xích đều được cởi bỏ. Con người phát triển mà không cần quan ngại đến bất cứ thứ gì. Và đồng thời cũng thể hiện mặt trái trong tư tưởng này. Nếu mọi thứ phát triển mà không có sự kiểm soát, sớm hay muộn chúng cũng sẽ đi quá giới hạn. Thú vị ở chỗ, sự tồn tại của thành phố Rapture lại là minh chứng cho điểm thiếu sót trong tư tưởng của những anh bạn trùm đầu nhảy tháp từ một game khác: ý chí tự do nếu đi quá giới hạn có thể dẫn đến sự hỗn loạn và hủy diệt.
.
Trong khi thành phố đại dương từ chối thánh thần và các nhà cầm quyền, Columbia lại theo một chủ nghĩa hoàn toàn ngược lại. Chính quyền là tôn giáo, và tôn giáo chính là chính quyền. Và cũng như Rapture với 3 trụ cột, Columbia cũng có 3 tổ phụ gắn liền với 3 yếu tố: Công nghiệp - Luật và trật tự - Quyền lực và công lý. Cùng đức tin vào nhà tiên tri: Zachary Comstock. Tin rằng Columbia là vùng đất thánh nơi Chúa sẽ hạ phàm. Nghĩ rằng Colombia là vùng đất thánh sẽ giáng sự trừng phạt xuống những kẻ thấp kém. Nhưng thành phố tưởng chừng là một nhà thờ ngoan đạo ấy lại mọc lên những mặt tối tồi tệ hơn cả xã hội mà họ khinh thường.
Columbia bắt đầu bộc lộ nên mặt trái của nó khi bộc của nó khi cho rằng phần còn lại của thế giới là thấp kém hơn. Sự xuất hiện của chế độ nô lệ, chế độ phát xít và phân biệt chủng tộc, tất cả đều là thành quả của chủ nghĩa ngoại lệ mà Columbia tin vào. Những con người được cho là thấp kém của Columbia phải sống trong nguy hiểm, bị kỳ thị và phân biệt. Rồi như một điều gì đến rồi cũng sẽ phải đến khi trong xã hội có một tầng lớp bị chèn ép quá mức.
Trái với Rapture có thể xem là một xã hội tự do, Columbia là một xã hội mà mọi cá nhân được dẫn dắt bởi một tầng lớp xuất chúng. Ở Columbia ta đã thấy một xã hội tưởng chừng như bình yên và trật tự. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo người cầm quyền mãi mãi không bị tha hóa về quyền lực. Và một nơi mà con người tự cho mình cái quyền khinh miệt những tầng lớp thấp kém thì sớm muộn gì những con người bị chà đạp ấy cũng sẽ nổi loạn. Cũng như Rapture được so sánh với Assassin, Columbia cũng mang dáng dấp của một hội kín nào đó nhỉ, tất nhiên là không giống y hệt. Columbia là thành quả khi một cá nhân nắm quá nhiều quyền lực trong tay và chẳng có gì đảm bảo cá nhân ấy không bị tha hóa bởi quyền lực mà mình nắm giữ. Comstock có thể xem là một Templa tha hóa kiểu mẫu, biến thiên đường thành địa ngục vì say quyền lực của bản thân. Và cả sự nguy hiểm khi suy nghĩ chủng tộc mình là cao quý hơn những người khác.
.
Và cuối cùng, cũng có một nơi mình rất mong chờ cái kết. Một vùng đất đang trên những bước đầu tiên tiến về phía Utopia: Vinland.
Ở chap 172, có một vấn đề được đưa ra trước Thorfinn là: Kiếm ( vũ khí ) có thực sự cần thiết cho vùng đất mới? “Mọi người chạy đua vũ trang để giành quyền bình đẳng. Nếu lũ đó không coi trọng chúng ta thì hợp tác song phương không thể xảy ra.” Nói cách khác, vấn đề chính là: làm thế nào để có được một mối quan hệ giữa một bên không có khả năng chiến đấu và bên còn lại có thể cướp bóc thay cho trao đổi? Vậy nên, sự hiện diện của Kiếm và lực lượng quân sự là cần thiết để giữ hòa bình. Thorfinn đã từ chối bằng cách gọi kiếm là một thứ bùa mê, một khi đã vung nó thì sẽ bị nó hấp dẫn. Một khi bắt đầu chiến tranh thì tất cả đều sẽ rút kiếm tạo nên sự bạo lực không hồi kết. Nhưng cậu cũng chỉ mới từ chối được việc mang theo vũ khí chứ không giải quyết được vấn đề trên. Làm thế nào để duy trì hòa bình ở Vinland mà không dùng bạo lực?
Vậy nên ở chap 173, Thorfinn tìm đến Halfdan, một chủ đồn điền lớn để tìm lời giải cho vấn đề này. Halfdan cũng thừa nhận sự hiện diện của quân đội là cần thiết. Ông đã hỏi điều gì ngăn ông giết Thorfinn? Là do luật pháp. Nhưng không phải ai cũng tuân theo luật vậy nên mới cần quân đội ( bạo lực ). Quân đội chính là lực lượng hành pháp để giữ vững luật lệ và thể hiện quyền lực của giới cầm quyền. Vậy nên quân đội và bạo lực là cần thiết. Nhưng cũng từ câu hỏi của Halfdan, Thorfinn nhận ra còn một lý do khác để ông không giết cậu được vì sự hợp tác của cả 2. Nếu Halfdan giết Thorfinn, cả 2 cùng chịu thiệt. Hay theo cách nói của cậu là việc tạo nên một nồi cừu hầm.
A có X và B có Y, cả 2 cần hợp tác với nhau để đạt được Z ( lợi ích chung ). Đấy là cách mà Thorfinn muốn chọn để xóa bỏ bạo lực ở Vinland. Bằng cách sống lệ thuộc vào nhau và trao đổi hàng hóa để không cần dùng đến bạo lực. Tất cả mọi người đều phụ thuộc vào nhau, không nhất thiết phải là hàng hóa mà có thể là tri thức, văn hóa và nhiều thứ khác. Đó là cách mà Thorfinn sẽ áp dụng lên Vinland.
Vậy Vinland của Thorfinn có thực sự đáng hứa hẹn? Có thể. Vinland sẽ được tạo nên dựa trên hệ thống của… xã hội cộng sản nguyên thủy. Yep… đây là thứ nhảy ra trong đầu mình ngay sau khi xem chap 173. Mọi người sống phụ thuộc vào nhau và hoàn toàn bình đẳng. Điều đó đồng nghĩa với việc không có bất kỳ ai cao hơn ai và không hề có bạo lực. Vinland rất gần với khái niệm Utopia.
Hay Vinland chỉ là sự ngây thơ? Thorfinn khi nghĩ ra đường lối cho Vinland của cậu, cậu đã không tính đến một thứ có thể đảo lộn cả Vinland: lòng tham và sự ích kỷ của con người. Lý do mà xã hội nguyên thủy sụp đổ là gì? Sự dư thừa của cải và từ đó tạo nên lòng tham của con người. Có gì đảm bảo để con người không bộc phát lòng tham muốn chiếm đoạt tài sản của người khác? Và nếu không có thứ gì để răn đe, điều gì sẽ ngăn cả họ tập trung quyền lực để làm nó. Thêm một thứ nữa đó là sự lười biếng. Nếu một người không làm mà vẫn muốn có ăn thì sao? Thứ đầu tiên sinh ra sẽ là trộm cắp, dần dần bọn trộm trở nên liều lĩnh dẫn đến cướp bóc. Người dân sẽ bắt đầu vũ trang để bảo vệ của cải và cuối cùng vẫn sẽ dẫn đến bạo lực. Đó là chưa kể đến tác động từ các thế lực từ bên ngoài. Cứ xem như Thorfinn thành công tạo nên Vinland đi, Vinland có thể duy trì được một khoảng thời gian rồi cũng sẽ sụp đổ.
Và Vinland có thực sự khả thi? Điều này thật sự khá khó nói. Lấy thế giới chúng ta hiện tại làm ví dụ. Chúng ta có nền hòa bình tương đối và có sự trao đổi thương mại như Thorfinn muốn, tuy nhiên thứ đang duy trì nền hòa bình ấy là tiềm lực quân sự ngang bằng giữa các nước lớn, cụ thể hơn chính là cái án tử treo trên đầu nhân loại: vũ khí hạt nhân. Và chúng ta có những người lãnh đạo nằm dưới luật pháp và đang được giám sát bởi quần chúng nhân dân. Hay nói chính xác hơn, thế giới đang vận hành theo hệ thống mà Halfdan đề cập, mình nghĩ có thể xếp vào vị trí nằm giữa xã hội hiện tại của Thorfinn và Vinland mà cậu mong ước.
Vậy nên từ góc nhìn của mình, Vinland có vẻ gần với khái niệm toang hoặc sẽ thay đổi một chút so với những ý định ban đầu của Thorfinn để trở thành một vùng đất hòa bình. Nhưng nhìn chung, cho đến hiện nay thì hành trình của Thorfinn khi đi tìm Vinland vẫn rất đáng được mong chờ.
.
Vậy Utopia có thực sự là một điều khả thi?
Well… theo như ý kiến và góc nhìn của mình có lẽ là không. Thậm chí bản thân mình cho rằng Utopia là một ý tưởng tương đối ngây thơ. Utopia là một xã hội hoàn mỹ, nơi con người sẽ sống hạnh phúc, đổi lại mọi cá nhân đều phải có sự cống hiến cho xã hội để giúp nó có thể duy trì. Vậy nên ta mới có thể nói rằng Utopia thực sự là một tư tưởng ngây thơ.
Utopia nhìn thì hoàn hảo và hạnh phúc ấy. Nhưng Utopia lại là một xã hội không tính đến những mặt trái làm nên một con người: những thói xấu của con người hay nói văn hơn là thất đại tội. Xã hội Utopia là nơi mà con người ai cũng như nhau, ai cũng cống hiến và nhận được như nhau. Khi ta nhìn xung quanh ta sẽ không thấy có ai khác biệt với mình. Nhưng con người lại có lòng tham. Như mình đã đề cập đến cách mà Vinland của Thorfinn sẽ sụp đổ ở bên trên. Utopia sẽ sụp đổ khi xuất hiện một cá thể khác biệt so với phần còn lại của cộng đồng. Việc xây dựng một Utopia đã khó rồi. Việc duy trì nó còn khó khăn hơn.
Thứ 2, Utopia có thực sự hạnh phúc? Mọi người đều giống nhau, như nhau và nhìn chung là không hề có ai khác biệt. Well… vậy thì không. Ít nhất với mình thì mình cũng không muốn tiến đến một Utopia như thế.
“Một thế giới hoàn toàn bình đẳng là một thế giới mà tất cả chúng ta đều bị coi thường như nhau.” Shiba Tatsuya
Vì một cuộc sống như vậy chẳng khác nào một con rối trong tay ai đó. Bạn có thể sống no đủ, không cần quá lo lắng về tương lai. Nhưng một cuộc sống không tưởng và hạnh phúc? Không hoặc mình cho là thế. Không phải là cuộc sống mà ta chỉ dậm chân tại chỗ và sống theo lời của một ai đó. Rồi lại biến mất như một con người có thể bị thay thế bởi bất cứ ai.
Thứ 3, Vậy nếu một Utopia được xây dựng dựa trên nền tảng nào thì sẽ có khả năng duy trì? Không có cái nào cả. Nếu Utopia là một nơi tự do, nó sẽ trở nên giống Rapture. Nếu có một bộ máy lãnh đạo tất cả mọi người, nó sẽ giống như Columbia. Nhưng còn việc Utopia đấy có một bộ máy lãnh đạo tốt đẹp như cư dân của nó, độc lập với bên ngoài và không có bất kỳ tội lỗi, không ai hơn ai? Thì nó có lẽ không còn là một xã hội loài người nữa, một nơi đứng chững lại mà không thể tiến lên một bước. Bởi lẽ không chỉ những điều tốt đẹp, xã hội chúng ta đang sống còn bị ảnh hưởng, thúc đẩy và phát triển bởi những mặt trái của con người. Còn không, thì nó cũng chỉ là một xã hội phát triển không tưởng chỉ có ở nơi miền đất hứa hoặc một tương lai xa xôi nào ở phía trước.
Utopia chỉ là một lý tưởng ngây thơ so với hiện thực tàn khốc và nó không thể xảy ra. Nhưng có thực sự là vậy?
.
Dystopia có khả năng xuất hiện?
Từ góc nhìn của mình về Dystopia và lịch sử mà nói… Yes. Đáng buồn hơn, việc Dystopia xuất hiện còn có tỉ lệ lớn hơn cả Utopia ở bên trên khi có thể nói nó xuất hiện vài lần ở vài nơi trong lịch sử rồi với ví dụ tiêu biểu chả đâu khác ngoài 2 cuộc thế chiến và nạn đói trên chính mảnh đất Việt Nam này. Vùng đất tha hóa chẳng khác nào địa ngục trần gian. Tuy nhiên, Dystopia chỉ xuất hiện một cách tức thời so với chiều dài lịch sử của con người, sau đó biến mất. Hoặc nói đúng hơn, con người thường vực dậy và xây dựng lại mọi thứ từ những cuộc chiến tựa như địa ngục ấy và rồi tiến đến một thời kỳ nơi tốt đẹp hơn. Ah… yep… Mình cũng thừa nhận là không phải nơi nào cũng phát triển màu nhiệm như thế. Nhưng nhìn chung, chúng ta cũng đã vượt qua được vài thứ như thế rồi. Nhưng tại sao Dystopia lại không thể duy trì dù nó dễ xảy ra hơn Utopia? Tại sao con người lại có thể tiến lên từ những viễn cảnh tưởng chừng như địa ngục trần gian?
Đầu tiên: nhân tính của con người. Well… đây đáng ra nên là thứ cuối cùng mình nên đề cập vì nó cũng khá bấp bên, nhưng thực sự nhân tính lại là thứ giúp con người hơn loài thú vật và ngăn được Dystopia đầu tiên. Dystopia là nơi mà đạo đức suy đồi, nhưng bản chất con người không thuần nghiêng về phía xấu và con người cũng những phần tốt đẹp, những bản chất cao quý mà chúng ta đã tôn vinh qua hàng thế kỷ. Góp phần định hướng nhận thức của con người tránh khỏi sự suy đồi về đạo đức. Vậy nên sẽ có những người sở hữu đạo đức, hay thậm chí một số người đạo đức giả cũng có thể góp một phần ngăn hoặc đơn giản là làm chậm quá trình Dystopia xảy ra.
Thứ 2: sự mưu cầu hạnh phúc của con người. Chúng ta luôn mưu cầu hạnh phúc, bất cứ ai cũng muốn được sống hạnh phúc. Vậy nên sẽ có một điều hiển nhiên là con người sẽ bắt tay nhau ngăn việc Dystopia xuất hiện. Chẳng ai lại muốn sống ở nơi mà tính mạng bị đe dọa một cách thường trực cả. Con người là sinh vật có lòng tham. Chúng ta muốn no đủ, chúng ta muốn ăn ngon, chúng ta muốn sống tiện nghi, chúng ta muốn sống một cuộc đời hạnh phúc,... tất cả đều là sự mưu cầu hạnh phúc của con người. Và tất nhiên, Dystopia nơi đi ngược lại lợi ích của số đông, một nơi chẳng thể đáp ứng được nó thì sẽ chẳng ai muốn nó xuất hiện cả.
Thứ 3: sự tiến bộ của xã hội. Well… vấn đề này khá là mang tính 2 mặt khi mà sự phát triển đôi khi cũng đi kèm với những thứ chả tốt đẹp gì cho cam. Lịch sử của chúng ta không phải lúc nào cũng đi theo hướng tốt, có thể nói khá là tệ. Đôi khi, con người cũng phá tan tành mọi thứ trong lúc phát triển xã hội của mình. Nhưng đồng thời con người cũng có những cố gắng để phục hồi nó. Thêm nữa việc xã hội tiến bộ cũng làm nhận thức của con người phát triển hơn. Cứ lấy ví dụ là trước kia có một nhiều vùng đất mà mạng người chẳng khác gì cỏ rác đi. Thì bây giờ việc lấy đi một mạng người lại là hành động bị lên án. Việc chúng ta tiếp tục phát triển, đặc biệt là về sự nhận thức cũng là một phần quan trọng để thứ kinh khủng như Dystopia không xảy ra.
Và để nêu ví dụ chính xác nhất cho việc tại sao con người không muốn đi vào Dystopia bạn có thể tham khảo thế giới… Warhammer nhỉ? Ừ Warhammer. Đế Chế? Ừ Đế Chế. Con xin lỗi Hoàng papa nhưng thật sự chẳng có thế giới nào miêu tả Dystopia tốt hơn Đế Chế của Bố bây giờ được. Và nếu bạn hỏi tại sao, bạn có thể tham khảo về một ngày của công dân Đến Chế tại:
https://www.youtube.com/watch?v=N4RWlGhqsBs&list=PLi525W-c0LF-GhEj6L4sPD1pHNKdyf9ZP&index=5
.
Con người có khả năng nào tiến đến Utopia? ( Đây chỉ là giả thuyết mình nghĩ ra, nếu có sai sót mong mọi người góp ý nhé. )
Con người “đi đến” được Utopia hay không thì mình không chắc. Nhưng “đạt đến” thì sao? Có lẽ.
Câu trả lời có thể được tìm thấy trong những suy nghĩ của Sora về tương lai của loài người trong Vol 10 của No game no life.
“ “Loài người không bao giờ thay đổi. Họ sẽ cứ tiếp tục mắc sai lầm… Họ sẽ tiếp tục kiếm chuyện với thế giới, với những luật lệ.”
Cậu tưởng tượng như vậy, dù cậu hình dung nó sẽ xảy ra theo cái cách xấu xí nhất có thể.
…Thế giới cũ của cậu. Trái Đất—sáu ngàn năm sau…
Năm 8000 sau CN… thế kỷ tám mươi mốt… Hừm…
Quá là xa xôi đến mức cậu không thể tưởng tượng nổi. Mà, dù sao thì. Thế giới ấy sẽ không bị xếp vào loại khoa học viễn tưởng theo bất kì cách nào đâu. Nó sẽ kiểu opera vũ trụ hoặc là một viễn cảnh tái xây dựng nền văn minh thái quá đến mức cả hậu khải huyền cũng không sánh bằng.
…Mà…thì, biết nhân loại rồi, vế sau có vẻ có khả năng hơn. Nhưng giống như loài người ở đây—Immanity—họ sẽ không bị tuyệt chủng một cách quá dễ dàng đâu. Vậy nên. Sora nghĩ về nhân loại xa xôi ấy, và cậu dõng dạc tuyên bố một khả năng của họ, cùng một nụ cười.
“Họ có thể làm nổ tung hành tinh mẹ của mình, hay thậm chí cả hệ mặt trời—hay thực ra, có khi hủy diệt cả vũ trụ luôn vì một sai lầm ngớ ngẩn nào đó.”
Và rồi họ sẽ phải miễn cưỡng đi tìm những mảnh đất mới—như Disboard chẳng hạn.
“Và rồi tới đây bằng cách ‘du hành giữa các thiên thể,’ kiểu—Chào các bạn ♥ …Ha-ha!! Tôi thấy được luôn ấy. ♪”
Họ rồi sẽ bỏ xa tất cả các chủng tộc của Disboard. Dù tốt hay xấu, họ rồi sẽ đến một nơi không ai—thậm chí chính bản thân con người—có thể tưởng tượng được.“ No Game no life vol 10.
Cứ xem Utopia đơn giản là một vùng đất hạnh phúc không tưởng đi. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ về xu hướng con người không bao giờ hài lòng với thời đại ta đang sống chưa? Con người thường có xu hướng bi quan về xã hội mình đang sống và mơ ước một xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng hãy thử nghĩ đơn giản thế này nhé: nếu xem Utopia là một xã hội hạnh phúc không tưởng thì liệu đối với những con người đến từ những thời kỳ đen tối của nhân loại, liệu xã hội bây giờ, dù trong mắt chúng ta thật sự vẫn chưa tốt đẹp gì, có phải là một xã hội không tưởng trong mắt họ không? Nếu cả Utopia và Dystopia đều quá nguy hiểm, vậy còn Protopia, một xã hội phát triển dần theo thời gian. Đây chính là giả thuyết mình muốn đề cập đến.
Protopia là một xã hội tiến bộ dần theo thời gian. So với Utopia một thiên đường không tưởng và Dystopia một xã hội toan hoang, Protopia là nơi dần tiến bộ, cố gắng tiến bộ, để tiến về phía trước với những cải tiến nhỏ, gia tăng. Và sự cải thiện nhỏ đó hàng năm, khi nó được kết hợp trong nhiều thập kỷ hoặc nhiều thế kỷ trở thành nền văn minh. Có thể nói Protopia là trạng thái hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, mặc dù nó có thể chỉ tốt hơn một chút. Protopia khó hình dung hơn nhiều. Bởi vì nó là một thị trường tiềm ẩn chứa nhiều vấn đề mới cũng như những lợi ích mới, nên rất khó dự đoán sự tương tác phức tạp giữa hoạt động và phá vỡ này. Dystopia là một nơi đang dần tiến đến tương lai vô định bằng sự phát triển.
Nếu Dystopia là một quá khứ đang dần biến mất ở phía sau, Utopia là một tương lai bất định ở phía trước, vậy thì Protopia là một điểm đặt chân chắc chắn ở hiện tại. Có thể nói xã hội hiện tại chính là một Protopia, chúng ta đang sống trong nó, xây dựng nó thành một thiên đường nơi mặt đất hoặc một địa ngục trần gian. Nhưng có thể, chúng ta không hề nhận thức được rằng xã hội hiện tại chính là di sản của những tiền nhân trong quá khứ và sự tác động của những con người đang sống ngay tại thời đại này. Cũng có thể hiện tại này chính là một phần thất bại hoặc thành công của những lý tưởng về Utopia mà những con người trong quá khứ cố xây dựng nên.
Trong quá trình phát triển của con người, ta đã tạo ra không ít xã hội có thể xem như một Dystopia kiểu mẫu, nhưng đồng thời cũng đã phát triển, để xã hội đấy ở sau lưng và xem nó như một bài học xương máu. Y như 3 giai đoạn của giả kim của FMAB, chúng ta học hỏi, tháo dỡ nó ra rồi sau đó lại xây dựng và tái thiết lại thành những thứ mà ta không bao giờ nghĩ đến. Có thể là bằng công nghệ, khoa học,... thậm chí biến đổi gen chúng ta để có thể sử dụng siêu năng lực hay phép thuật chẳng hạn. Nghĩ mà xem, con người từng đi từ thời kỳ cho rằng chỉ có lửa mới tạo ra được ánh sáng vào ban đêm đến xây dựng những thành phố không bao giờ tắt sáng, cho rằng 1+1=2 là chân lý và giờ sinh ra hàng chục phép tính mà mọi người đánh vật hàng ngày. Con người là những sinh vật đầy tiềm năng, được thúc đẩy bởi cả mặt tốt và xấu. Chẳng ai biết được thứ điên rồ nào chúng ta sẽ tìm đến trong tương lai đâu.
Nhưng. Chúng ta cũng phải nhớ rằng, dù trong tác phẩm văn học hay thậm chí là ngoài đời thực, thiên đàng và địa ngục cũng chẳng khác gì hai mặt của đồng xu. Việc phát triển ngày càng lớn cũng giống như một trò đi trên dây vậy. Như lời của Sora nói ở đoạn trên vậy, chúng ta có thể vì một sai lầm nào đó mà phá tan tành mọi thứ, hoặc một ngoại lực nào đó khiến hành tinh này toang hoang như Đế Chế của bố Hoàng vậy. Việc trong một lúc nào đó, những tác nhân và điều kiện sẽ hội tụ đủ để tạo nên một viễn cảnh chả tốt đẹp gì. Một cuộc thế chiến nữa chẳng hạn. Well… có thể chúng ta sẽ cần chuẩn bị cho thứ tồi tệ sắp tràn đến, nhưng đồng thời mình cũng có niềm tin về việc con người sẽ không cố ý phá tan hoang nơi này. Ít nhất là trong thời đại này. Nhìn chung cứ hy vọng là ta có thể tiến đến tương lai mà không phải trải qua thời kỳ tăm tối nào nữa đi. Vì đến mình đang mê cái vũ trụ hỗn loạn của Warhammer mà còn chả muốn sinh ra trong nó mà. Và cũng không bị ngã khi hướng về xã hội lý tưởng nữa.
Con người một ngày nào đó sẽ tiến xa hơn cả những vì sao, cũng có thể họ sẽ phá tan hoang cả vũ trụ này. Nhưng bằng một cách nào đó chúng ta sẽ để lại những di sản để thế hệ sau có thể tiến đến những điều tốt đẹp hơn. Đó chính là điều mà mình - Immunity - sẽ tin vào.
.
Và đó là những tìm hiểu cũng như giả thuyết và suy nghĩ của mình về 3 định nghĩa Dystopia, Protopia và Utopia. Nếu mọi người có suy nghĩ khác hay bài mình có sai sót gì mong mọi người góp ý nhé.
Cảm ơn bạn Qan đã cho phép mình sử dụng bài của bạn trong bài viết này.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình.
#Immunity
Nhận xét
Đăng nhận xét